25/05/2023 - 11:49

Cần tháo gỡ khó khăn của hoạt động giám định tư pháp 

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Giám định tư pháp (GÐTP) là công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động GÐTP còn vướng phải một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục... 

Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết công tác GĐTP theo vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự giai đoạn 2011-2022.

Tại hội nghị tổng kết công tác GÐTP theo vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự giai đoạn 2011-2022, do Bộ Y tế tổ chức mới đây tại Cần Thơ, ông Ðỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, cho biết: Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện công tác giám định, định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan điều tra, chưa có kết luận nào phải thực hiện giám định lại. Tuy nhiên, việc ban hành các kết luận giám định, định giá còn chậm, do thời hạn yêu cầu có kết luận giám định, định giá của cơ quan điều tra thường là 30 ngày kể từ ngày Hội đồng được thành lập. Thời gian này là quá ngắn đối với các cơ quan thực hiện giám định, định giá. 

Tại TP Cần Thơ, theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, các cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện công tác GÐTP theo vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Qua đó giúp quá trình tố tụng diễn ra thuận lợi hơn, quá trình điều tra được chính xác, khách quan. 

Theo Bộ Y tế, từ năm 2011 đến nay, theo trưng cầu, yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã tiếp nhận 20 quyết định trưng cầu giám định và 18 yêu cầu định giá tài sản. Đến nay, các Hội đồng đã hoàn thành, ban hành 35 kết luận. Hiện còn 3 yêu cầu, Hội đồng đang tiếp tục triển khai nhiệm vụ và sớm có kết luận gửi cơ quan điều tra.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho rằng nội dung yêu cầu định giá chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính. Qua nghiên cứu, các thành viên của Hội đồng nhận thấy các quy định về định giá của Bộ Tài chính chưa rõ ràng và cụ thể, dẫn đến việc Hội đồng gặp khó trong việc thống nhất nguyên tắc cũng như phương pháp định giá. Bên cạnh đó, theo danh mục của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong một số yêu cầu định giá có nhiều tài sản hoặc có tài sản không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế như một số tài sản cần định giá theo Quyết định số 4780/QÐ-BYT ngày 18-11-2020 (gồm máy phun đa năng công suất lớn đặt trên ô tô, máy phun phòng dịch ULV đeo vai cấu hình 1, máy phun phòng dịch ULV đeo vai cấu hình 2, hệ thống đo thân nhiệt di động...). Vì vậy, việc thu thập thông tin và yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo, cung cấp thông tin gặp khó khăn.

Theo Bộ Y tế, mặc dù Luật GÐTP năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về trách nhiệm GÐTP của các bộ, cơ quan ngang bộ nhưng cơ quan quản lý nhà nước về công tác giám định là Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức, trình tự tiến hành, chưa hướng dẫn, phổ biến, tập huấn cụ thể cho các bộ, ngành nên việc triển khai thực hiện của các bộ, cơ quan ngang bộ gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Ngoài ra, cán bộ làm công tác giám định, định giá tài sản theo vụ việc chủ yếu làm nhiệm vụ chuyên môn về lĩnh vực y tế, chưa được tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ giám định, định giá…

Ðể việc giám định và định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuận lợi hơn, Bộ Y tế đề ra giải pháp tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan chức năng về công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc để triển khai thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ. Ðồng thời đề xuất Bộ Tài chính chủ trì tham mưu các cơ quan có thẩm quyền thành lập Trung tâm Quản lý nhà nước về công tác GÐTP, định giá tài sản hoặc giao công tác định giá tài sản để Bộ Tài chính triển khai thực hiện; giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư triển khai thực hiện các vụ việc liên quan đến công tác đấu thầu. Xây dựng cơ chế, chính sách về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức khi tham gia làm thành viên Hội đồng định giá tài sản, GÐTP...

Chia sẻ bài viết