24/09/2012 - 21:46

Xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ tự bản thân DN nỗ lực thực hiện, bên cạnh đó cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu là một trong những nhân tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, không phải DN nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu. Vì vậy, để phát triển thương hiệu cho cộng đồng DN cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của DN trên thị trường, thích ứng trong điều kiện hội nhập và phát triển kinh tế ngày càng sâu rộng.

Theo kết quả khảo sát 115 DN trên địa bàn TP Cần Thơ của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Cần Thơ, có 2,6% DN có quy mô lớn, 14,6% DN vừa, còn lại là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, các DN có thời gian hoạt động dưới 4 năm chiếm 47%. Thống kê các vấn đề quan tâm của DN cho thấy, đẩy mạnh tiêu thụ là vấn đề được quan tâm nhiều nhất chiếm 23,5%, kế đến là vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu với tỷ lệ 18,3%, các vấn đề được đánh giá là kém quan trọng gồm phát triển sản phẩm 7% và mở rộng sản xuất 4,3%. Qua số liệu khảo sát, có khoảng 47,8% DN đã và đang thực hiện xây dựng thương hiệu, đây là một tỷ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các DN được khảo sát thừa nhận chỉ thực hiện xây dựng thương hiệu theo chủ quan và vẫn đang tìm kiếm một mô hình xây dựng thương hiệu phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

Thực tế, trong những năm gần đây, các DN trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa có chuyển biến trong nhận thức về xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, thực trạng chung của các DN vừa và nhỏ là hạn chế về tiềm lực tài chính, chi phí dành cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu không được đầu tư tương xứng, nên việc tạo lập, củng cố, quảng bá thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ, DN Cần Thơ thích "an phận thủ thường", họ chỉ cần mẫn, chăm chỉ làm việc, sản xuất ra hàng hóa, không thích khuếch trương, nên thường không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Thêm vào đó, đa phần các DN trên địa bàn là DN nhỏ, DN quan tâm đến đảm bảo kinh phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường và có lợi nhuận là đã thấy thỏa nguyện. Hơn nữa, khi làm thương hiệu, các DN phải công bố quy trình sản xuất sản phẩm, điều này dẫn đến việc DN lo sợ lộ bí mật thông tin, xuất hiện hàng nhái trên thị trường nên âm thầm giữ bí quyết nghề nghiệp…

Số liệu điều tra các DN ở TP Cần Thơ của nhóm nghiên cứu cho thấy 3 nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của DN, đó là: Khả năng quản lý của ban lãnh đạo; nâng cao năng lực cạnh tranh và chính sách, pháp luật của nhà nước. Trong đó, chính sách, pháp luật của nhà nước là nhân tố chi phối nhiều nhất đến quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của DN. Chính vì vậy, để đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các DN trên địa bàn thành phố, cần có một chính sách, chủ trương nhất quán của nhà nước trong hỗ trợ phát triển thương hiệu DN; đặc biệt là đối với DN nhỏ và vừa. Những chương trình này cần được duy trì lâu dài, gắn bó chặt chẽ để trợ giúp xây dựng thương hiệu mạnh cho các ngành chủ lực của địa phương, tạo cơ hội cho DN nhỏ tiếp cận. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi đăng ký sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các hiệp hội cần thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin về luật pháp, chính sách Nhà nước… Song song đó, nắm bắt tình hình của DN, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của DN đối với chính quyền các cấp nhằm có những trợ giúp kịp thời và phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố cần có sự phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của DN về thương hiệu, đánh động DN về nguy cơ bị cạnh tranh, mất thị phần hay bị đánh cắp nếu không có thương hiệu vững chắc. Bên cạnh những tác nhân từ bên ngoài, tự bản thân DN cũng phải chủ động cơ cấu bộ phận quản lý xây dựng thương hiệu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và kênh truyền thông nội bộ nhằm đảm bảo các mục tiêu chiến lược phát triển thương hiệu…

Tiến sĩ Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Khi làm thương hiệu, các DN cần công bố công nghệ sản xuất, thành phần và thông tin về sản phẩm. Bởi nếu chỉ có logo và nhãn hiệu thì chưa đủ thỏa mãn người tiêu dùng, điều làm cho họ quan tâm đó là những lợi ích của sản phẩm mang lại khi sử dụng. Khi nắm được nguồn gốc, thế mạnh, tác dụng của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ tự động giới thiệu sản phẩm cho người khác. Và chính họ trở thành người quảng bá sản phẩm cho DN. Mặt khác, có thể nghiên cứu xây dựng 1 hoặc 2 DN chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố chuyên làm công việc tiếp thị, quảng bá những sản phẩm của TP Cần Thơ. Thay vì mỗi DN tự xây dựng đội ngũ cho đơn vị, tốn thêm khoản chi phí, chỉ cần góp vốn cho DN quảng bá sản phẩm. Qua đó, tính chuyên nghiệp cao hơn và tốn ngân sách thấp hơn, góp phần mang lại hiệu quả cho việc quảng bá thương hiệu của DN...

Bài, ảnh: T.Trinh

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ tự bản thân DN nỗ lực thực hiện, bên cạnh đó cần sự

Chia sẻ bài viết