08/05/2011 - 09:05

CÁC DỰ ÁN THƯƠNG MẠI – DỊCH VỤ TẠI CỒN CÁI KHẾ

Cần những bước đột phá...

Khu vực cồn Cái Khế (quận Ninh Kiều) đang là nơi sôi động nhất trong hoạt động thương mại – du lịch – vui chơi giải trí. Hầu như những khu đất đẹp ở đây đều là dự án “nặng ký” của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều “trầm ê” không thể phát huy hết lợi thế, còn người dân trong vùng dự án thì mỏi mòn chờ đợi…

* Vướng mặt bằng...

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) thành phố đang quản lý và theo dõi tiến độ thực hiện các dự án theo phân công của thành phố là 6 dự án với tổng diện tích là 19,57ha, (có 1 dự án Khu nhà hàng khách sạn do Công ty Cổ phần Tài chính đầu tư đã thu hồi chủ trương đầu tư). Trong đó, có 3 dự án mới có chủ trương đầu tư vào cuối năm 2010 là: Công ty TNHH Hào Tân, HTX Cao Cường, và Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà An Nghiệp Phát. Tuy nhiên, hiện có 5/6 dự án đang vướng mặt bằng, tái định cư (TĐC) và chưa hoàn tất thủ tục đầu tư...

Bản đồ quy hoạch kiến trúc cảnh quan cồn Cái Khế. Ảnh: Thiện Khiêm

Dự án Trung tâm Thương mại – Cao ốc văn phòng – Nhà ở cao cấp diện tích 5,2ha do Công ty Cổ phần Thùy Dương làm chủ đầu tư có chủ trương từ năm 2007 và các thủ tục về đầu tư xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết đã hoàn thành. Nhưng đến nay mới chi trả đền bù được cho 86/122 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng với tổng số tiền trên 20 tỉ đồng. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, tiến độ dự án chậm do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường hỗ trợ và TĐC. Chủ đầu tư phải phối hợp với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi hoàn và cam kết về tiến độ thực hiện từ nay đến cuối năm, thì mới mong vượt qua cửa ải này.

Dự án khách sạn 5 sao Cái Khế, diện tích 3ha, do Công ty TNHH Thanh Trà làm chủ đầu tư cũng có chủ trương đầu tư từ năm 2008, và thành lập Hội đồng bồi thường và hỗ trợ TĐC từ tháng 7-2009. Nhưng hiện nay dự án được xếp vào diện: “Triển khai chậm, không có khối lượng phát sinh so với nội dung báo cáo năm 2010. Chủ đầu tư thiếu chủ động phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện bồi thường thiệt hại cho dân khi phương án bồi thường đã được duyệt” – trích báo cáo ngày 5-5-2011 của Sở KH&ĐT.

Ba dự án khác: Khách sạn 5 sao tại phường Cái Khế, diện tích 0,72ha do Công ty TNHH Hào Tân làm chủ đầu tư; dự án xây dựng bờ kè và khu dịch vụ Thương mại – Trung tâm thương mại Cái Khế, diện tích 0,32ha do HTX Cao Cường làm chủ đầu tư và dự án Trung tâm Thương mại Cái Khế, diện tích 0,45ha do Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà An Nghiệp Phát làm chủ đầu tư đều có chủ trương đầu tư vào cuối năm 2010. Đến nay, hầu hết các dự án mới thông qua phương án thiết kế, lập thủ tục về đất đai, thẩm tra hồ sơ thiết kế... nói chung cả 3 dự án này đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư.

Toàn khu vực cồn Cái Khế hiện chỉ có dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tại cồn Cái Khế (khu du lịch Sông Hậu), diện tích 9,4ha do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Địa Cầu làm chủ đầu tư là khả thi nhất. Bởi dự án này nằm ở khu vực cồn mới nổi (nằm cạnh cồn Cái Khế, đối diện Hàng Dương), không “dính” đền bù giải tỏa, nên theo chủ đầu tư, tháng 6 tới sẽ khởi công xây dựng, khi các thủ tục còn lại đang được thành phố thông qua và cấp phép xây dựng...

* Cần những đột phá

Có thể nói, trên lý thuyết, nếu các dự án trên triển khai đồng loạt sẽ thu hút đầu tư thêm hàng ngàn tỉ đồng (riêng dự án khu du lịch Sông Hậu tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng), góp phần rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những khu thương mại, dịch vụ cao cấp cho thành phố. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện đang khó khăn, các doanh nghiệp đến với TP Cần Thơ cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy. Dẫu biết rằng, những năm qua thành phố vận dụng rất nhiều chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư – giữ chân các nhà đầu tư từ khắp nơi đến. Chia sẻ khó khăn này, có nhà đầu tư rất chân thành: “Đôi lúc chúng tôi cũng “kẹt” vốn, nhưng với những dự án lớn như thế chúng tôi tính toán rất kỹ và dành những khoản đầu tư riêng. Nhưng khó khăn nhất ở khâu GPMB, sợ nhất là cảnh “da beo”, bỏ tiền đền bù tới 90% diện tích, nhưng đất đai manh mún, phải chờ đợi mà không có lối ra, thì trả lãi ngân hàng không thôi cũng đủ để doanh nghiệp “phá sản”. Nhiều doanh nghiệp rất hiểu chuyện này, nhưng họ có dám nói ra hay không thôi”. Phía người dân trong vùng các dự án này cũng thấp thỏm chờ đợi, khi được hỏi, hầu hết bà con đều có chung nguyện vọng cần xem xét đền bù sao thỏa đáng và có nơi ở TĐC đàng hoàng, còn chủ trương chính sách thì dân phải chấp hành...

Ông Võ Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, khuyến cáo: Đây là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư tại khu vực cồn Cái Khế triển khai đền bù giải tỏa, chủ đầu tư cần phải khẩn trương triển khai và đẩy mạnh công tác này. Bởi mỗi năm, giá đất sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng, nhà đầu tư triển khai kéo dài, thì chi phí đầu tư sẽ đội lên... Còn để tháo gỡ những khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở KH&ĐT, chia sẻ: Chủ đầu tư cần phải bám sát địa phương, đơn vị thực hiện công tác GPMB và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành công tác này. “Mỗi năm chỉ có 10 tháng để thực hiện đền bù GPMB, 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán coi như ngưng lại. Do đó, các nhà đầu tư phải tranh thủ tập trung và đột phát mạnh hơn mới mong đạt kết quả” – ông Võ Thành Sang đề nghị.

Năm 2011 là năm “trật tự, kỷ cương đô thị” nhằm hướng tới xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, trong đó đầu tư xây dựng các khu thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí sẽ góp phần tôn tạo mỹ quan đô thị. Trong khi, những dự án này nằm ở vị trí “đất vàng” lại triển khai ì ạch, tạo lãng phí cho xã hội, chậm phát huy hiệu quả. Để tạo ra những bước đột phá và giải pháp thực tiễn hơn, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND thành phố, khẳng định: Đây là những dự án đầu tư trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho quận trung tâm Ninh Kiều nói chung và TP Cần Thơ. Để các dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả, các chủ đầu tư phải quyết tâm nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ dự án. Từ nay, các chủ đầu tư dự án phải có cam kết cụ thể về thời gian, lộ trình chi tiết cho từng phần việc, nếu không thực hiện đúng ngành chủ quản sẽ căn cứ theo đó xử lý. Bên cạnh đó, các ngành chức năng có liên quan, địa phương tăng hỗ trợ các nhà đầu tư nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đồng thời các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án...

AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết