28/05/2023 - 19:07

Cần thống nhất bảng tên đường “Lộ Vòng Cung” 

VĂN GIÁP

Gần chân cầu Cái Răng phía bờ quận Ninh Kiều có bảng tên đường ghi “đường Vòng Cung”. Cùng tuyến đường, nhưng đoạn giáp quốc lộ 91, thuộc địa bàn phường Phước Thới, quận Ô Môn, lại ghi “đường Lộ Vòng Cung”. Vậy, tên gọi nào đúng?

Hai bảng tên đường được lắp ở đoạn gần chân cầu Cái Răng (trái) và giáp Quốc lộ 91 (phải). Ảnh: DUY KHÔI

Hai bảng tên đường được lắp ở đoạn gần chân cầu Cái Răng (trái) và giáp Quốc lộ 91 (phải). Ảnh: DUY KHÔI

Lộ Vòng Cung là địa danh lịch sử, gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ. Địa danh lịch sử này được nhà thơ Lâm Thao miêu tả qua hai câu thơ nổi tiếng:

“Vòng Cung đi dễ khó về

Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom”

Toàn tuyến Lộ Vòng Cung đi qua địa bàn 3 quận, huyện của thành phố là Ninh Kiều (gần chân cầu Cái Răng, chợ An Bình), Phong Điền và Ô Môn (giáp quốc lộ 91) với chiều dài khoảng 27.600m.

Cơ sở pháp lý của tên đường Lộ Vòng Cung là Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 10-7-2015 được thông qua tại Kỳ họp thứ mười sáu, HĐND TP Cần Thơ khóa VIII, về việc đặt tên, đổi tên đường. Theo nghị quyết này, tên “Lộ Vòng Cung” được đặt cho tuyến đường từ Lộ Vòng Cung (huyện Phong Điền) đến quốc lộ 91, tên gọi tạm là đường tỉnh 932. Đồng thời, đổi tên gọi tạm Vòng Cung thành “Lộ Vòng Cung” cho tuyến đường từ cầu Cái Răng đến Lộ Vòng Cung (huyện Phong Điền). Như vậy, tuyến đường Lộ Vòng Cung đã được đặt tên thống nhất, nối dài từ quận Ninh Kiều, qua huyện Phong Điền và kết thúc tại quận Ô Môn. Việc ghi bảng tên đường “Vòng Cung” ở gần chân cầu Cái Răng là chưa phù hợp với việc đặt tên, đổi tên đường theo tinh thần Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND của HĐND TP Cần Thơ.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đã đường mà còn đặt tên là đường “Lộ Vòng Cung” thì có “dư” một thành tố từ ngữ. Nhưng tìm hiểu mới rõ, việc đặt tên đường Lộ Vòng Cung là hoàn toàn thỏa đáng và phù hợp với lịch sử. Khi gọi tên đường Lộ Vòng Cung, hai thành tố “đường” và “lộ” không ghép chung mà biệt lập, khi đó cụm từ chỉ địa danh “Lộ Vòng Cung” được tách riêng biệt. Lộ Vòng Cung là một địa danh lịch sử, tên gọi quen thuộc của bao thế hệ người Cần Thơ cũng như những ai yêu mến mảnh đất này.

Theo Phụ lục II kèm theo Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND của HĐND TP Cần Thơ: Địa danh Lộ Vòng Cung là dấu ấn khó phai mờ, gắn chặt với truyền thống lịch sử hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ cũng như ĐBSCL và cả nước trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tuyến Lộ Vòng Cung dài gần 30km, bắt đầu từ phường An Bình (quận Ninh Kiều), đi qua các xã Mỹ Khánh, thị trấn Phong Điền, xã Tân Thới (huyện Phong Điền) và phường Trường Lạc, phường Phước Thới (quận Ô Môn) ngày nay. Lộ Vòng Cung là vành đai án ngữ để bảo vệ nội ô thành phố Cần Thơ. Vì thế, cuối năm 1967, Mỹ - Ngụy đã triển khai xây dựng tuyến phòng thủ này với hệ thống đồn bót và bộ máy kiềm kẹp quần chúng nhân dân, đánh phá phong trào cách mạng. Mặt trận Lộ Vòng Cung trở thành một trong những trọng điểm ác liệt gian khổ, là bàn đạp đứng chân của các lực lượng ta tấn công vào tận đầu não và sào huyệt của địch ở Cần Thơ.

Đặc biệt năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng “Địa điểm chuyển quân, Trạm Quân y Tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ” là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Như vậy, với cơ sở pháp lý và lịch sử truyền thống, cần thống nhất tên gọi đường Lộ Vòng Cung cho toàn tuyến đường này.

Chia sẻ bài viết