09/01/2009 - 08:45

Cẩn thận với nang niệu rốn

Năm 2008, Khoa Ngoại Niệu Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKTƯ) Cần Thơ tiếp nhận, phẫu thuật 25 trường hợp bị áp xe nang niệu rốn, nhiều hơn 10 trường hợp so với năm 2007. Tình trạng người bệnh bị áp xe nang niệu rốn nặng, phải phẫu thuật, thời gian nằm viện kéo dài, rất tốn kém là do thiếu kinh nghiệm phòng bệnh.

Phẫu thuật do nhập viện muộn

Vết mổ của một trường hợp nang niệu rốn bị áp xe, nhưng nhập viện muộn. 

Ngày 1-12-2008, chị Nguyễn Thị Th. H. 29 tuổi, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ được gia đình đưa đến Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ trong tình trạng sốt cao, rốn bị nung mủ, sưng tấy làm đau nhức cả vùng bụng. Chị H. cho biết: “Khoảng 10 ngày trước, tôi ăn không tiêu, bị đau bụng nên xức nhiều dầu vào rốn. Sau đó, thấy rốn bị sưng đỏ, da chảy nước vàng, tôi đã dùng oxy già để rửa sạch và bôi Trangala thì đau nhức không chịu được”. Chị H. đã phải nằm viện đến 7 ngày để phẫu thuật cắt bỏ rốn, vết mổ dài đến 10 cm. Theo bác sĩ Trương Minh Khoa, phụ trách ca mổ, rốn chị H. bị sưng đỏ vì phần nang niệu bên trong ổ bụng nhiễm trùng nặng. Trường hợp này phải mổ mở ổ bụng để cắt bỏ nang niệu. Chỗ rốn bị cắt bỏ được tạo hình dáng chiếc rốn thứ hai để giữ thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ng., 20 tuổi ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, được bác sĩ Lê Quang Dũng, Trưởng khoa Ngoại Niệu Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, phẫu thuật cấp cứu vào đêm 15-12-2008 vì ngoài tình trạng rốn bị áp xe sưng đỏ còn có nước tiểu chảy ra. Chị Ng. bị áp xe rốn do dùng kim bấm vành rốn (như bấm dái tai để đeo bông) để đeo nữ trang cho đẹp. Vết thương chưa kịp lành nhưng khi tắm do thói quen, chị Ng. đã chà xát xà phòng vào vùng hỏm của rốn làm nang niệu rốn bị áp xe.

Có thể phòng tránh

Bác sĩ Lê Quang Dũng cho biết: “Trường hợp bệnh nhân bị áp xe rốn và chỗ rốn có nước tiểu chảy ra chỉ thường xảy ra với trẻ sơ sinh (khác với nhiễm trùng rốn) chứ rất hiếm khi gặp ở người lớn”. Lúc con người còn trong giai đoạn bào thai, vùng rốn có một dây chằng bàng quang (nối từ chóp rốn đến đỉnh bàng quang), gọi là nang niệu rốn. Khi lớn lên, nang này thoái hóa dần thành dây xơ nhưng vì lý do nào đó nang niệu rốn thoái hóa không hoàn toàn hay thoái hóa một phần tạo thành 1 túi (nang). Nang này dễ nhiễm trùng tạo thành áp xe rốn, ổ áp xe to, rất nhiều mủ, phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Bác sĩ Lê Quang Dũng khuyến cáo: “Trong cơ thể, rốn là trung tâm của mọi tạng trong ổ bụng, nơi đó, có nhiều huyệt đạo chi phối các tạng trong bụng”. Bình thường, rốn mang tính chất cơ quan thẩm mỹ vùng bụng, tuy nhiên rốn chứa nhiều chất bẩn: đất, bụi, vật lạ... Do đó, rốn dễ nhiễm trùng, nhất là khi không biết làm vệ sinh rốn, không chú ý nên gây trầy xước chảy máu... Để đề phòng các biến chứng có thể gây áp xe rốn, hằng ngày, nên tắm rửa, vệ sinh nhẹ nhàng, sạch sẽ rốn. Không dùng vật sắc nhọn như móc tai, kềm, kéo, làm trầy xước da gây chảy máu vùng rốn. Khi phát hiện rốn có dịch, mủ, phải đến ngay bác sĩ khám bệnh. Khi bôi dầu vùng rốn nên lưu ý không bôi ngay giữa rốn, mà bôi chung quanh rốn vì nơi đó có nhiều huyệt đạo (4 huyệt: hạ quản, trung cực và 2 huyệt thiên xu).

Bài, ảnh: Đ. KHÔI

Chia sẻ bài viết