17/12/2023 - 03:46

Cần thiết kéo dài chính sách hỗ trợ kinh tế?

Mới đây, báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11-2023, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, do nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, các cơ quan chức năng cần xem xét gia hạn chương trình hỗ trợ kinh tế (2022-2023) sang năm 2024 để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hỗ trợ tổng cầu. Theo WB, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những điểm yếu của khu vực tài chính cần được theo dõi sát. Ngoài ra, cần nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản để làm chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Theo WB, tháng 11-2023 chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 2,7%, do tăng sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, thiết bị điện, nhưng triển vọng mở rộng sản xuất vẫn ảm đạm. Còn theo S&P Global tại Việt Nam, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 của Việt Nam vẫn dưới vùng mở rộng sản xuất (đạt 47,3 điểm) và trong 11 tháng năm 2023, PMI của Việt Nam chỉ có 2 tháng trên ngưỡng 50 điểm (ngưỡng khuyến khích mở rộng sản xuất là tháng 2 và tháng 8). Nguyên nhân do nhu cầu thị trường yếu cả bên ngoài lẫn bên trong nước; số lượng đơn đặt hàng giảm, các công ty đã giảm sản lượng, việc làm và hoạt động thu mua hàng, hạn chế lượng hàng tồn kho. Trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh nhất, kể từ tháng 2 đến nay. Chuyên gia S&P Global cho rằng, các nhà sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả trong những tháng tới. Đồng thời, năm 2024 ngành sản xuất sẽ đối mặt với tình trạng khá ảm đạm.

Cũng theo phân tích của WB, tháng 11, tăng trưởng doanh số bán lẻ của nền kinh tế Việt Nam đã chững lại và tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn mức trước đại dịch. Cầu thị trường vẫn chưa cải thiện mạnh. Ngoài ra, tín dụng tăng trưởng nhẹ trong tháng 11, tăng ở mức 10,3% so cùng kỳ năm trước, nhưng con số này vẫn thấp hơn so mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra (14%) và mức trước đại dịch COVID-19 (12-15%). Tăng trưởng tín dụng chậm do nhà đầu tư tư nhân và niềm tin nhà đầu tư tiếp tục suy yếu, một phần do liên quan đến thị trường bất động sản, vốn chiếm 21,6% tổng dư nợ tín dụng vào năm 2022… Vì vậy, các cơ quan chức năng Việt Nam cần xem xét để gia hạn Chương trình phục hồi, hỗ trợ phát triển sang năm 2024 nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực thi chính sách, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết