08/06/2011 - 08:26

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Cần xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng đối với sản phẩm trong nước

Ngày 7-6 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong năm 2011 và các giải pháp đẩy mạnh Cuộc vận động từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các Hiệp hội, Tổng công ty, doanh nghiệp...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp sẽ không thể thiếu Cuộc vận “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động có hiệu quả tích cực, có tác dụng lồng ghép với việc thực hiện Nghị quyết số 11, Nghị quyết số 02 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện tại sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, tỷ lệ nhập siêu của nước ta vẫn cao, trong đó tập trung vào máy móc thiết bị phụ tùng... Trong tình hình hiện nay, tiềm năng cho phát triển ngành sản xuất trong nước là rất lớn, chính vì vậy, khi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì doanh nghiệp cũng phải chú trọng sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm... Phó Thủ tướng bày tỏ nhất trí với những đánh giá về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 5 tháng đầu năm 2011, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện của Ban Chỉ đạo và các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động trong thời gian tới; trong đó cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền về cuộc vận động. Công tác tuyên truyền cần thiết thực hơn, đi vào lòng dân hơn, cần tiến hành lâu dài, bền bỉ bởi đây là Cuộc vận động xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, ngoài việc nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ phải nâng cao năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của sản phẩm, còn rất cần sự ủng hộ của người dân, của xã hội đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt. Cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, có số liệu phân tích cụ thể, có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém đối với từng ngành hàng, ngoài ra, cần kiểm soát và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các Bộ, ngành cần có những chỉ đạo sâu hơn, kỹ hơn đối với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xã hội...

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả bước đầu của Cuộc vận động, đề xuất nhiều giải pháp nhằm để cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả. Các đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân về Cuộc vận động, cần chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động; làm tốt công tác quản lý thị trường, chăm lo cho sản xuất hàng Việt để tạo đất sống cho hàng Việt và đưa hàng về nông thôn là xây căn cứ địa lâu dài cho hàng Việt...

NGUYỄN BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết