11/05/2013 - 20:15

HỖ TRỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI - ĐẦU TƯ

Cần tạo điều kiện phát huy lợi thế cạnh tranh cho địa phương

Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các đơn vị xúc tiến thương mại - đầu tư đã tích cực hiện thực hóa những cam kết của những Hiệp định thương mại tự do, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đưa hàng hóa thâm nhập thành công vào thị trường quốc tế… thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, để mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đất nước, các chuyên gia cho rằng cần cải thiện nội dung và nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư, hướng đến đáp ứng đúng nhu cầu và tạo điều kiện phát huy lợi thế cạnh tranh cho từng địa phương.

Hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp địa phương

Đại diện tỉnh Bình Dương, cho biết hiện tại tỉnh này có khoảng 2.120 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 17,5 tỉ USD, trong đó có những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Đồng thời, tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp, quỹ đất sạch (8.000 ha), khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ. Hàng năm, tỉnh Bình Dương tổ chức các đoàn khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại - đầu tư tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng để kêu gọi được các nhà đầu tư phù hợp và xây dựng được kênh phân phối sản phẩm ra nước ngoài, cần có sự hỗ trợ của các đơn vị xúc tiến như đại sứ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Vì khi các tổ chức xúc tiến trong nước, kết nối với nhà đầu tư quốc tế, mà không có sự phối hợp chặt chẽ của đại diện chính quyền Việt Nam ở nước ngoài thì khó đạt hiệu quả cao và hạn chế được rủi ro.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, mỗi năm Thành phố đóng góp khoảng 20% vào tổng sản phẩm quốc nội GDP, 28% giá trị sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm 34% nguồn vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Hiện tại, các quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh, gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhưng để hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2015, Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng sản phẩm quốc nội GDP bình quân hàng năm là 12%, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp bình quân đạt 11% và nông nghiệp là 5%; đồng thời vào năm 2015, cơ cấu kinh tế dự kiến là dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp (42%) và nông nghiệp (1%), thì đòi hỏi các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên, mà còn phải nâng cao vai trò cung cấp thông tin pháp lý về các nhà đầu tư nước ngoài và xu hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, cho rằng: Các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư, phải ưu tiên tập trung vào những dự án mang tính khu vực, mới tạo được sự phát triển đồng bộ và thúc đẩy kinh tế toàn vùng. Tỉnh Long An, được đánh giá là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên chủ yếu ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án Trung tâm công nghệ sinh thái, Phát triển vùng sản xuất công nghệ cao, Trung tâm y tế quốc tế chất lượng cao, Trung tâm kho vận - trung chuyển nông sản… Nếu các dự án này, được hỗ trợ thu hút đầu tư hiệu quả và triển khai tích cực, sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu những mặt hàng chủ lực của vùng.

Mở đường cho xuất khẩu nông sản

Ông Trương Duy Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, nhận định: Không riêng gì tỉnh Bến Tre, mà hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đều rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng đặc sản, nông sản của địa phương. Tại tỉnh Bến Tre, hiện nay có khoảng 58.000 ha trồng dừa và đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây dừa, sản phẩm từ dừa… Mặc dù vài năm gần đây, tình trạng được mùa mất giá hoặc bị thương lái ép giá đã giảm đáng kể, nhưng do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nên đầu ra của mặt hàng này khá bấp bênh. Các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư, phải đẩy mạnh được kênh thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương đến thị trường các nước và vùng lãnh thổ, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thậm nhập vào thị trường quốc tế.

Theo ông Hồ Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cần Thơ, vấn đề cần được ưu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là giải pháp bền vững, thúc đẩy khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy hải sản cho nông dân. Điển hình, mặt hàng cá da trơn đang phát triển với sản lượng nuôi trồng khá lớn tại nhiều tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng bị khống chế bởi đầu vào (nguyên vật liệu, chi phí phục vụ sản xuất...) và đầu ra (thị trường tiêu thụ, giá thành…), thêm vào đó là chi phí trung gian chiếm tỷ lệ lớn, nên lợi nhuận thường rơi vào các đơn vị sản xuất - kinh doanh nguyên vật liệu, thương lái, còn nông dân và người trực tiếp nuôi trồng bị mất quyền lợi. Ngoài ra, mặt hàng củ hành tím là sản phẩm chính của huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, chủ yếu được xuất khẩu sang Ấn Độ và Indonesia, chưa tìm được những thị trường mới, nên đầu ra cho mặt hàng này cũng đang gặp khó khăn.

Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Khuê, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Lợi thế của các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp, thủy hải sản… với nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu. Trong những năm qua, Chính phủ đã phê duyệt đầu tư nhiều công trình trọng điểm, đáp ứng nhu cầu của từng tỉnh và toàn vùng, nhưng thực tế cho thấy, để tạo được động lực phát triển, cần có nguồn vốn đầu tư lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi, vận chuyển, phân phối hàng hóa, hướng đến giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường... Do đó, việc triển khai song song các hoạt động tìm thị trường mới, tăng cường hợp tác với các nhà xuất - nhập khẩu trong và ngoài nước; đồng thời với thực hiện giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài triển khai các dự án của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo cơ hội cho nhiều địa phương tận dụng được tiềm năng sẵn có.

Nhìn chung, các tỉnh, thành phía Nam có những nguồn lực và thế mạnh riêng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng để khai thác hiệu quả những tiềm năng đó, thì hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư là công cụ không thể thiếu mà còn là giải pháp thiết thực giúp những tỉnh, thành này phát huy được năng lực cạnh tranh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

MỸ PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết