07/03/2010 - 10:38

Cần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo

Những năm gần đây, hạn ngạch xuất khẩu gạo đã được bãi bỏ, doanh nghiệp được tự do ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Với cơ chế thông thoáng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo được thành lập. Đến nay, cả nước có hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cao gấp 10 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên, hiện nay đã xảy ra nhiều bất cập trong xuất khẩu gạo là các doanh nghiệp tranh mua tranh bán, phá giá thị trường, dẫn đến ảnh hưởng lợi ích nông dân và thiệt hại cho quốc gia. Tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu gạo năm 2009 và triển khai mua vào lúa gạo hàng hóa vụ đông-xuân 2009-2010, vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức tại tỉnh An Giang, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo và lãnh đạo chính quyền các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã phản đối mạnh mẽ việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo bán phá giá và cần xử lý triệt để đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về xuất khẩu gạo, trong đó qui định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có điều kiện...

DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU GẠO: “TRĂM HOA ĐUA NỞ”

Năm 2009, xuất khẩu gạo Việt Nam đã lập nên kỳ tích là xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo, đạt hơn 2,4 tỉ USD, tăng 29,35% về số lượng và giảm 7,49% về trị giá so với năm 2008. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt hơn 407 USD/tấn. Chất lượng gạo đã được cải thiện đáng kể, gạo cao cấp đạt hơn 2,4 triệu tấn, chiếm 40,25%, gạo trung bình hơn 1,2 triệu tấn, chiếm 20,49% và gạo cấp thấp hơn 1,6 triệu tấn, chiếm 27,30%... Thị trường chính yếu là châu Á với hơn 3,2 triệu tấn, chiếm 53,50%, kế đến là châu Phi hơn 1,7 triệu tấn... Mặc dù đạt được nhiều thành quả như vậy nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo năm qua vẫn còn nhiều bất cập, nhất là có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá...

Hạt gạo Việt Nam đang chờ được nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu thay vì loay hoay với vấn nạn bán phá giá. 

Tuy hiện tại số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong cả nước lên đến 216 doanh nghiệp, nhiều hơn năm 1996 gần 14 lần ( năm 1996 chỉ 15 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hơn 3 triệu tấn) nhưng số lượng xuất khẩu gạo chỉ tăng được gấp đôi. Theo số liệu VFA, năm 2009 trong cả nước có đến 216 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng chỉ có 63 doanh nghiệp xuất khẩu từ 10.000 tấn trở lên, 15 doanh nghiệp xuất khẩu từ 5.000-10.000 tấn, 44 doanh nghiệp xuất khẩu 1.000-5.000 tấn, 12 doanh nghiệp xuất khẩu 5.00-1.000 tấn và có đến 82 doanh nghiệp xuất khẩu dưới 500 tấn/năm, có doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 1 tấn gạo.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “trăm hoa đua nở”, nhưng hiệu quả xuất khẩu gạo chưa tương xứng. Tại Hội nghị Tổng kết xuất khẩu gạo năm 2009 và triển khai mua vào lúa gạo hàng hóa vụ đông-xuân 2009-2010, do VFA vừa mới tổ chức tại tỉnh An Giang, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, cho rằng: “Từ tập trung đầu mối xuất khẩu đến có quá nhiều doanh nghiệp tự do xuất khẩu gạo, bên cạnh sự năng động, nhạy bén, nhiều doanh nghiệp không có điều kiện kinh doanh, thiếu đầu tư cơ sở vật chất để phát triển ngành hàng, thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, chỉ tranh mua bán nhất thời theo biến động của thị trường, gây bất ổn, ảnh hưởng đến cân đối cung cầu và giá cả. Do đó, việc ra đời một nghị định mới của Chính phủ, qui định những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là một yêu cầu cần thiết, đáp ứng tình hình mới hiện nay” .

CẦN CHẤM DỨT NẠN BÁN PHÁ GIÁ

Mặc dù gạo Việt Nam đã có mặt trên thương trường quốc tế hơn 20 năm và giữ vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng đến nay gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu, chưa chi phối được giá gạo trên thế giới. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ quan tâm nhiều đến thương vụ chứ chưa mặn mà đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu, cơ sở hạ tầng, nguồn hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngược lại, không ít doanh nghiệp tranh nhau bán phá giá làm ảnh hưởng đến giá gạo Việt Nam xuất khẩu khiến giá gạo thấp hơn các nước xuất khẩu gạo trong khu vực. Đây là bất lợi lớn cho việc xuất khẩu gạo Việt Nam. VFA cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để nâng cao giá trị sản phẩm và xác lập thị phần; đồng thời phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài được kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam theo cam kết với WTO vào năm 2011, trên cơ sở tăng cường năng lực dự trữ, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng, nâng cao tay nghề và khả năng tiếp thị, ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mặc dù hiện nay đã có VFA nhưng chưa điều hành giá gạo xuất khẩu. Giá chào bán gạo ra nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại khác nhau do tranh bán. Các doanh nghiệp xuất khẩu tự do chào bán dẫn đến việc bán phá giá liên tục xảy ra, làm ảnh hưởng lợi ích đến người trồng lúa và quốc gia.

Tại Hội nghị Tổng kết xuất khẩu gạo năm 2009 và triển khai mua vào lúa gạo hàng hóa vụ đông-xuân 2009-2010, ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, bức xúc nói: “Giá bán gạo Việt Nam thiếu ổn định và luôn thấp hơn các nước trong khu vực không chỉ vì chất lượng gạo không ổn định mà do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không thống nhất với nhau về giá, dẫn đến việc bán phá giá. Ở công ty chúng tôi, khi chào hàng giá 400 USD/tấn nhưng VFA đề nghị là phải giá 420 USD/tấn, chúng tôi điều chỉnh ngay lên 420 USD, trong khi đó doanh nghiệp khác lại chào bán 380USD. Với việc chào bán gạo như vậy thì nhà nhập khẩu gạo của Việt Nam làm sao chọn mua giá cao. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, VFA xử lý triệt để tình trạng bán phá giá gạo, có thể rút giấy phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp cố tình bán phá giá. Có như vậy gạo Việt Nam mới bán được giá cao”. Không riêng Công ty Lương thực Sông Hậu mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng bất bình với việc bán phá giá gạo. Ông Nguyễn Tấn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch An Giang, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo uy tín hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm qua, cũng đề nghị: “Chúng tôi đề nghị để VFA điều hành giá xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải cùng nhau thống nhất giá bán gạo cho nước ngoài, đồng thời phải có biện pháp chế tài về giá thì tình trạng bán phá giá mới có thể chấm dứt được”. Các chuyên gia xuất khẩu gạo cho biết thêm để chống tranh bán thị trường thế giới cần phải phân đoạn thị trường theo khu vực cho một số đầu mối xuất khẩu gạo lớn. Biện pháp này kiến tạo hướng chuyên sâu về thị trường khu vực cho các doanh nghiệp, đồng thời tránh được sự cạnh tranh giữa chính các doanh nghiệp của Việt Nam, làm thiệt hại lợi ích quốc gia. Đồng thời, có cơ chế quản lý giá xuất khẩu gạo thích hợp như chỉ cấp giấy phép xuất khẩu cho những hợp đồng với giá bán cho phép...

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải thể chế hóa hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu gạo phù hợp với tình hình mới, tạo hành lang pháp lý và sự đồng thuận trong xã hội. Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo sắp được ban hành, thay thế Nghị định 12/2006, sẽ là một bước ngoặt đối với hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết