28/06/2010 - 22:09

DU HỌC TẠI CHỖ

Cần vượt qua rào cản

Giờ thực hành tin học của sinh viên lớp Lập trình viên quốc tế, Mekong Delta - Aptech.

Với một khóa học trọn gói ở nước ngoài, bình quân hằng năm du học sinh phải tiêu tốn hàng chục ngàn USD cho học phí và các chi phí ăn, ở… Chi phí này còn tùy thuộc vào ngành học, trường học của du học sinh. Tốn kém vừa phải mà chất lượng đào tạo vẫn tương đương với chuẩn quốc tế, đó là điều mà các cơ sở đào tạo, người học đều hướng đến, hay nói đúng hơn là một hình thức du học tại chỗ. Và một số cơ sở đào tạo tại TP Cần Thơ đã và đang thực hiện hình thức đào tạo này, nhưng việc triển khai vẫn còn rất dè dặt…

Học tại Việt Nam, chuẩn quốc tế

Bạn Nguyễn Minh Khoa, sinh viên lớp Lập trình viên, Trung tâm Đào tạo Lập trình viên quốc tế Mekong Delta - Aptech, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), cho biết: “Với mong muốn ra trường dễ tìm việc làm, mức lương cao, nhất là có cơ hội học chương trình đào tạo quốc tế nên tôi đã chọn học ngành này. Nếu so với việc học tại nước ngoài thì mức học phí tại Cần Thơ thấp hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình tôi”. Để học ngành này, ứng viên phải tốt nghiệp THPT trở lên, thi đầu vào môn tiếng Anh và Logic- Toán. Thời gian học 2 năm, học viên được học miễn phí Anh văn chuyên ngành Công nghệ thông tin, được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Với bằng Lập trình viên, sinh viên có thể làm việc ở các đơn vị trong và ngoài nước hoặc học liên thông ĐH từ 1-1,5 năm tại các trường đại học quốc tế ở Việt Nam, Anh, Úc, Singapore...

Cách đây 5 năm, một số cơ sở đào tạo đã manh nha đào tạo một số chương đào tạo theo chuẩn quốc tế từ bậc trung cấp đến sau ĐH. Hình thức là liên kết đào tạo với trường ĐH nước ngoài hoặc thông qua các chương trình hợp tác quốc tế của đơn vị đào tạo... Học viên vừa học ở Việt Nam, vừa học ở nước ngoài. Đơn cử như AITCV tại Cần Thơ hay một số khoa, trung tâm của Trường ĐHCT (Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Trung tâm Đào tạo Lập trình viên quốc tế Mekong Delta – Aptech...). Bà Tất Thiên Thư, Điều phối viên của AITCV tại Cần Thơ, cho biết: “Để học ngành thạc sĩ Quản lý dự án xây dựng, người học có bằng đại học, giao tiếp Anh văn tốt, có kinh nghiệm làm việc 3 năm. Ưu điểm của chương trình là chất lượng đào tạo tương đương như học tại AIT (bằng do AIT cấp), nhưng chi phí thấp hơn nhiều so với du học tại AIT. Bình quân, học phí cho khóa học tại Việt Nam 13.800 USD/ học viên. Trong khi đó, học phí tại Thái Lan là trên 15.600 USD/ học viên, chưa tính chi phí ăn, ở, , sinh hoạt”.

Từ năm 2001 đến nay, Mekong Delta – Aptech, đã có 343 lập trình viên ra trường, trong đó 81% có việc làm tại một số công ty phần mềm như: FPT, SP, Lạc Việt, Sắc Việt, CSP, GMS, GolSoft,... 5% sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học liên thông tại các trường đại học quốc tế như: RMIT, FPT-Greenwich hoặc du học tại các trường ở Singapore, Úc, Anh,... Theo ông Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Trưởng bộ phận đào tạo của Mekong Delta - Aptech, chương trình đào tạo của Mekong Delta - Aptech dựa trên cơ sở hợp tác giữa ĐHCT và Tập đoàn tin học Aptech, Ấn Độ. Nhiều năm nay, khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), Trường ĐHCT đã hợp tác với Tổ chức AUF (Cộng đồng các trường ĐH nói tiếng Pháp) mở các lớp đào tạo kỹ sư theo chương trình đào tạo song ngữ Việt- Pháp. Cuối khoá học, sinh viên vừa nhận bằng tốt nghiệp ĐH do Trường ĐHCT cấp và một chứng chỉ do một trường ĐH của Pháp cấp.

Những hình thức đào tạo nêu trên là dạng hình thức du học tại chỗ, có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Nhưng, dường như việc triển khai ở các đơn vị vẫn còn dè dặt, thận trọng, cũng như chưa thực sự tạo “lực hút” mạnh mẽ đối với người dân ĐBSCL.

Cần nỗ lực vượt qua rào cản

Một thời gian dài, khoa CNTT&TT Trường ĐHCT đã đặt vấn đề hợp tác đào tạo với một số trường ĐH có chất lượng ở Anh, Mỹ,... nhưng chưa thực hiện được. Đơn cử như mô hình 2 giai đoạn (2 năm học Việt Nam, 2 năm học tại Anh) với ĐH West Island, nhưng chi phí cho 2 năm học ở Anh khá đắt nên không có nguồn học viên. Hay như mô hình liên kết đào tạo với Mỹ, học tại Việt Nam, với học phí thấp và toàn bộ chương trình, quản lý đào tạo... do trường ĐH ở Hoa Kỳ phụ trách. Tuy nhiên, bằng tốt nghiệp do Việt Nam cấp nên học viên chưa thực sự “mặn mà” để theo học. Theo tiến sĩ Lê Quyết Thắng, Trưởng khoa CNTT&TT, nguyên nhân khiến lãnh đạo khoa dè dặt là mở ngành đào đạo phải đi đôi với chất lượng đào tạo. Để làm được điều này đòi hỏi có nhiều yếu tố như năng lực của khoa, kinh phí, nguồn học viên,...

Một vấn đề khác khiến không ít nhà quản lý “đau đầu” là trình độ ngoại ngữ- vốn là hạn chế của người dân ĐBSCL. Bà Tất Thiên Thư cho biết: “Để theo kịp chương trình đào tạo, đòi hỏi người học phải vững về ngoại ngữ, nhưng phần lớn các học viên đều hạn chế nên áp lực việc học rất cao”. Còn theo tiến sĩ Lê Quyết Thắng, khoa đang xúc tiến thực hiện mô hình đào tạo đại học Công nghệ thông tin với ĐH Auckland- New Zealand, hy vọng sẽ có khả thi so với các mô hình trước đây. Theo đó, 2 năm đầu, sinh viên học tại Việt Nam và do Trường ĐHCT quyết định hoàn toàn về chương trình, giảng viên,... nhưng phải đảm bảo trong 2 năm sinh viên phải vững về ngoại ngữ để có thể tiếp tục học 2 năm sau ở Anh, còn nếu không đạt phải học tại TP Cần Thơ hoặc TP Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Lê Quyết Thắng phân tích: “Tuy đây là dự kiến nhưng tôi hy vọng sẽ tổ chức đào tạo được, nhưng lo nhất vẫn là trình độ ngoại ngữ của sinh viên phải đạt IELTS 6.0. Điều kiện này không phải ứng viên nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu”.

Để khắc phục những khó khăn trên, tiến sĩ Lê Quyết Thắng cho rằng, gia đình, nhà trường và học sinh cần có ý thức học tập ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) ngay từ những năm học phổ thông. Về cơ sở đào tạo, khoa cố gắng chuyển sang đào tạo bằng đôi. Tức là tùy theo năng lực của mỗi sinh viên mà có thể lấy bằng Việt Nam hoặc của nước ngoài, hay lấy cả 2 bằng, như chương trình hợp tác với ĐH Auckland- New Zealand. Còn theo bà Tất Thiên Thư và ông Nguyễn Phú Trường, đơn vị sẽ tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh miễn phí một vài tháng cho học viên để có thể tiếp thu chương trình đào tạo một cách hiệu quả.

***

Rõ ràng, các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế là một hình thức du học tại chỗ, chi phí thấp hơn nhiều so với du học nước ngoài. Đây là hướng đi khả thi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, để thực hiện được mong muốn này thì các cơ sở đào tạo, ứng viên phải cần nỗ lực để vượt qua những rào cản như hiện nay.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết