06/07/2017 - 08:46

Cần hiểu rõ hơn về chính sách tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề

TP Cần Thơ đã và đang thực hiện nhiều công trình, dự án thúc đẩy sự phát triển của thành phố và phục vụ dân sinh. Bên cạnh những người dân đồng tình, ủng hộ, cũng có một bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa hiểu rõ những chế độ chính sách, quy định pháp luật nên dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Thực tế, khi triển khai các công trình, dự án, người dân thường bị ảnh hưởng đất đai, nhà cửa. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường theo quy định, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở… Thời gian qua, vẫn còn một số hộ dân trên địa bàn chưa hiểu rõ về các quy định này.

Phần đất của ông Trần Quang Phú bị ảnh hưởng Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô đã được bồi thường đúng quy định.

Ông Trần Quang Phú (ngụ phường 9, quận 10, TP Hồ Chí Minh) có 422,8m2 đất (300m2 đất ở và 122,8m2 đất lúa) ảnh hưởng bởi Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô, được bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng. Sau đó, ông Phú có đơn khiếu nại đến UBND quận Cái Răng yêu cầu được bố trí tái định cư. Qua xem xét hồ sơ, UBND quận Cái Răng đã bác yêu cầu này. Nguyên nhân: 300m2 đất ở bị thu hồi, ông Phú cho người khác thuê làm kho gỗ. Mặc dù bị thu hồi toàn bộ đất nhưng ông Phú không phải di chuyển chỗ ở bởi ông Phú đăng ký thường trú tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Võ Văn Quang (ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có đất bị ảnh hưởng Dự án xây dựng khu dân cư hai bên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn từ Cái Sơn Hàng Bàng đến đường tỉnh 923). Quá trình đo đạc, áp giá bồi thường, ông Quang có đơn khiếu nại việc xem xét cấp nền tái định cư vì bị thu hồi 391m2 đất thổ cư nhưng chỉ được mua 1 nền tái định cư diện tích 92m2. Khiếu nại của ông Quang không có cơ sở giải quyết vì trên 391m2 đất thổ cư đó không có xây dựng nhà ở; ông Quang không phải di chuyển chỗ ở khi đất bị thu hồi.

Một số người dân bị thu hồi đất phục vụ cho các dự án còn thắc mắc xung quanh việc hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi nghề. Bà Lê Thị Bảy (ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khiếu nại Quyết định số 4151/QĐ-UBND ngày 29-9-2016, của Chủ tịch UBND quận Ô Môn với nội dung yêu cầu xem xét hỗ trợ chuyển đổi nghề do bị thu hồi đất nông nghiệp bởi Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, thuộc phường Phước Thới và phường Thới An, quận Ô Môn. UBND quận Ô Môn đã bác yêu cầu này bởi bà Bảy là viên chức đã nghỉ hưu, không thuộc trường hợp xem xét hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Ông La Thanh Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Căn cứ Điều 79, Luật Đất đai năm 2013 quy định bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất ở, được hiểu là trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở bị thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư. Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở. Các trường hợp không thuộc đối tượng này sẽ không được hỗ trợ nền tái định cư.

Bên cạnh đó, tại Điều 6, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30-6-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: Cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) không thuộc đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp mà không có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp thì cũng không đủ điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm.

Việc nắm và hiểu rõ chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về tái định cư, và các hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống khi bị thu hồi đất, sẽ góp phần hạn chế khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án.

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết