Với vị trí trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ có nhiều cơ sở trong và ngoài ngành giáo dục liên kết với các viện, trường trong cả nước để đào tạo, cấp bằng từ trình độ trung cấp đến đại học. Giải pháp để giúp các cơ sở liên kết đào tạo hoạt động đảm bảo chất lượng, đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu của xã hội là vấn đề mà chính quyền và ngành chức năng quan tâm. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ. Ông Đôn cho biết:
- Đến nay, Sở GD&ĐT chưa thống kê đầy đủ số đơn vị hoạt động liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn TP Cần Thơ. Do trước đây, hoạt động liên kết đào tạo được Bộ GD&ĐT quản lý theo Quyết định số 40/2003/QĐ-BGDĐT (ban hành ngày 8-8-2003), trong đó, Bộ không quy định trách nhiệm quản lý của Sở GD&ĐT và chính quyền địa phương. Đến đầu năm học này, Bộ ban hành Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28-7-2008 (gọi tắt là Quyết định số 42), quy định về hoạt động liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học (không áp dụng đối với đào tạo từ xa). Trong đó, các Sở GD&ĐT phải làm đầu mối giúp UBND tỉnh, thành quản lý tốt hoạt động liên kết đào tạo.
Căn cứ vào Quyết định trên, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND thành thành lập Đoàn thanh tra liên ngành (tháng 11-2008) để rà soát, thống kê số cơ sở liên kết đào tạo đang hoạt động trên địa bàn, nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng liên kết đào tạo không đúng quy định.
* Xin ông cho biết kết quả thanh tra như thế nào?
- Bước đầu, Đoàn thanh tra liên ngành của thành phố chỉ kiểm tra 10 cơ sở giáo dục mà Sở biết có tổ chức liên kết đào tạo từ trình độ trung cấp đến đại học (không có Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Y Dược Cần Thơ, do hai đơn vị này trực thuộc Bộ GD&ĐT - PV). Nhìn chung, các đơn vị chưa thực hiện các quy định, như: thiếu hồ sơ tuyển sinh, thiếu mã số học viên, biên lai học phí không đúng quy định tài chính, không lưu trữ hồ sơ đào tạo,... Đồng thời, còn nhiều đơn vị có cơ sở liên kết đào tạo đặt tại TP Cần Thơ, nhưng Đoàn kiểm tra liên ngành không kiểm tra được, do Sở không biết những nơi liên kết này, như: Trường Đại học Bình Dương có đến 3 cơ sở liên kết đào tạo tại TP Cần Thơ, nhưng nhà trường không báo cáo cho Sở biết. Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ giáo dục đăng ký trụ sở tại quận Ninh Kiều, nhưng thuê căn nhà phố tại quận Cái Răng, đã tổ chức chiêu sinh, giảng dạy. Đến nay, vẫn chưa có giấy phép của đơn vị chủ quản là Đại học Mở Hà Nội cấp phép hoạt động (theo quy định cũ, tức Quyết định 40/2003/QĐ-BGDĐT).
* Quá trình thanh tra gặp khó khăn gì, thưa ông?
- Khó khăn mà Đoàn thanh tra gặp phải là các cơ sở ngoài ngành giáo dục tổ chức liên kết đào tạo đại học, thậm chí cao học. Người thực hiện công tác liên kết đào tạo không am hiểu các quy định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, về hồ sơ, thủ tục mở trường, mở ngành. Ví như hiện nay, Trung tâm Đại học tại chức là cơ sở giáo dục không có trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng Trường Trung học Giao thông vận tải miền Nam, cơ sở tại đường Ngô Hữu Hạnh, quận Ninh Kiều lại mở Trung tâm Đại học tại chức để liên kết đào tạo đại học, cao học, mà không có ý kiến của UBND thành phố và Bộ GD&ĐT.
* Với tình trạng như thế, các đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
- Do nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và tiêu chuẩn hóa về văn bằng, chứng chỉ, lượng học viên theo học các chương trình liên kết đào tạo tăng nhanh trong khi công tác quản lý đào tạo, quản lý hành chính tại các cơ sở liên kết đào tạo còn nhiều thiếu sót, bất cập. Các quy định trong Quyết định số 42 còn mới mẻ nên việc kiểm tra chỉ mang tính nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở liên kết đào tạo thực hiện đúng quy định. Vì vậy, đối với các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định theo Quyết định số 42, Đoàn thanh tra liên ngành chưa đặt vấn đề xử lý hành chính. Riêng trường hợp Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ giáo dục, Sở GD&ĐT có văn bản báo cáo UBND thành phố để thành phố chỉ đạo cơ sở này làm các thủ tục thành lập Trạm giáo dục từ xa và có Trưởng trạm. Đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét hoạt động liên kết đào tạo sau đại học của trường Trung học Giao thông vận tải miền Nam.
* Theo Quyết định số 42, Sở GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm gì đối với hoạt động của các cơ sở liên kết đào tạo đóng trên địa bàn thành phố?
- Theo Quyết định số 42, cơ sở liên kết đào tạo (mở mới) hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ phải được sự chấp thuận của UBND thành phố. Nhưng hiện nay, Sở GD&ĐT chưa nắm hết số cơ sở liên kết đào tạo đóng trên địa bàn nên việc đầu tiên là Sở có biện pháp nắm đầy đủ các cơ sở liên kết đào tạo trên địa bàn là đơn vị tham mưu cho UBND thành phố, Sở chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát hoạt động của cơ sở liên kết đào tạo đóng trên địa bàn thành phố để có kế hoạch giám sát chặt chẽ. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra đột xuất những cơ sở bị phản ánh về đào tạo và quản lý,... để báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết.
* Thưa ông, trước tình hình số cơ sở liên kết đào tạo ngày càng nhiều, Thanh tra Sở làm thế nào quản lý tốt?
- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở liên kết đào tạo, Đoàn thanh tra liên ngành sẽ kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở thông hiểu các nội dung quy định trong Quyết định số 42. Đồng thời, Sở GD&ĐT sẽ kết hợp với các Sở, ngành tăng cường quản lý công tác liên kết đào tạo tại đơn vị. Trên cơ sở này, Thanh tra sẽ tổ chức cho đơn vị thực hiện công tác kiểm tra chéo, đảm bảo việc liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định của Bộ.
* Xin cảm ơn ông!
Đ.KHÔI (thực hiện)