11/10/2024 - 11:28

Cần liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP 

Ðể tạo thuận lợi cho các chủ thể OCOP phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực phối hợp các bộ ngành, địa phương và đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Giúp các chủ thể OCOP nắm bắt các nhu cầu thị trường chủ động điều chỉnh, đổi mới sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng và bao bì đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện hội nghị được tổ chức ở Cần Thơ.

Vùng ĐBSCL đã có gần 3.000 sản phẩm OCOP

Với sự hỗ trợ từ ngành chức năng và tích cực hưởng ứng tham gia chương trình OCOP của người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã, thời gian qua số lượng sản phẩm OCOP tại vùng ÐBSCL và cả nước nói chung đã không ngừng được tăng cao.

Theo Bộ NN&PTNT, qua 6 năm triển khai Chương trình OCOP (Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm), đến nay cả nước đã có hơn 14.000 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 đến 5 sao của gần 7.800 chủ thể OCOP là các doanh nghiệp nhỏ, HTX và hộ sản xuất kinh doanh. Chương trình OCOP đã được các địa phương vùng ÐBSCL hưởng ứng rất tích cực và hiện toàn vùng đã có gần 3.000 sản phẩm OCOP của 1.521 chủ thể đã được công nhật đạt từ 3 sao trở lên, chiếm 21,2% tổng số sản phẩm OCOP cả nước. So với các vùng miền khác, hiện vùng ÐBSCL đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, còn đứng đầu là vùng Ðồng bằng sông Hồng.

Thời gian qua, việc phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại vùng ÐBSCL không chỉ góp phần nâng cao giá trị các loại nông sản và sản vật địa phương mà còn tạo nhiều công ăn việc làm và nhu nhập cho người lao động tại các địa phương. Các địa phương vùng ÐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung như trái cây, thủy sản, lúa gạo để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái vùng ÐBSCL. Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, sản phẩm OCOP của vùng ÐBSCL cũng đã từng bước có sự khởi sắc, thay đổi tích cực, có mẫu mã, bao bì đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường. Các chủ thể OCOP đã có những bước chuyển mình, tự tin, chủ động hơn trong mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối.

Cần tăng cường liên kết

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng việc phát triển sản phẩm OCOP của vùng ÐBSCL và cả nước nói chung vẫn còn tồn tại các khó khăn và hạn chế. Ðáng chú ý là các hạn chế về bao bì, nhãn mác, quy mô, năng lực sản xuất, sự ổn định của chất lượng ở một số sản phẩm có tính đặc trưng theo mùa vụ, hạn chế trong liên kết phát triển giao thương. Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh của vùng ÐBSCL cũng chưa tương xứng, nhất là lĩnh vực thủy sản, du lịch nông nghiệp… Tới đây, các địa phương và các chủ thể OCOP cần tiếp tục nỗ lực đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng, năng lực để tiếp cận tốt hơn vào thị trường. Các địa phương và các bên có liên quan cần tăng cường liên kết, kết nối chặt với nhau để khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…Theo bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện tỉnh có 269 sản phẩm OCOP của 136 chủ thể. Nhìn chung, tỉnh có sản lượng các sản phẩm thủy sản chủ lực và OCOP khá lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh không đáng kể, cung vượt xa cầu. Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng không ngừng được nâng cao, các sản phẩm OCOP của tỉnh Kiên Giang có tiềm năng rất lớn trong liên kết, phát triển tiêu thụ với các tỉnh, thành trong và ngoài vùng ÐBSCL. Tuy nhiên, hiện nhiều chủ thể OCOP là HTX, hộ sản xuất kinh doanh cá thể chưa làm tốt khâu quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm do năng lực quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Do vậy, rất cần có sự hỗ trợ thêm từ các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền ở địa phương...

Theo ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn ở tỉnh An Giang, siêu thị rất mong có sự kết nối sâu rộng hơn với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, cùng các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp, HTX để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng, miền. Hiện có 30 tỉnh, thành và 165 doanh nghiệp có hàng hóa bán tại siêu thị. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, tạo điều kiện người bán và người mua gặp gỡ, thúc đẩy mua bán sản phẩm. Ðây là giải pháp rất hữu hiệu, đang tạo nhiều thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp và chủ thể OCOP phát triển thương mại sản phẩm. Song, để các sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng chấp nhận, đồng thời được nhiều doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối đưa vào hệ thống bán hàng của mình, đòi hỏi ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về OCOP. Các chủ thể OCOP cần chú ý gắn các yếu tố về địa lý vùng trong xây dựng hình ảnh, nhãn hiệu cho sản phẩm. Quan tâm hình thức bao bì và những nội dung thông tin cơ bản, cần thiết phải có trên bao bì và phải có sự chuẩn mực về chất lượng sản phẩm ngay từ ban đầu và duy trì ổn định. Ðặc biệt, khi bán hàng cần phải có các hóa đơn và chứng từ, như thế mới có thể đưa hàng vào bán các siêu thị và kênh bán hàng hiện đại.

Tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL với hệ thống thương mại, vừa được tổ chức ở tỉnh Kiên Giang trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thu mua cần tăng cường liên kết, hợp tác với các chủ thể OCOP và các địa phương để hình thành, phát triển các mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ cùng các địa phương và đơn vị có liên quan cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP trong nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm và kết nối giao thương, cũng như chú ý phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Thúc đẩy sớm thành lập Hiệp hội OCOP Việt Nam, tạo thuận lợi mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP ở trong và ngoài nước…

Ðể thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP tại vùng ÐBSCL, Bộ NN&PTNT đã phối hợp các địa phương vùng ÐBSCL tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL liên tục trong các năm qua, trong đó năm 2022 tổ chức tại tỉnh Ðồng Tháp, năm 2023 tại Cà Mau và năm nay tại Kiên Giang. Diễn đàn đã tạo không gian kết nối, giao lưu, chia sẻ và hợp tác trong sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết