23/05/2020 - 10:14

Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX

Cần Thơ - dấu ấn tăng trưởng 15 năm 

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005, của Bộ Chính trị khóa IX “về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (NQ45), kinh tế- xã hội (KT-XH) TP Cần Thơ đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng tăng lên.

Để chuẩn bị cho một Nghị quyết mới đáp ứng yêu cầu phát triển TP Cần Thơ trong bối cảnh, tình hình mới, hôm nay, ngày 23-5, tại TP Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết NQ45 (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo lần thứ 2.

Một góc đô thị trung tâm TP Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: ANH KHOA

►Công nghiệp và dịch vụ  phát triển đúng định hướng

NQ45 đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2020 của TP Cần Thơ là “Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”.

Dự thảo Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện NQ45 của Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: 15 năm qua, TP Cần Thơ đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng NQ45 đề ra, theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ đạt mức 92,3%; nông nghiệp đạt mức 7,7% trong cơ cấu GRDP năm 2019. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá, giai đoạn 2005-2015 tăng bình quân 15,5/năm; giai đoạn 2016-2019 tăng khoảng 8%/năm. Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu công nghiệp của thành phố và đang tiếp tục có xu hướng tăng thêm với tỷ trọng lên đến 70-80% tổng giá trị sản xuất trong toàn ngành công nghiệp của địa phương. Giai đoạn 2014-2019, tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị của thành phố đạt mức 10,2%/năm; tỷ trọng tổng sản phẩm công nghệ cao, trung bình đạt mức 28%, chiếm tỷ lệ hơn 90% trong tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Cần Thơ luôn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu trong toàn quốc về công nghệ thông tin (sản xuất phần cứng, phần mềm và nội dung số).

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, chia sẻ: Ngành Công nghiệp thành phố phát triển theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nổi bật là có số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất vùng ĐBSCL; các doanh nghiệp trong ngành thủy sản cũng đã chinh phục các thị trường khó tính như thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và đang mở rộng ra thị trường châu Phi. Đồng thời, bước đầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành dịch vụ giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 7,48%/năm, đến năm 2019 đóng góp tỷ trọng 59,34% trong GRDP. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện KT-XH TP Cần Thơ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ TP Cần Thơ cao nhất ĐBSCL, tăng trưởng giai đoạn 2006-2019 đạt tốc độ khoảng 20%/năm. Trong chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL, ba mắt xích rõ nét nhất mà Cần Thơ đang đảm nhiệm đó là cung cấp đầu vào (thông qua hệ thống thương mại và dịch vụ của thành phố), sản xuất - chế biến và tiêu thụ (gồm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa). Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP Cần Thơ, số lượng khách du lịch tăng bình quân 17,1%/năm, doanh thu năm 2019 tăng gấp 16 lần năm 2005. TP Cần Thơ vừa là điểm đến và cũng là điểm trung chuyển khách du lịch quốc tế và nội địa trên cả nước.

►Động lực tăng trưởng

Môi trường đầu tư và kinh doanh của TP Cần Thơ không ngừng được cải thiện cùng với việc cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy khu vực kinh tế phát triển đa dạng; thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 đạt 52.086 tỉ đồng, gấp 7,1 lần so với năm 2005, đứng thứ tư trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng đầu vùng ĐBSCL. Trong đó, nguồn lực ODA lớn từ các tổ chức quốc tế và các đối tác góp phần quan trọng phát triển KT-XH thành phố, với 10 chương trình, dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 14.746 tỉ đồng. Các dự án ODA hầu hết đều tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, cấp nước và vệ sinh môi trường là những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và nhu cầu cấp thiết của thành phố.

Ngày 7-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 103/2018/NĐ-CP về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2018. Nghị định 103 đã tiếp thêm sức mạnh cho TP Cần Thơ trong thu hút các nguồn lực từ Trung ương, trong và ngoài nước trong giai đoạn phát triển mới.

Cần Thơ được chính thức công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương năm 2009; đến năm 2019 tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%, tăng gần 20 điểm phần trăm so với năm 2005 và cao hơn gần 2 lần so với mức trung bình toàn quốc. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối mạng lưới đô thị vùng, góp phần giúp Cần Thơ làm tốt vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế cũng như hỗ trợ phát triển KT-XH của thành phố.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, nhận định: Kết cấu hạ tầng giao thông của TP Cần Thơ được đầu tư ngày càng đồng bộ đã góp phần xây dựng đô thị, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế, tiềm năng của TP Cần Thơ: công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng, bất động sản, thương mại dịch vụ, vận tải, khách sạn, du lịch, y tế, giáo dục. 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện KT- XH TP Cần Thơ, trong giai đoạn tới, để thể hiện rõ vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ cần phối hợp chặt chẽ với Trung ương và các địa phương trong vùng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông cần được đồng bộ, chú trọng những dự án mang tính đòn bẩy cho sự phát triển của TP Cần Thơ và logistics của vùng ĐBSCL. Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực về hợp tác quốc tế và liên kết vùng đã đạt được. Đặc biệt là vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị định 103 quy định cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ để góp phần tạo ra động lực mới cho phát triển.

Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng Cái Cui. Ảnh: MINH HUYỀN

TP Cần Thơ phấn đấu được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 (giá so sánh năm 2010) đạt 13.531 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2006, tăng bình quân 2,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn hơn 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo các xã dưới 2%;…

Nhiều ý kiến đánh giá Cần Thơ đang dần khẳng định vai trò cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, trung tâm kinh tế, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ của vùng. Tuy nhiên, quá trình phát triển của thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; vai trò trung tâm và sức lan tỏa với các địa phương trong vùng còn thấp. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, chia sẻ: Sau khi Tổng kết NQ45, chúng ta đang kỳ vọng sẽ có Nghị quyết mới nhằm phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố sẽ tiếp tục được đầu tư đồng bộ hơn để thực sự là trung tâm động lực của vùng.

Minh Huyền

Chia sẻ bài viết