Trái cây là một trong những mặt hàng nông sản được nông dân trồng, thu hoạch bán nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trái cây tại TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL giá bán thấp, tiêu thụ chậm, lợi nhuận không cao, gây khó khăn cho nhà vườn tái đầu tư sản xuất.
Trái cây rớt giá
Nhiều loại xoài được thương lái thu mua, đóng thùng tiêu thụ tại các chợ.
Tại TP Cần Thơ cũng như nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL trái cây đã vào mùa chín rộ, như mít, xoài, mận, cam… Dọc theo các tuyến đường giao thông, nhiều nhà bày trái cây ngon trên sề, treo bẹo trước nhà mời gọi người mua, thu hút thương lái. Nhưng mới bắt đầu vào mùa, các loại xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, Đài Loan… có giá rẻ, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Theo nông dân trồng xoài ở xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) xoài cát Hòa Lộc tuyển lựa trái đẹp, đóng thùng bán tại chợ có giá từ 20.000-25.000 đồng/kg, nếu bán cho thương lái mua tại vườn, giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Xoài Cát Chu trái đẹp, loại ngon giá càng rẻ hơn, chỉ 8.000-10.000 đồng/kg, còn xoài Đài Loan trong tháng 4 rồi hái bán tại vườn giá chỉ từ 500-1.000 đồng/kg, nay nhích lên được 2.000-3.000 đồng/kg. Giá xoài rẻ như thế, nhưng rất ít thương lái buôn trái cây về vườn thu mua như trước.
Ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), ngoại trừ xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu còn giữ được giá, nông dân bán xoài Đài Loan thì than dài vì giá quá rẻ. Xoài Đài Loan trái to, cỡ 2 trái 4kg, giá bán từ 200-2.500 đồng/kg, nhưng cũng ít thương lái đến mua. Anh Nguyễn Văn Hiếu, một chủ vựa trái cây chuyên mặt hàng xoài tại xã Tân Hưng, huyện Cái bè, cho biết: "Cả tháng nay, xoài Đài Loan rớt giá thê thảm. Nguyên nhân do Trung Quốc không nhập hàng, tiêu thụ xoài. Hàng loạt xe tải ở vùng này cũng gián đoạn chở hàng đi phía Bắc hay xuất qua Trung Quốc, từ đó các loại trái cây như xoài, mít và nhiều loại trái cây khác vào mùa chín rộ trong lúc này cũng bị ảnh hưởng, rớt giá thê thảm. Nông dân thua lỗ nặng, nhất là trong tháng 4 rồi, xoài Đài Loan chỉ còn 500-1.000 đồng/kg".
Hiện tại, một số loại trái cây đặc sản như xoài, mít, sa-pô-chê, mãng cầu xiêm… đều giảm giá sâu và chỉ tiêu thụ tại các chợ nội địa trong vùng. Từ một số loại trái cây đặc sản giá rẻ đã kéo theo nhiều loại trái cây khác cũng rớt giá theo, nhất là các loại trái cây khó bảo quản như mận hồng đào đá bán lẻ tại chợ từ 7.000-8.000 đồng/kg; mận An Phước chín đỏ, đẹp bán chỉ 10.000-12.000 đồng/kg. Nông dân tiếp tục gặp khó khăn, thua lỗ trong vụ thu hoạch trái cây đợt này…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại vùng ĐBSCL, diện tích cây ăn trái tăng liên tục qua các năm. Năm 2010 diện tích cây ăn trái toàn vùng là trên 287.300ha, đến nay trên 377.700ha, tăng 90.400ha. Ngoại trừ cây nhãn có diện tích giảm 9.100ha so với năm 2010, các loại cây trồng chủ lực khác đều tăng diện tích như thanh long 23.700ha, tăng 22.800ha so với năm 2010; sầu riêng trên 24.900ha, tăng 20.100ha; xoài 47.900ha, tăng trên 2.900ha; bưởi 31.900ha, tăng trên 4.200ha... Ước sản lượng trong quý II năm 2022, các tỉnh, thành ĐBSCL thu hoạch 8 loại cây ăn trái vào mùa (thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng) là 943.500 tấn, cụ thể thanh long thu hoạch khoảng 144.600 tấn (ở Long An, Tiền Giang); chuối 277.200 tấn (Đồng Nai, Trà Vinh, Sóc Trăng); xoài trên 147.000 tấn (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, TP Cần Thơ); mít 141.700 tấn (Tiền Giang, Hậu Giang)… Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng trên không ổn định do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, ngưng nhập hàng, nhất là thị trường từ Trung Quốc.
Để phát triển bền vững
Là khu vực trọng điểm đóng góp tỷ trọng xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất cả nước, nhưng trái cây ĐBSCL thường xuyên gặp cảnh "được mùa mất giá". Do đó, các chuyên gia vùng ĐBSCL cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ hơn về thách thức, cơ hội được đặt ra để đẩy mạnh các lợi thế của vùng ĐBSCL. Đây là vùng có rất nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng gặp rất nhiều thách thức. Một trong những khó khăn mang tính khách quan đối với vùng là biến đổi khí hậu. Hiện tượng nước biển dâng gây ra tình trạng đất vùng ĐBSCL bị xâm mặn ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê cho thấy, nếu như đến cuối thế kỷ này nước biển dâng lên 100cm thì 38% diện tích đất của vùng ĐBSCL sẽ bị xâm nhập mặn. Tình trạng hạn hán, bệnh dịch cũng đã và đang làm thay đổi cơ cấu cây trồng của vùng; mối liên kết bốn nhà (Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông) tại vùng ĐBSCL chưa thực sự được phát huy, liên kết vùng cũng chưa bền vững đã gây ra nhiều khó khăn cho người nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Đất đai manh mún, sản xuất theo hộ gia đình là một trong những khó khăn cho nông nghiệp ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp chưa phát triển, chưa vươn lên là đầu mối bảo vệ quyền, lợi ích cho người nông dân…
Để hàng hóa nông sản khi sản xuất ra ổn định, đảm bảo đầu ra, đem lại lợi nhuận cho nông dân trong thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất đơn vị chuyên môn, các địa phương trong vùng cần nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng mô hình liên kết giữa các đối tác có lợi ích chung trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Một số mô hình điển hình tại ĐBSCL có mối liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ đã xuất hiện. Tuy nhiên, mô hình này cần bổ sung thêm những đối tác khác để đưa sản phẩm tới tay người dùng, như bổ sung nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại, kiểm định tiêu chuẩn sản phẩm… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định vai trò dẫn đầu trong mối liên kết để đảm bảo ổn định cho người sản xuất bằng ưu thế xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong chuỗi giá trị.
Ngành Công Thương đẩy nhanh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn. Cục Xúc tiến Thương mại (thuộc Bộ Công Thương) đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường mới, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống… Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) làm đầu mối chủ trì, phối hợp các sở công thương thuộc các địa phương vùng ĐBSCL đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử; hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để thu hút doanh nghiệp, thương lái tiêu thụ nông sản…
Bài, ảnh: HÀ VĂN