27/09/2011 - 21:02

Chương trình bán hàng bình ổn giá

Cần mở rộng mạng lưới bán hàng

Khách tham quan, mua hàng tại Cửa hàng lương thực, thực phẩm Gentraco ở phường
Lê Bình, quận Cái Răng.

Bình ổn giá cả thị trường tại TP Cần Thơ ngày càng được các ngành chức năng và doanh nghiệp quan tâm. Công tác này đã và đang được tiến hành thường xuyên hơn và có các kế hoạch thực hiện lâu dài, chủng loại hàng và mạng lưới bán hàng bình ổn được mở rộng...

* Quan tâm bình ổn giá

Ngay sau đợt bán hàng bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2011 (triển khai từ tháng 12-2010 đến hết quý I/2011), Sở Công Thương TP Cần Thơ đề xuất với UBND thành phố về kế hoạch bình ổn giá năm 2011 và dịp Tết Nguyên đán 2012. Theo đó, chương trình bình ổn giá được triển khai thực hiện từ khá sớm. Các doanh nghiệp tham gia được nhận nguồn vốn giải ngân ngay trong tháng 7-2011. Năm nay, có 7 doanh nghiệp (tăng 2 doanh nghiệp so với năm trước) được UBND thành phố hỗ trợ vay vốn không lãi suất để tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu, với tổng số tiền là 50 tỉ đồng, tăng 20 tỉ đồng so với năm trước. Các nhóm hàng bình ổn giá lần này không chỉ có gạo, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt... còn có thêm dụng cụ học tập cho học sinh (tập, viết, đồng phục may sẵn, túi xách...) Ngoài các nhóm hàng được hỗ trợ vốn, thành phố khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn nhiều mặt hàng thiết yếu khác như: thuốc tân dược, phân bón, thức ăn chăn nuôi...

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã thực hiện tốt cam kết, hàng hóa dự trữ đầy đủ, giá bán thấp hơn so với thị trường 5-10%, tại điểm bán hàng có treo bảng hiệu hoặc băng rôn có nội dung “điểm bán hàng bình ổn giá” để người dân nhận biết mua sắm, có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đến nay, các doanh nghiệp đã mở được 41 điểm bán lẻ theo giá bán bình ổn. Song song đó, các doanh nghiệp còn tổ chức nhiều đợt đưa hàng về bán ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp,... giúp người tiêu dùng tiếp cận được với hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý. Với những nỗ lực nêu trên, hơn 1 tháng qua, chương trình bình ổn giá đã góp phần tạo tâm lý yên tâm mua sắm cho người tiêu dùng, không xảy ra trường hợp thiếu hàng, tăng giá đột biến trên địa bàn thành phố.

* Nâng cao công tác bình ổn giá

Hạn chế của chương trình bán hàng bình ổn giá thời gian qua là chủng loại hàng tham gia chưa phong phú, hệ thống phân phối bán lẻ của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá còn hạn chế và chưa đủ khả năng chi phối thị trường. Đặc biệt, các điểm bán hàng bình ổn giá còn quá ít, chủ yếu chỉ tập trung ở địa bàn quận Ninh Kiều. Trước thực trạng đó, ngành chức năng thành phố có chủ trương từng bước đa dạng chủng loại hàng hóa vào diện bình ổn; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán lẻ trên địa bàn các quận, huyện. Chủ trương này cũng được nhiều doanh nghiệp đồng thuận...

Theo ông Dương Quốc Toàn, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, hiện công ty đã có các cửa hàng bán lẻ và đại lý bán lẻ bình ổn giá trên các địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn. Tới đây, công ty dự kiến mở thêm các điểm bán hàng bình ổn giá ở huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ... Ngoài các điểm bán hàng bình ổn giá ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Thốt Nốt, ngày 15-9, Công ty Cổ phần Gentraco tổ chức khai trương “Cửa hàng lương thực, thực phẩm Gentraco” tại phường Lê Bình, quận Cái Răng. Ông Đào Hữu Lộc, Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: “Gentraco dự kiến tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn giá tại huyện Thới Lai và một số quận, huyện khác như: Ô Môn, Cờ Đỏ... Công ty sẽ tăng cường việc liên kết với các nhà sản xuất, phân phối để đem đến cho người tiêu dùng ngày càng nhiều chủng loại hàng hóa có chất lượng tốt, giá bán cạnh tranh...”.

Ngoài hạn chế về mạng lưới bán hàng, công tác thông tin, tuyên truyền về hàng bình ổn giá thời gian qua vẫn chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Do còn thiếu thông tin, không ít người dân chưa tiếp cận với hàng bình ổn giá. Hầu hết các điểm bán hàng bình ổn đều có treo bảng hiệu hoặc băng rôn có nội dung “Điểm bán hàng bình ổn giá”. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi thiếu những khu riêng biệt hoặc bảng niêm yết giá cụ thể các mặt hàng được bán bình ổn giá để người tiêu dùng nhận biết. Theo ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, thời gian tới, Sở Công Thương thành phố tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán lẻ trên địa bàn các quận, huyện chưa có điểm bán lẻ bình ổn giá; phối hợp với các sở ngành hữu quan tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bình ổn giá của các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá. Đồng thời, yêu cầu các siêu thị, điểm bán hàng bình ổn giá phải thông báo đầy đủ và thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau về các mặt hàng bình ổn giá để người tiêu dùng biết. Mặt khác, phát động thường xuyên, rộng rãi đến doanh nghiệp tổ chức nhiều đợt đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường ...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Khách tham quan, mua hàng tại Cửa hàng lương thực, thực phẩm Gentraco ở phường Lê Bình, quận Cái Răng.

Chia sẻ bài viết