Vương quốc Anh hiện đứng thứ 14 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Anh, lĩnh vực công nghiệp chiếm tới 86% tổng vốn đầu tư, kế đến là dịch vụ chiếm 11%, còn lại là nông - lâm nghiệp với khoảng 3%.
Với thế mạnh là sản xuất, chế biến nông - thủy sản, Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung liệu có thể thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Anh? Nông - thủy hải sản từ ĐBSCL có thể vào thị trường Anh? Để trả lời vấn đề này, chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với bà Deborah Clarke, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM:
* Thưa bà Tổng Lãnh sự, tôi được biết bà cũng kiêm chức Tổng Giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Anh (UKTI) tại Việt Nam. Bà có thể giới thiệu đôi nét về hoạt động của tổ chức này?
-UKTI là tổ chức của Chính phủ Anh nhằm trợ giúp các công ty Anh hoạt động trong nền kinh tế toàn cầu. Các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp của chúng tôi được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp, giúp họ đạt được thành công tốt nhất. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các công ty Anh tìm đối tác kinh doanh thích hợp tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tư vấn cho các công ty Việt Nam tìm các nhà cung cấp hoặc đối tác Anh, cũng như những doanh nghiệp đang cân nhắc thiết lập văn phòng tại Anh.
Chúng tôi có mối quan hệ gần gũi với mạng lưới rộng lớn các cơ quan, ban ngành, cũng như các tổ chức, hiệp hội thương mại và các công ty Việt Nam để tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho khách hàng của chúng tôi. UKTI tiếp tục xây dựng mối quan hệ thân thiết với các đối tác Việt Nam. Điều này được minh chứng trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Vương quốc Anh vào tháng 3-2008. Qua đó, hai bên đã ký nhiều hợp đồng thương mại, các thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ có tổng giá trị ước khoảng 6,5 tỉ USD.
* Hiện nay, các tập đoàn Anh quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam. Theo bà, các lĩnh vực nào họ chú trọng nhất? Bà có nghĩ rằng với những tiềm năng hiện có trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông sản, thực phẩm... Cần Thơ có thể thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Anh ?
- Anh xác định Việt Nam là một trong 17 thị trường ưu tiên trên thế giới. Chính phủ Anh cam kết hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam bằng cách quảng bá Anh như là một nguồn cung cấp cạnh tranh các sản phẩm và dịch vụ (bên cạnh các ngành khác) về tài chính, công nghệ thông tin, năng lượng, cảng biển và đường sắt.
Là trung tâm động lực phát triển của ĐBSCL, Cần Thơ có lợi thế rất lớn để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tôi hoàn toàn tin rằng Cần Thơ có rất nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài ở lĩnh vực thủy sản, chế biến thực phẩm cũng như kỹ thuật nông nghiệp (thân thiện với môi trường).
* ĐBSCL là vùng trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu nông - thủy sản. Vì vậy, bà có thể cung cấp thêm thông tin cho các doanh nghiệp trong vùng về những khó khăn và lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh?
- Việt Nam nổi tiếng về lĩnh vực xuất khẩu nông sản và tôi biết rằng các nhà nhập khẩu Anh rất mong muốn thiết lập mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam. UKTI cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể kết nối những nhà xuất khẩu tiềm năng với những công ty hàng đầu của Anh và những hiệp hội kinh doanh nông sản của Anh. Tôi nghĩ rằng, trong quan hệ làm ăn, có một yếu tố rất quan trọng là chúng ta cần hiểu biết văn hóa kinh doanh lẫn nhau. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm việc với nhau và tìm hiểu những khác biệt trong văn hóa kinh doanh của hai nước.
* Xin cảm ơn bà!
N. MINH (Thực hiện)