Vì ngon miệng, tiện lợi, giá hợp lý so với thu nhập của đa số người dân nên bánh mì được nhiều người chọn sử dụng. Tuy nhiên, năm 2024 là năm ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì... Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo để người tiêu dùng cẩn thận hơn nữa khi chọn mua bánh mì.
Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm ở nơi uy tín, sạch sẽ.
Ngày 4-12-2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông đã ký Quyết định số 3199/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, chủ cơ sở bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình (phường 7, TP Vũng Tàu), liên quan đến vụ ngộ độc xảy ra ngày 27-11-2024 khiến 342 người phải nhập viện cấp cứu.
Theo quyết định trên, bà Thảo đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, gồm: quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bán thực phẩm gây ngộ độc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bà Thảo bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 125 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 5 tháng đối với vi phạm. UBND tỉnh còn yêu cầu bà Thảo thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, ngày 10-9, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký quyết định xử phạt hành chính cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12, chi nhánh TP Hồng Ngự, với mức phạt 90 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4 tháng vì gây ngộ độc cho 149 người. Cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12 phải lo tất cả chi phí trong việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám và điều trị cho những người bị ngộ độc với số tiền 383 triệu đồng.
Ngoài 2 vụ nêu trên, từ đầu năm 2024 đến nay còn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, như vụ hơn 500 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Cô Băng (tỉnh Đồng Nai). Hay vụ 23 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì que Tứ Hải, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Cơ quan chức năng đã xử phạt chủ cơ sở 90 triệu đồng do chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc. Đồng thời, đình chỉ một phần hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm của hộ kinh doanh này trong thời gian 4 tháng.
Các loại bánh mì kèm nhân bán trên thị trường thường có lớp vỏ ngoài giòn, ruột bên trong mềm và các loại nhân tùy khẩu vị vùng miền, phổ biến là: thịt, chả, pate, thịt nguội (hay giăm bông), xúc xích, lạp xưởng, dưa chua, dưa leo, ngò rí, nước sốt, nước tương, tương cà, tương ớt… Các trường hợp ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỷ lệ cao do thực phẩm nhiễm các vi khuẩn như Salmonella, E.coli… Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản không đúng cách, không nấu chín kỹ, tay nhiễm khuẩn chạm vào thức ăn, lây nhiễm chéo…
Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bánh mì có nhân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ có một số khuyến cáo như sau:
Đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh mì
- Lựa chọn nguồn nguyên liệu để chế biến (như rau, thịt) tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng; các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn như chả, thịt nguội, chà bông phải có nhãn mác và các cơ sở cung cấp phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đã thực hiện tự công bố sản phẩm.
- Trong chế biến và phục vụ khách hàng, chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến cần bảo đảm thực hành đúng vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với thực phẩm, mang bao tay khi chia thức ăn, mang khẩu trang và không được mang đồ trang sức.
- Dụng cụ chế biến, chứa đựng phải được vệ sinh sạch sẽ; bảo quản thực phẩm sống và thực phẩm chín phải riêng biệt, tránh nguy cơ nhiễm chéo.
- Thực phẩm bày bán trên tủ, kệ cao và phải được che đậy chống ruồi, côn trùng xâm nhập. Không nên lưu trữ nguyên liệu, thực phẩm quá nhiều trong thời gian dài.
Đối với người tiêu dùng, cần lựa chọn cơ sở kinh doanh bánh mì uy tín, sạch sẽ để mua và sử dụng.