23/05/2023 - 19:51

Ngày làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Cân nhắc phân bổ các nguồn vốn trên cơ sở đánh giá tiến độ giải ngân thực tế 

Theo chương trình làm việc, sáng 23-5, Quốc hội nghe: Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội nghe: Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước là 53.887 tỉ đồng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Ðức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.

Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính. Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỉ đồng. Một số đơn vị có kết quả cao như: Thành phố Hà Nội là 1.173 tỉ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 1.220 tỉ đồng...

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QÐ-TTg về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn; tập trung hoàn thành các chuẩn mực kế toán, phương pháp thống kê, thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, tới năm 2025 cơ bản hoàn thành các chuẩn mực kế toán và công khai Báo cáo tài chính nhà nước.

Chính phủ cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Ðồng thời, nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...

Xây dựng luật và pháp lệnh: không chạy theo số lượng

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lập Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 cần bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, cần quán triệt một số quan điểm, định hướng cơ bản.

Theo đó, ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng, nghị quyết, kết luận chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương...; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng...

Tạo không gian phát triển mới, động lực mới

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43), Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỉ đồng, thực hiện chủ yếu trong hai năm (2022 và 2023) để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. Căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của chương trình khoảng 161.848 tỉ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.152 tỉ đồng.

Ảnh: Quochoi.vn​

Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỉ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỉ đồng. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ, Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỉ đồng. Trong đó, số vốn ngân sách nhà nước được phép phân bổ chi tiết 2.720.000 tỉ đồng (không bao gồm dự phòng chung 150.000 tỉ đồng). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 2.440.007,683 tỉ đồng. Số vốn còn lại phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến trước khi giao theo quy định là 279.992,317 tỉ đồng. Tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án của các bộ, cơ quan, địa phương từ số vốn ngân sách Trung ương còn lại chưa phân bổ là 142.992,317 tỉ đồng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nhấn mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cân đối vốn ngân sách nhà nước để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại chưa được báo cáo, thu hồi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, HÐND cấp tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 để thu hồi vốn ứng trước của từng nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thu hồi ứng trước vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

► Cân nhắc phân bổ các nguồn vốn

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về việc phân bổ vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, Ủy ban nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết 43.

Ảnh: Quochoi.vn​

Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết 43 là áp lực rất lớn. Ða số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Chính phủ hết sức cân nhắc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành, địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân hết, không đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 43.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc giải ngân các dự án thuộc Chương trình trong năm 2022, 2023 là không khả thi; đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2024, 2025.

Về phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, các bộ, địa phương đã chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án theo quy định của Luật Ðầu tư công và Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội. Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Ðầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội.

Ða số ý kiến nhất trí trình Quốc hội phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát, cân nhắc khả năng giải ngân vốn của chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023; đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, phân bổ vốn sớm để có cơ sở thực hiện, đảm bảo khả năng giải ngân sớm.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết 43, Luật Ðầu tư công và đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc. Trong trường hợp cấp bách cần thiết, cần điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định Nghị quyết 43.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

TTXVN

Chia sẻ bài viết