20/07/2022 - 08:47

Cần Thơ huy động các nguồn lực để tăng tốc phát triển 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ tăng 8,04%, cao hơn mức bình quân chung của các nước (GDP cả nước tăng 6,42%). Ðây là nỗ lực rất lớn của thành phố trong triển khai các chương trình, chính sách, chủ động linh hoạt điều hành kinh tế, tạo đà phục hồi sản xuất kinh doanh. Thành phố cũng đang tận dụng các cơ chế đặc thù của Trung ương để thực sự trở thành trung tâm động lực vùng ÐBSCL, kết nối kinh tế cả nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Củng cố nội lực để vượt thách thức

Tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt mức cao so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh vùng ÐBSCL. Ðạt được kết quả này, các sở, ngành thành phố đã nỗ lực rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh; khơi thông điểm nghẽn về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố đã tiếp các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, như: Công ty TNHH Veco Việt Nam, Công ty TNHH GDS Việt Nam, Công ty CP Ðầu tư và Phát triển Sunny World, Tập đoàn CJ - Hàn Quốc, Tập đoàn IDIDO, Tập đoàn SSG… đến tìm hiểu đầu tư. Ðiều này chứng tỏ môi trường đầu tư của thành phố đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TP Cần Thơ đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Ảnh: A.H

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trên địa bàn thành phố đạt hơn 15.481 tỉ đồng, tăng 19,23% so với cùng kỳ năm trước. UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án, vốn đầu tư trên 813,1 tỉ đồng. Ðến nay, Cần Thơ có 97 dự án đang triển khai thực hiện, tổng diện tích khoảng 2.457ha. Bên cạnh đó, thành phố đã cấp mới cho 964 doanh nghiệp các loại hình, vốn đăng ký 5.597 tỉ đồng, tăng gần 21,6% so với cùng kỳ. Cần Thơ hiện có 84 dự án FDI, vốn đăng ký trên 2,05 tỉ USD (vốn thực hiện chiếm 25% tổng vốn đăng ký). Một trong những dự án FDI được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển và lan tỏa không chỉ cho thành phố mà còn cả khu vực ÐBSCL là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (nhà đầu tư Nhật Bản, vốn đầu tư 1,3 tỉ USD) được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1-2020…

Có thể nói, việc vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong điều hành, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp đã tạo động lực để Cần Thơ tăng tốc phát triển. Lãnh đạo thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính; rà soát các quy định, cơ chế… nhằm kịp thời gỡ các điểm nghẽn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến thành phố đầu tư. Ðặc biệt, từ năm 2021 đến nay, các sở, ngành thành phố đã phối hợp rà soát các dự án đầu tư công, các dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách… tạo môi trường đầu tư minh bạch.

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, với các dự án ngoài ngân sách, Sở phối hợp với các sở ngành có liên quan rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án, bồi thường, tái định cư. Những dự án chủ đầu tư không còn khả năng triển khai, Sở sẽ đề xuất UBND thành phố thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đủ năng lực đầu tư các dự án tại thành phố.

Tận dụng những cơ hội mới

Mới đây, làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố phải quyết tâm cao hơn để tạo bước đột phá trong phát triển, xứng tầm là đô thị trung tâm động lực vùng ÐBSCL. Ðồng thời chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là các công trình kết nối vùng, liên vùng, vừa phát huy vai trò đầu mối giao thông vùng, vừa tạo động lực phát triển cho toàn vùng. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có cách tiếp cận mới, đổi mới tư duy trong giải quyết các khó khăn. Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư, nhất là dự án trọng điểm quốc gia đầu tư trên địa bàn thành phố.

TP Cần Thơ đang có nhiều cơ hội mới cho sự phát triển, ngân sách Trung ương phân bổ cho thành phố cũng tăng hơn so với trước. Ðặc biệt là Nghị quyết số 45/2022/QH ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là bước ngoặt mới, tạo cơ chế thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng ÐBSCL.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 6, HÐND TP Cần Thơ khóa X, giải trình các vấn đề cử tri quan tâm, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố, đã làm rõ thêm 4 vấn đề, trong đó nội dung về triển khai Nghị quyết 45 của Quốc hội. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 45 của Quốc hội, UBND thành phố đang rà soát cơ chế, chính sách về quản lý đất đai (các trường hợp cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa) để trình Trung ương. Thí điểm phân cấp thẩm quyền và trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị. Tổ chức lấy ý kiến nhà quản lý, chuyên gia, địa phương… về Ðề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ. Phối hợp với các cơ quan Trung ương để sớm triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện nạo vét luồng Ðịnh An...

Thành phố cũng đang triển khai thực hiện Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo định hướng xây dựng Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL. Là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao. Ðồng thời là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL… Ðể đạt mục tiêu này, thành phố xác định cần rà soát các quy hoạch phát triển, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nguồn nhân lực… nhằm giải quyết những hạn chế, tăng tốc phát triển.

Bên cạnh đó, hàng loạt công trình trọng điểm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng diểm kết nối giữa Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước đã, sắp hoàn thành như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chuẩn bị đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm kết nối các đô thị, các trục hành lang kinh tế, thúc đẩy đô thị - thương mại - công nghiệp - nông nghiệp… Cùng với đó, thành phố đang tận dụng tối đa các cơ chế đặc thù của Trung ương để phát triển đột phá, xứng tầm đô thị trung tâm ÐBSCL và tạo động lực lan tỏa trong đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết