20/04/2020 - 09:18

Cần giải cứu lượng gạo đang chờ xuất khẩu 

Vụ lúa đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL được đánh giá là trúng mùa, với sản lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Lúa hè thu 2020 cũng đã và đang gieo sạ, có khả năng cho thu hoạch khoảng hơn tháng nữa. Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ lúa gạo ở TP Cần Thơ cũng như ĐBSCL đang trông chờ chủ trương cho phép xuất khẩu gạo của Chính phủ để đảm bảo tiêu thụ hàng hóa có nhuận lợi tốt nhất cho nông dân…

Lúa đông xuân được thu mua, dự trữ  và chờ chế biến xuất khẩu của một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Nguồn dự trữ dồi dào

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ lúa đông xuân 2019-2020, vùng Nam bộ có tổng diện tích xuống giống là 1.618.200ha, năng suất đạt 69,35 tạ/ha, tăng 2,05 tạ/ha; tổng sản lượng ước đạt 11.222.000 tấn. Trong đó, ĐBSCL xuống giống 1.541.000ha,  năng suất đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha so với vụ đông xuân 2018-2019; tổng sản lượng ước đạt 10.755.000 tấn. Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: “Đạt được hiệu quả trên nhờ ngành Nông nghiệp địa phương xây dựng các kịch bản cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn cho từng địa bàn sản xuất, đồng thời bố trí diện tích sản xuất linh hoạt theo dự báo nguồn nước; xuống giống sớm hơn 20-30 ngày để né hạn, mặn; sử dụng giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày và một số giống chịu hạn, mặn... cho sản xuất. Nhờ đó sản lượng thu hoạch cao, năng suất khá”.

Tuy nhiên, theo một số thương lái và chủ vựa cung ứng gạo ở TP Cần Thơ, ước tính sản lượng lúa đông xuân 2019-2020 còn trong dân và bạn hàng xáo chiếm khoảng 60-70% so với sản lượng thu hoạch hết cả vùng. Hiện nay, lúa thu hoạch ở một vài tỉnh vùng hạ lưu Vĩnh Long, Trà Vinh và TP Cần Thơ đã cạn đồng. Một số vùng: huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), Long Mỹ (Hậu Giang), Giồng Riềng (Kiên Giang) và vùng trên đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… lúa đông xuân còn đang thu hoạch.

Lượng lúa hàng hóa vẫn còn tồn tại trong dân, do thương lái đang “ôm” vì thấy giá lúa đầu vụ rẻ nên mua vào, có điều kiện phơi sấy, kho, vựa lúa dự trữ. Số lượng trữ lúa ở mỗi thương lái có từ 400 tấn đến hơn 1.000 tấn lúa khô. Đó là lượng lúa trữ chờ giá. Tuy nhiên, việc trữ lúa sẽ không lâu, bởi thời vụ sản xuất nhặt kỳ, lúa ngắn ngày sau 3 tháng/vụ sẽ cho thu hoạch. Đồng thời, khi giá lúa có lời thì lượng lúa dự trữ sẽ được bán ra. Nhưng do thông báo hạn chế xuất khẩu gạo để phòng dịch COVID-19 nên thương lái, doanh nghiệp chờ chủ trương mới về xuất khẩu gạo của Chính phủ.

Sản lượng lúa tại ĐBSCL cũng được dự báo sẽ tăng lên khi vụ lúa hè thu 2020 đã xuống giống hơn 2 tháng và chuẩn bị cho thu hoạch. Cục Trồng trọt cho biết, vụ hè thu 2020, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1.627.500ha, năng suất ước 56,41 tạ/ha và tổng sản lượng 9.181.000 tấn. Trong đó, ĐBSCL gieo sạ 1.539.000ha; năng suất ước 56,6 tạ/ha; tổng sản lượng 8.712.000 tấn. Tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu trong tháng 2-2020 đạt trên 122.000ha, tháng 3-2020 là 272.000ha, tháng 4-2020 dự báo xuống giống 602.000ha... Hiện lúa đang phát triển tốt, làm đồng và sẽ cho thu hoạch sớm đối với diện tích gieo sạ trong tháng 2-2020. Do đó, lượng lúa sẽ tiếp tục tăng cao trong dân và cần tìm đầu ra...

Giải quyết gạo xuất khẩu

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tập trung sản xuất giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước, phòng chống dịch COVID-19...

Để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ngày 23-3-2020, Văn phòng Chính phủ ký ban hành Thông báo số 121/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020 nhằm đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định an ninh lương thực trong nước. Sau khi thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Tổng cục Hải quan đã có công điện khẩn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 00 giờ ngày 24-3-2020.

Đến ngày 10-4-2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ- BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 là 400.000 tấn. Quyết định có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4-2020. Tuy nhiên, khi Tổng cục Hải quan mở cửa Hệ thống khai báo trở lại cho ngành xuất khẩu gạo thì đến sáng ngày 12-4-2020, doanh nghiệp phản ánh Tổng cục Hải quan thông báo số lượng gạo khai báo đã lấp đầy 400.000 tấn, do đó các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa thực hiện mở tờ khai Hải quan để thực hiện thông quan xuất khẩu hàng hóa hiện nằm chờ xuất khẩu tại các cảng.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, đến ngày 14-4-2020, lượng hàng hóa lưu tại kho của 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố dự trữ phục vụ kinh doanh ước đạt 85.952 tấn lúa và 359.411 tấn gạo, họp đồng ký kết phải giao ước khoảng 216.776 tấn, trong đó số lượng đã được chuyển đến cảng khoảng 25.965 tấn (chưa mở tờ khai Hải quan), thị trường chủ yếu là Indonesia, Philippines, Malaysia, Papua New Guinea, Hong Kong, Quatar, Nga, UAE, Ghana, Mỹ...

Đối với các lô hàng chưa thực hiện thông quan xuất khẩu đã ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng xuất khẩu của Doanh nghiệp đã ký kết, uy tín của doanh nghiệp và tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong việc cân đối tài chính. Các chi phí phát sinh trong quá trình hàng đang chờ tại cảng gồm: phí lưu Cont, lưu bãi (khoảng 300.000 đồng/Cont (25 tấn/ngày), tiền phạt chậm giao hàng, đồng vốn bị đọng, không thể trả cho nông dân trong khi các doanh nghiệp đã đặt cọc tiền mua lúa vụ tới, tiền lãi suất ngân hàng, đáo hạn ngân hàng... Đây là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ước tính riêng chi phí lưu bãi, lưu Cont, tiền phạt, tiền đóng công... thất thoát từ 260 triệu đến 350 triệu đồng trong một ngày (đôi với mỗi doanh nghiệp, tùy vào số lượng hàng nằm tại cảng).

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19, Sở Công thương có Công văn số 914/BC-SCT ngày 14-4-2020 đề xuất Bộ Công thương, Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết hàng hóa đang nằm trên các cảng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trong đó đặc biệt ưu tiên thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu đang kẹt ngoài cảng cho 10 doanh nghiệp với số lượng 25.965 tấn (từ ngày 23-3 đến ngày 30-3); thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu phải giao tháng 4-2020 cho 14 doanh nghiệp với số lượng 50.000 tấn (từ ngày 1-4 đến 10-4) và từ ngày 10-4 trở về sau việc thực hiện thông quan phải theo quy định của Chính phủ...

Doanh nghiệp, thương lái và nông dân hiện đang trông chờ chủ trương của Chính phủ cho bài toán xuất khẩu gạo có lợi nhất dành cho nông dân. Bởi, lượng lúa, gạo còn tồn kho trong giới kinh doanh còn nhiều, đồng thời vụ mùa hè thu 2020 sắp cho thu hoạch và cần tìm thị trường tiêu thụ.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai Bộ Công thương và Tài chính phải báo cáo Thủ tướng về việc triển khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch tháng 4-2020. Trong báo cáo, Bộ Tài chính phải nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai Hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công thương về việc này. 

Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua dự trữ lương thực theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Công thương báo cáo về công tác phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu, đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, không xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách… 

* Ngày 17-4-2020, Cục Dự trữ nhà nước Khu vực Tây Nam bộ thông báo mời đấu thầu 4.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Cần Thơ, thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam bộ. Tổng mức đầu tư 48.431.250.000 đồng được chia làm 6 gói thầu, hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hình thức hợp đồng trọn gói, có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Thời gian lựa chọn nhà thầu trong tháng 4-2020, thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 50 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, đồng thời đảm bảo gạo nhập kho dự trữ quốc gia xong trước ngày 30-6-2020…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết