10/05/2012 - 22:35

CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN GIÁ

Cần sâu sát thực tế hơn

Theo kế hoạch xây dựng công tác bình ổn giá 2012 và Tết Nguyên đán 2013 tại TP Cần Thơ, mặt hàng gạo thơm sẽ tham gia vào
nhóm hàng bình ổn giá.

Từ nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất 50 tỉ đồng thực hiện chương trình bình ổn giá của TP Cần Thơ trong năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012, tuy còn những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung các doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã góp phần vào công tác bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Phát huy kết quả này, chương trình bình ổn giá năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, TP Cần Thơ sẽ có các chương trình, kế hoạch sâu sát thực tế hơn để hàng hóa bình ổn thực sự đem lại lợi ích lớn nhất cho người dân, ổn định thị trường và gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

KẾT QUẢ ĐÁNG KHÍCH LỆ

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, năm 2011, TP Cần Thơ cho vay hỗ trợ lãi suất 50 tỉ đồng (tăng 20 tỉ đồng so với năm 2010) cho 7 doanh nghiệp thực hiện công tác bình ổn giá trên địa bàn. Các mặt hàng bình ổn chủ yếu là gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, cá các loại, thực phẩm chế biến, đồng phục học sinh, tập, viết... đảm bảo có giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5% trở lên.

Qua 9 tháng triển khai thực hiện công tác bình ổn trên thị trường (từ ngày 15-7-2011 đến 30-4-2012), kết quả đem lại khá tích cực. Các doanh nghiệp đã chủ động huy động nguồn hàng dự trữ thường xuyên, bảo đảm chất lượng, thực hiện giá bán bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 5% trở lên, bảo đảm lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Ngoài 41 điểm cố định bán hàng bình ổn giá, các doanh nghiệp còn thường xuyên tổ chức các đợt bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp. Ngoài ra, Sở Công Thương thành phố cùng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức 4 phiên hàng Việt về nông thôn tại các quận, huyện vùng xa của thành phố. Đặc biệt, vào thời điểm Tết Nguyên đán, hiệu quả của công tác bình ổn giá đã thể hiện rõ nét khi góp phần đẩy lùi được nạn đầu cơ, tăng giá hàng hóa vào thời điểm sức mua trên thị trường tăng cao.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhận định: Phải khẳng định rằng, công tác bình ổn giá đang phát huy hiệu quả khá tích cực, đặc biệt trong những đợt mua sắm cao điểm không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Tuy nhiên, trong công tác thực hiện vẫn còn mắc phải những hạn chế như: một số mặt hàng tăng giá so với đăng ký từ 10-20% so với thời điểm trước Tết, việc tổ chức mạng lưới bán lẻ của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá còn quá mỏng, chỉ tập trung ở các quận nội thành, qui mô điểm bán hàng nhỏ lẻ, chưa kết hợp tốt bán hàng bình ổn với các mặt hàng thiết yếu khác. Bên cạnh đó, chủng loại hàng hóa tham gia bình ổn còn hạn chế, trong siêu thị các mặt hàng doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn bố trí còn rời rạc...

SÂU SÁT VÀO THỰC TẾ HƠN

Định hướng của Sở Công Thương, trong năm 2012 và dịp Tết Nguyên đán 2013 dự kiến Chương trình bình ổn giá sẽ chính thức khởi động từ ngày 1-6-2012 đến 30-4-2013. Nội dung chương trình của năm thứ 4 này sẽ đi sâu, đi sát vào thực tế nhu cầu thị trường. Các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình bình ổn tiếp tục duy trì có giá bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu 5%. Đặc biệt, trong đó doanh nghiệp phải đăng ký rõ ràng về chủng loại hàng hóa, giá bán lẻ... với ngành chức năng. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải chủ động xác định rõ mặt hàng tham gia bình ổn, xây dựng mới điểm bán lẻ, mở rộng qui mô bán lẻ, đưa các điểm bán lẻ bình ổn vào các chợ truyền thống... nhằm làm tốt vai trò dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, ngoài 13 mặt hàng truyền thống của các năm trước, như: gạo tẻ, thịt heo, trứng gia cầm, thịt gia cầm, đường, dầu ăn, bột ngọt, tập học sinh..., dự kiến năm nay sẽ bổ sung thêm mặt hàng gạo thơm tham gia nhóm hàng bình ổn giá.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế chung, quí I – 2012, kết quả công tác kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khá khả quan, chỉ số giá tiêu dùng giảm. Riêng trên địa bàn TP Cần Thơ, trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,05%. Ngoài những yếu tố chủ quan từ sự nỗ lực của Nhà nước, chính quyền địa phương trong vai trò kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, những điều kiện khách quan cũng là những yếu tố để thị trường giảm bớt “sức nóng”. Đó là do hiện nay sức mua trên thị trường khá yếu, sản xuất khó khăn, hàng tồn kho nhiều... Vì vậy, vấn đề đặt ra trong công tác triển khai bình ổn giá là làm sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Góp ý cho việc xây dựng kế hoạch công tác bình ổn giá, ông Lê Văn Thống, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng: “Để tránh tình trạng tăng giá bán và triển khai công tác bình ổn giá tại các doanh nghiệp không rõ ràng, đơn vị quản lý cần đề ra những qui định bắt buộc các doanh nghiệp kê khai và đăng ký giá bán thật chặt chẽ cho từng chủng loại và mặt hàng cụ thể. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tăng điểm bán lẻ, khuyến khích các đơn vị phối hợp, hỗ trợ cho các sản phẩm của doanh nghiệp địa phương...”.

Để việc thực hiện công tác bình ổn giá trên địa bàn được thành công, đồng chí Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Trước những thực tế thị trường, việc triển khai kế hoạch công tác bình ổn giá cho năm 2012 và Tết Nguyên đán 2013 cần phải xây dựng cho phù hợp, nhận định đúng và sát thực tình hình. Ngoài ra, cần phải thực hiện một cách tích cực, xây dựng những biện pháp đối phó cần thiết phòng khi thị trường xảy ra biến động mạnh...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Theo kế hoạch xây dựng công tác bình ổn giá 2012 và Tết Nguyên đán 2013 tại TP Cần Thơ, mặt hàng gạo thơm sẽ tham gia vào n

Chia sẻ bài viết