24/10/2021 - 15:22

Cần Thơ triển khai tiêm 180.000 liều vaccine Abdala 

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, thành phố đã nhận 180.000 liều vaccine phòng COVID-19 Abdala, do Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) của Cuba sản xuất.​ Dự kiến cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2021, Cần Thơ sẽ tiêm vaccine này cho người dân.

Với vaccine Abdala, trong trường hợp huyết áp cao, nên hoãn tiêm chủng cho đến khi kiểm soát được huyết áp.

Với vaccine Abdala, trong trường hợp huyết áp cao, nên hoãn tiêm chủng cho đến khi kiểm soát được huyết áp.

Thành phần hoạt chất của vaccine Abdala là protein tái tổ hợp vùng liên kết thụ thể virus SARS-CoV-2 (RBD) tương tác với thụ thể ACE2 của người. Phân tử được biểu hiện trong nấm men Pichia pastoris, tá dược là nhôm hydroxide. Tại Việt Nam, vaccine Abdala được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định Số 4471/QĐ-BYT, ngày 17-9-2021. Kết quả nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh vaccine Abdala hiệu quả đạt 92,28% trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng.

Vaccine Abdala được chỉ định tiêm phòng cho người từ 19 tuổi đến 65 tuổi. Lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày. Đây là điểm khác biệt với 7 loại vaccine phòng COVID-19 còn lại được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Vaccine Abdala chống chỉ định tiêm cho người dưới 19 tuổi. Chống chỉ định với những trường hợp mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vaccine (bao gồm cả thiomersal).

Nhà sản xuất cũng khuyến cáo thận trọng với những người mắc bệnh mãn tính, tự miễn dịch hoặc bệnh chuyển hóa nội tiết phải cân nhắc tại thời điểm tiêm chủng. Trong trường hợp huyết áp cao, nên hoãn tiêm chủng cho đến khi kiểm soát được huyết áp. Đối với các trường hợp bị nhiễm trùng cấp tính, việc tiêm chủng vaccine Abdala nên được hoãn lại cho đến khi giải quyết được tình trạng nhiễm trùng. Kinh nghiệm sử dụng vaccine này ở phụ nữ có thai còn hạn chế. Chỉ định tiêm vaccine Abdala trong thai kỳ nên được xem xét nếu lợi ích lớn hơn các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đối với mẹ và thai nhi dựa trên các chẩn đoán y tế.

Sau khi tiêm vaccine Abdala, các tác dụng không mong muốn xảy ra ở thể nhẹ (97%) và tự khỏi mà không điều trị bằng thuốc. Các phản ứng này thường xuất hiện trong khoảng từ 24-48 giờ sau khi tiêm vaccine. Tần suất ghi nhận các tác dụng không mong muốn cao hơn sau khi tiêm liều đầu tiên và giảm sau khi tiêm các liều tiếp theo. Tần suất xuất hiện các biến cố bất lợi rất ít gặp, từ 0,1 đến 1% tổng số liều được sử dụng, ghi nhận chủ yếu các phản ứng tại chỗ, hầu hết là đau tại chỗ tiêm, đỏ và cứng (0,85%). Các phản ứng toàn thân là nhức đầu (0,54%), tăng huyết áp (0,27%), buồn ngủ (0,18%) và mệt mỏi (0,14%). Các phản ứng khác xảy ra với tần suất ít hơn, chiếm 0,1% tổng liều sử dụng như: buồn nôn, nôn, đau khớp và tình trạng khó chịu nói chung.

Sau khi sử dụng hơn 3 triệu liều trong cộng đồng, phản ứng phản vệ đã được ghi nhận với tần suất 0,19 trên 100.000 liều được tiêm. Không có trường hợp tử vong hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác liên quan đến tiêm chủng xảy ra.

Vaccine Abdala giảm nguy cơ mắc COVID-19 trên 92% 

Ngày 25-9-2021, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng nhận 1,05 triệu liều vaccine Abdala của Cuba. Trong đó, có 900.000 liều nằm trong hợp đồng mua 10 triệu liều mà Việt Nam đã ký với Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học; 150.000 liều vaccine còn lại là quà tặng của Cuba

 


Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết