05/08/2008 - 20:33

Nuôi cá thác lác ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Cần quan tâm phát triển bền vững

Dọc theo trục đường từ thị trấn Cái Tắc đến xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A và cho đến các xã Thạnh Hòa , Tân Bình, thị trấn Kinh Cùng, Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, có đến hàng chục trại giống chuyên sản xuất cá thác lác giống cung ứng cho thị trường miền Tây Nam bộ, một số tỉnh miền Đông và miền Trung. Phong trào nuôi cá thác lác hiện nay đang phát triển mạnh. Để phát triển nghề nuôi loài thủy sản nước ngọt này, nhiều địa phương đã quan tâm qui hoạch nhằm đưa mô hình phát triển bền vững, đảm bảo không phá vỡ môi trường sinh thái...

* Từ một mô hình hiệu quả...

Đó là mô hình của ông Lê Văn Dũng (Tám Dũng) ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), chủ trại cá giống chất lượng cao Tám Dũng, cách chợ thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy khoảng 15km. Ban đầu nuôi cá tra, năm 2001 điêu đứng vì cá rớt giá, gia đình ông hầu như bị trắng tay. Nghe nói ở Biển Hồ Campuchia có cá thác lác cườm (dân gian quen gọi là Nàng Hai), to 20-30 ký, thịt ngon, từ đó ông Dũng bắt đầu chuyển hướng làm ăn.

Cơ sở sản xuất giống cá thác lác phải đảm bảo vệ sinh.  

Ban đầu, ông tìm mua con giống ở các chợ, hai năm sau ông Dũng mới gầy giống được 15 con cá bố mẹ để ép trứng. Lứa đầu cho ra 1.500 cá con. Do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ thất thoát khá cao. Cá có trứng từ đầu mùa mưa, mỗi con cho khoảng 800 trứng, tỷ lệ nở đạt 60%. Nếu nuôi đúng kỹ thuật 12 tháng, mỗi con có thể nặng 1 ký. Tích lũy kinh nghiệm, ông Dũng mạnh dạn đầu tư diện tích 10.000m2 mặt nước, với hơn 10 ngàn cá bố mẹ. Từ đó, mỗi năm ông Dũng xuất trên 300.000 con cá giống cho các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bình Dương... nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nuôi cá ở khu vực. Thu nhập từ mô hình sản xuất cá thác lác trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Cá thác lác Hậu Giang ngon hơn các nơi, một phần do chế độ bán nhật triều, môi trường nước sạch và nguồn thức ăn dồi dào cho cá. Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, vùng Tây sông Hậu gần sông cái nên môi trường thuận lợi, giúp cá chóng lớn. Giá bán cá thác lác sống hay chết đều tương đương 50 ngàn/ký. Cá thác lác sống đem chiên, kho, nướng; còn nếu cá chết có thể làm chả hoặc nhân dồn khổ qua thay cho thịt heo cũng rất ngon!

* Để mô hình cá thác lác phát triển bền vững?

Anh Lâm Minh Nguyên, Trưởng Trại cá giống Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thuộc Công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo, cho biết: Trại được thành lập vào năm 2003 trên 3 ha mặt nước. Tùy theo đơn đặt hàng, bình quân mỗi tháng trại cung cấp trên 500 ngàn con cá hương, cá bột với giá tương đối ổn định, từ 600 đồng đến 1.800 đồng mỗi con, tùy kích cỡ. Khách hàng ở các tỉnh ĐBSCL, Phan Thiết, Nghệ An và các tỉnh phía Bắc. Năm 2004, trại nuôi thử nghiệm cá thác lác đồng, loại nhỏ con hơn cá thác lác cườm, nhưng không nhân được mô hình vì loại cá này tăng trọng thấp, hiệu quả kinh tế không cao bằng cá thác lác cườm.

Anh Nguyên nói rằng cứ 1.000m2 có thể thả nuôi 20-25 con. Theo thời giá hiện nay, chi phí một ký cá thịt là 22 ngàn đồng bán ra 50 ngàn đồng còn lời 28.000 đồng, cao gấp nhiều lần nuôi cá tra hoặc cá ba sa (chỉ lời 1.000-2.000 đồng/ký). So với cá tra, cá ba sa và các loại cá đồng khác, cá thác lác rất dễ nuôi, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, môi trường nước lợ hoặc bị nhiễm phèn vẫn nuôi được. Mặt khác, giá cả cá thương phẩm cao, đầu ra ổn định nên hiện nay, dân các tỉnh ven biển như: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... đều phát triển diện tích nuôi cá thác lác cườm.

Kỹ sư Tống Bửu Sơn, cán bộ thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy, cho biết: Nghị quyết của Huyện ủy từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo, đã chọn cá thác lác ưu tiên trong danh mục 5 loại cá phát triển ở địa phương, cùng với cá sặt rằn, rô đồng, bống tượng và lươn. Toàn huyện có gần 2.000ha nuôi thủy sản, trong đó có 20 hộ nuôi 4 ha cá giống thác lác, tập trung ở các xã Vị Thanh, Vị Bình, Vĩnh Tường và Vĩnh Thuận Tây. Trong khi đó, mỗi ngày thương lái từ TP Cần Thơ và một số tỉnh trong khu vực đến mua vận chuyển cho các siêu thị, nhà hàng nên không đủ cá để bán. Huyện Vị Thủy đang quy hoạch vùng nuôi 200ha cá thác lác thương phẩm thuộc 3 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tường và Vị Trung, đồng thời khuyến cáo nông dân xử lý tốt nguồn nước để tránh bị ô nhiễm như khi nuôi cá tra đại trà.

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, cá thác lác là một trong những sản phẩm hàng đầu, cùng với khóm Cầu Đúc ở thị xã Vị Thanh; bưởi Năm Roi ở Phú Hữu, huyện Châu Thành; quýt đường ở Long Trị, huyện Long Mỹ đang được địa phương chọn để xây dựng thương hiệu trong chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình hội nhập WTO. Tỉnh cũng đang quy hoạch vùng nuôi cá thác lác từ 300 đến 500ha. Các tỉnh trong khu vực mỗi nơi cũng có vài chục hécta chuyên nuôi cá thác lác thương phẩm.

Để đảm bảo sản xuất cá thác lác mang tính bền vững, trong 2 năm qua Hậu Giang đã đề ra chương trình trợ giá con giống 40% cho nông dân nhưng người nuôi phải thực hiện đúng quy trình sản xuất của ngành thủy sản, đồng thời thường xuyên tổ chức hội thảo, tham quan các mô hình có hiệu quả để rút kinh nghiệm. Song, theo các chuyên gia đầu ngành, hiện tại do hám lợi nên một số trại sản xuất cá giống đưa cả cá bố mẹ non tuổi cho sinh sản nên làm nguồn cá giống yếu đi, trong quá trình nuôi dễ bị thất thoát, hao hụt và rất chậm tăng trọng. Vì thế, nhiều ý kiến của giới chuyên môn lẫn người nuôi cho rằng: Để mô hình nuôi cá thác lác phát triển bền vững, các địa phương cần có giải pháp đồng bộ từ khâu qui hoạch, quản lý chất lượng con giống cho đến đầu ra cho sản phẩm này là việc làm cần thiết và cấp bách.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết