11/07/2017 - 21:04

Cần gỡ "vướng" để kiểm soát chặt thị trường

Theo Ban Chỉ đạo 389/TP TP Cần Thơ (Ban Chỉ đạo), 6 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi…

Khó khăn trong quản lý

Công tác kiểm soát mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Chi cục QLTT TP Cần Thơ chuẩn bị công tác tiêu hủy thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. 

Các đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương tiện đường bộ, đường thủy để vận chuyển và luôn thay đổi về thời gian để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra ở các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm, y tế… như sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mỹ phẩm không đáp ứng theo quy định, công thức không công bố tiêu chuẩn hoặc không đúng với hồ sơ đăng ký công bố tiêu chuẩn, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại…

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chi cục Trưởng, Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ, cho biết: Đối tượng vi phạm chủ yếu là những người không có việc làm ổn định, thu nhập thấp. Một số đối tượng là tài xế lái xe khách vì hám lời để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Chẳng hạn với mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, hàng hóa được chia nhỏ, tháo rời, cất giấu trong người, hành lý cá nhân. Khi bị phát hiện thì bỏ hàng không nhận, thậm chí một số đối tượng bỏ cả phương tiện (xe mô tô). Đối với mặt hàng đường cát, các đối tượng buôn bán, vận chuyển thường sử dụng bao bì, nhãn hiệu của Việt Nam, sử dụng bao bì không nhãn hàng hóa, quay vòng hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa tịch thu, hóa đơn mua bán của các nhà máy đường sản xuất trong nước để chứng minh hàng hóa hợp pháp không vi phạm…

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 8 đoàn thanh, kiểm tra mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, qua đó xử lý 67/309 cơ sở kiểm tra. Điều đáng mừng là không phát hiện phụ gia, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, trên nhãn dán về công dụng luôn nhiều hơn so với giấy tờ đã được đăng ký… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lực lượng thanh tra gặp nhiều khó khăn chẳng hạn với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, hiện nay nhiều công ty bán hàng theo hình thức phân phối trực tiếp đến người nông dân, hàng hóa bán không có hóa đơn, chứng từ nên lực lượng thanh tra khó để xử lý. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Thời gian qua có một số mặt hàng trái cây được trồng tại huyện sau khi bán bị thương lái nhúng thuốc kích thích chín gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vấn đề này rất khó giải quyết, bởi người dân thực hiện đúng nguyên tắc an toàn trong trồng trọt, việc sử dụng hóa chất là do thương lái.

Cần gỡ "vướng" để kiểm soát chặt

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Công tác kiểm soát mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu hiện nay chưa thể kiểm tra xử lý được. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép từ 500 bao thuốc lá trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự.  Tuy nhiên, khi xử lý những vụ việc số lượng trên 500 bao đến dưới 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu khi chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự lại bị "vướng" bởi quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 7-12-2012 của Bộ Công thương – Bộ Công An – Bộ Tư pháp – Bộ Y tế - Tòa án Nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu. Theo đó, đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự (số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn; từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn; từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn). Chính vì vậy, không truy cứu trách nhiệm được các đối tượng vi phạm trong những trường hợp vận chuyển từ 500 - 1.500 bao bởi số lượng dưới mức căn cứ định tội của Thông tư liên tịch nêu trên…

Thực tế, với các loại hàng hóa kinh doanh trên thị trường, không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả lực lượng kiểm soát thị trường, kiến thức về nhận định đâu là hàng giả, đâu là hàng thật, hàng chất lượng, đặc biệt là hàng ngoại nhập vẫn còn khá mơ hồ. Nguyên nhân là do lực lượng QLTT TP Cần Thơ ít được tiếp cận, tham gia các lớp tập huấn của cơ quan chức năng, đặc biệt từ các công ty sản xuất hàng hóa về cách nhận biết hàng thật, hàng giả. Trên địa bàn còn ít các cửa hàng chính hãng, đặc biệt là nhà phân phối hàng ngoại nhập. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Minh Toại cho biết, ngành Công thương thành phố đang đề nghị UBND thành phố xem xét cho mở quầy trưng bày hàng hóa, tại đây các công ty đem hàng hóa đến trưng bày cũng như cung cấp thông tin để người tiêu dùng nhận biết. Ông Lê Tấn Nẫm, Phó cục Trưởng Cục thuế TP Cần Thơ, cho biết: Thực tế hiện nay tại các điểm mua bán lẻ như nhà hàng, quán ăn, người tiêu dùng ít đề nghị xuất hóa đơn. Chưa kể, hình thức kinh doanh online (trực tuyến) ngày càng phát triển, chiếm khoảng 30% trong các hình thức bán hàng,… những vấn đề này làm thất thu thuế khá nhiều. Để đối phó với vấn đề này, ngành thuế thiết lập 10 đường dây nóng tiếp nhận tố giác không xuất hóa đơn khi mua hàng.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389/TP, cho rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng buôn lậu trên địa bàn giảm, nhưng mức độ nguy hiểm của vụ việc ngày gia tăng. Phó Chủ tịch nhận định, từ nay đến cuối năm thị trường hàng hóa sẽ đa dạng hơn, tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp. Để việc kiểm soát thị trường được chặt chẽ, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cần đẩy mạnh công tác phối hợp. Cần nhận định, đánh giá rõ thủ đoạn của hoạt động buôn lậu để quản lý chặt thị trường. Việc kiểm tra cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp gây phiền hà cho doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh. Trong đó, cần phối hợp với cơ quan Mặt trận Tổ quốc, tuyên giáo trong các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền và theo dõi thị trường để việc kiểm soát thị trường được chặt chẽ. 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết