06/12/2009 - 21:37

Phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân ĐBSCL

Cần tăng cường liên kết vùng và tham gia của "4 nhà"

Vừa qua, trong khuôn khổ Hội Chợ Nông nghiệp Quốc Tế Cần Thơ 2009 tại TP Cần Thơ, đã diễn ra Hội thảo “Tam nông-suy nghĩ và hành động”do UBND TP Cần Thơ phối hộp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Hội thảo đã đánh giá lại 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển “tam nông” và tiếp tục đề ra những giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, cũng như nâng cao đời sống nông dân một cách bền vững. Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng: Để hỗ trợ nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập thì cấp thiết phải có sự liên kết vùng và tham gia của “4 nhà”…

* Nông dân đang đối mặt với nhiều thiệt thòi và thách thức

Nước ta có khoảng 80% dân số sống bằng nghề nông và họ được xem là đối tượng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc và sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Các mặt hàng nông sản như gạo, thủy sản, trái cây... do nông dân làm ra với số lượng ngày càng nhiều, xuất khẩu tăng mạnh, góp phần thu ngoại tệ cho đất nước mỗi năm hàng tỉ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn nông dân lại vẫn còn nghèo và có xu hướng phải đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nông dân TP Cần Thơ đang thu hoạch lúa.  

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL-Đại học Cần Thơ, nông dân và khu vực nông nghiệp, nông thôn đang thuộc vào hàng “4 nhất”: nghèo nhất, lạc hậu nhất, hạn chế về trình độ tri thức và được thụ hưởng an sinh xã hội thấp nhất. Tiến sĩ Sánh dẫn chứng, nông dân là những người đang ít có khả năng tích lũy về kinh tế và trình độ giáo dục. Cụ thể, đối với nông dân trồng lúa, sau khi thu hoạch lúa phải chi tới 65% số tiền mình có được cho vật tư nông nghiệp, 11% cho lãi suất ngân hàng, 4% chi cho các khoản tiền ăn đám tiệc ở hàng xóm và họ chỉ còn lại khoảng 21%.

ĐBSCL được xem là vùng an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Các tỉnh, thành ĐBSCL đang cung cấp lượng lúa gạo chiếm 52% sản lượng cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu, thủy sản chiếm 80% lượng xuất khẩu của cả nước và cây ăn quả chiếm 70% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, so với nông dân ở nhiều vùng miền khác trong cả nước vốn đã chịu thiệt thòi, thì nông dân ở ĐBSCL càng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Và mức độ đầu tư (nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục...) cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL vẫn đang còn hạn chế.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL ngày càng bộc lộ nhiều yếu tố thiếu bền vững. Đó là, sản xuất phát triển, hàng nông sản xuất khẩu ngày càng nhiều nhưng nông dân vẫn nghèo nên không hấp dẫn họ gắn bó với nghề. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng ngày càng giảm; thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự xuất hiện của nhiều loại dịch hại nguy hiểm; chỉ có khoảng 30% đất sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL là đất tốt, còn lại là đất xấu (do bị ảnh hưởng của phèn, mặn...). Hiện nay, giá hàng nông sản bấp bênh, sản xuất nông nghiệp ngày càng chịu nhiều rủi ro. Cụ thể, đối với việc sản xuất lúa, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Sản lượng lúa cả năm ở vùng ĐBSCL tăng cao liên tục từ năm 1995 đến nay, bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 1 triệu tấn. Song, ĐBSCL cũng bộc lộ rõ một số yếu tố cơ bản gây nên tình trạng mất bền vững, đặc biệt từ năm 2002 trở lại đây. Đó là: dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, lũ lụt, khô hạn bất thường, khí hậu nóng dần lên...”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Sản lượng lúa tại ĐBSCL tăng từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên 20,6 triệu tấn năm 2008 và năm 2009 đạt xấp xỉ 21 triệu tấn. Nhưng nông dân sản xuất lúa tại ĐBSCL ngày càng gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Nguyên nhân do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không đủ chất lượng và số lượng nên khó tiêu thụ sản phẩm.Trong khi các yếu tố thời tiết, lúa giống ngày càng ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều nông dân có xu hướng ngày càng nghèo do mất đất sản xuất, chi tiêu gia đình và cho các chi phí sản xuất ngày càng cao, giá lúa bấp bênh”.

* Cần sự liên kết

Theo nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp, ĐBSCL có các thế mạnh về sản xuất lúa, thủy sản, cây ăn quả, rau màu. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trong vùng có điểm yếu là đầu tư cho sản xuất còn thấp, chưa đồng bộ. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ và chưa kết nối thị trường. Quản lý nhà nước còn có những hạn chế nên chưa phát huy lợi thế của từng địa phương và sức mạnh tổng hợp của vùng. Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL đang đứng trước thách thức là phải đáp ứng theo 4 đúng: “chất lượng, sản lượng, thời điểm thị trường và giá”, mới đáp ứng được yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Tự nông dân hay từng địa phương rất khó có thể giải quyết. Muốn vượt qua những điểm yếu và thách thức này, đòi hỏi các địa phương ở vùng ĐBSCL phải tổ chức liên kết vùng và liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Như vậy, mới tạo ra được các cơ chế, chính sách triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, giúp phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương và sức mạnh tổng hợp của vùng. Đồng thời, gắn kết được sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, cũng như các khâu trong chuổi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khẳng định: “Chỉ có liên kết vùng và có sự tham gia của “4 nhà”, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì mới giúp khắc phục được các yếu kém, giúp cho việc sản xuất lúa và nông nghiệp nói chung trở nên chuyên nghiệp, hấp dẫn đối với người sản xuất”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL-Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Liên kết vùng và “4 nhà” không những giúp thực hiện phát triển “tam nông” hiệu quả mà còn là nền tảng ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và tránh tụt hậu cho ĐBSCL”. Cũng theo Tiến sĩ Sánh, do cạnh tranh thị trường và đòi hỏi sản xuất nông nghiệp theo “4 đúng”, nông dân chỉ có 4 lựa chọn là: Đối với hộ ít đất, kỹ thuật thấp và đáp ứng thị trường kém thì bán đất “bước ra” ngoài khu vực nông nghiệp. Nông dân có vốn, kỹ thuật và quản lý tốt sẽ “bước vào” để phát triển trang trại. Nông dân có đất nhưng thiếu kỹ thuật và vốn phải “bước lên” hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoặc hợp tác doanh nghiệp nông thôn. Nếu “bước ra” không có việc làm, “bước vào” không được và “bước lên” không xong thì phải “bước xuống” trở thành thất nghiệp và nghèo khó ở nông thôn hoặc di dân và tìm việc làm ở thành thị.

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong (ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho rằng: “Nhiều nông dân ở ĐBSCL còn nghèo cả về kinh tế và tri thức. Theo tôi, do đa số các hộ dân có diện tích đất canh tác nông nghiệp ít nên rất khó có cơ hội làm giàu. Hơn nữa, họ lại ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay lớn và dài hạn để đầu tư mua đất và phát triển sản xuất. Nhà nước cần có chính sách chuyển một bộ phận nông dân có ít diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nông thôn sang làm việc ở các lĩnh vực khác như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, khuyến khích và có chính sách ưu đãi về vốn vay cho những nông dân có điều kiện sản xuất mua thêm đất hoặc mướn lại đất của các hộ đã chuyển sang làm việc ở lĩnh vực khác. Như vậy, sẽ giúp cho nhiều hộ nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không theo nhu cầu thị trường”...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết