04/01/2010 - 20:45

XUẤT KHẨU THỦY SẢN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần tổ chức lại quy trình sản xuất - tiêu thụ

Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL.

Cho đến thời điểm này, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 4,2 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với dự báo hồi đầu năm nhưng lại giảm khoảng 300 triệu USD so năm 2008. Sau 10 năm tăng trưởng liên tục thì năm 2009, xuất khẩu thủy sản đã bị âm. Nhiều bất cập đã nẩy sinh từ vùng nuôi, chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vấn đề đặt ra để cho ngành thủy sản ở ĐBSCL phát triển bền vững là cần tổ chức lại quy trình sản xuất và tiêu thụ...

SẢN LƯỢNG XUẤT KHẨU GIẢM

Theo ước tính của Bộ Công thương, năm nay xuất khẩu cá tra sẽ đạt khoảng 1,3 tỉ USD thế nhưng đến nửa đầu tháng 11-2009, lượng cá tra xuất khẩu chỉ gần 1,171 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008. Thị trường xuất khẩu vào Nga đối với mặt hàng cá tra giảm mạnh gần 63% so với cùng kỳ. Hiện tại, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lo ngại thời điểm này, nhu cầu hàng thủy sản tăng nhưng giá nguyên liệu cá tra vẫn ở mức thấp. Ông Lương Văn, phường Trung Nhất, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi đã bán hầm cá hơn 50 tấn với giá 14.200đồng/kg, trừ các khoản chi phí lỗ trên 100 triệu đồng”. Đây là mức lỗ khiêm tốn so với nhiều “đại gia” ở Thốt Nốt. Từ đầu năm đến nay, có không ít hộ thua lỗ từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng. Hiện tại, giá thức ăn tăng đã đẩy giá thành sản xuất nuôi lên 15.500đồng/kg, trong khi giá cá chỉ 14.500-15.200 đồng.

Người nuôi đã khốn đốn còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy dễ thở. Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ... nhiều doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch, thậm chí bị lỗ nặng. Nguyên nhân là do bị mất thị trường Nga thời điểm đầu năm, cộng với giá cá xuất khẩu năm nay thấp, nguồn cá nguyên liệu thiếu hụt nên tình hình sản xuất kinh doanh không như mong muốn. Ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lo lắng: “Cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Năm nay xuất khẩu cá tra không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương”.

Đối với tôm sú dù được giá khá cao nhưng doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng “khát” nguyên liệu. Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, dẫn đến việc xuất khẩu bị động. Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau, bày tỏ: Đáng lo ngại là môi trường nuôi suy thoái làm cho năng suất tôm ngày càng giảm, đẩy các nhà máy vào cảnh hoạt động cầm chừng, chờ đủ nguyên liệu...

CẦN TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT

Năm 2009, hoạt động ngành thủy sản ở ĐBSCL bị chựng lại, số hộ nuôi bỏ ao, hầm tiếp tục tăng 30 - 50%. Còn doanh nghiệp có nhà máy chế biến ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang... đã và đang kêu bán nhà máy do thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Gò Đàng, phân tích: “Nhiều người đã sai lầm khi nghĩ rằng xuất khẩu thủy sản là lĩnh vực siêu lợi nhuận nên ùn ùn bỏ tiền tỉ đầu tư xây nhà máy. Thậm chí những người không có chuyên môn, không đủ nội lực cũng nhảy vào xin đất thành lập nhà máy. Chính kiểu làm ăn theo phong trào, bán hàng kém chất lượng... đã làm mất uy tín cho ngành thủy sản. Hiện tại nhiều doanh nghiệp nhỏ kêu bán nhà máy là lẽ tất yếu xảy ra”. Ông Đạo cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi nhất để sắp xếp lại trật tự nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản. Theo đó nên có hàng rào kỹ thuật về việc xây dựng nhà máy. Ai có năng lực, có thị trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn qui định... mới cho xuất khẩu, nhằm tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ không lành mạnh. Đối với người nuôi thủy sản, những hộ nhỏ lẻ sang bán ao hầm cho hộ nuôi lớn có năng lực. Đây là xu thế để hình thành vùng nuôi tập trung, có đầu tư vốn, kỹ thuật đầy đủ, kiểm soát chặt đầu vào đầu ra để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao.

Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, đề xuất các ngành chức năng không nên phát triển nhà máy tràn lan (nhất là nhà máy không đạt tiêu chuẩn), để tiến tới thành lập các tập đoàn thủy sản mạnh đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Khi chúng ta có những tập đoàn mạnh làm ăn bài bản, có trách nhiệm, có đầu tư vùng nguyên liệu - gắn kết với người nuôi; lúc đó việc quản lý và kiểm soát giá cả, đầu vào - đầu ra sẽ dễ dàng.

Nhiều nhà chuyên môn tin tưởng, tới đây ngành thủy sản ở ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển, bởi nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới rất lớn. Nếu so sánh với sản phẩm cá hồi của Na Uy, Nhật, Nga, hay cá rô phi của Trung Quốc thì cá tra, cá ba sa Việt Nam chiếm ưu thế rõ rệt trên thương trường quốc tế. Vấn đề là chúng ta nhanh chóng sắp xếp, quy hoạch lại một cách căn cơ từ vùng nuôi đến sản xuất giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu... Tất cả phải dựa trên những quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, Nhà nước cần đóng vai trò “nhạc trưởng” để sắp xếp lại nghề cá theo hướng phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiêm Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết: Đến nay, mọi việc chuẩn bị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã sẵn sàng. Dự kiến cuối tháng 12- 2009 hoặc đầu tháng 1- 2010 sẽ tổ chức đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Hiệp hội sẽ qui tụ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người nuôi, các hiệp hội địa phương... cùng tham gia. Hiệp hội được kỳ vọng là sẽ giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay của nghề cá. Cụ thể sẽ quản lý tốt việc qui hoạch vùng nuôi, sản lượng cá hàng năm. Dự kiến sản lượng cá sẽ được điều tiết thấp hơn nhu cầu thị trường tiêu thụ nhằm tạo giá cao. Song song đó, hiệp hội sẽ tạo ra sự đồng thuận, liên kết “4 nhà” để cùng phát triển. Quan điểm chung của hiệp hội là tới đây sẽ không phát triển thêm sản lượng mà tập trung nâng cao chất lượng. Đảm bảo chất lượng sẽ là yếu tố hàng đầu, quyết định sự “sống còn” của nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ĐBSCL.

Bài, ảnh: TRẦN PHONG

Theo Đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2010 sẽ nâng sản lượng cá nguyên liệu lên 1,5 triệu tấn. Trong đó xuất khẩu là 600.000 tấn, tiêu thụ nội địa 100.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỉ USD, tạo việc làm cho 20 vạn lao động. Đến năm 2020, sản lượng cá nguyên liệu đạt 2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỉ USD, tạo việc làm cho 25 vạn lao động.


Chia sẻ bài viết