18/06/2022 - 18:30

Cần đưa bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian vàng 

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ, về tầm soát, phát hiện và sơ cấp cứu, chuyển bệnh căn bệnh này.

*  Xin bác sĩ cho biết những người nào cần tầm soát bệnh đột quỵ?

- Bệnh lý đột quỵ não là bệnh lý liên quan đến mạch máu ở não, chủ yếu có 2 thể: (1) tắc mạch máu ở não còn gọi là nhồi máu não và (2) vỡ mạch máu ở não còn gọi là xuất huyết trong não hoặc màng não. 

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ trong tương lai có 2 nhóm lớn: (1) các yếu tố không thay đổi được (tuổi cao, di truyền) và (2) các yếu tố có thể thay đổi được ở nhóm bệnh lý (tăng huyết áp, đái tháo đường, cơn thiếu máu não thoáng qua, rung nhĩ, tồn tại lỗ bầu dục, tiền căn đã có đột quỵ não, rối loại mỡ máu, ngưng thở khi ngủ, bệnh lý hẹp động mạch cảnh trong, bệnh lý rối loạn đông máu, bệnh thận mạn, đau đầu migrain); các yếu tố có thể thay đổi được liên quan đến lối sống (hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì, ít vận động, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, sử dụng thuốc ngừa thai, căng thẳng kéo dài, sử dụng thuốc gây nghiện). Ngoài ra, đối với thể xuất huyết màng não do vỡ túi phình mạch máu não có một số yếu tố đặc trưng làm tăng nguy cơ xuất hiện túi phình như: Thân nhân trực hệ có bệnh lý túi phình mạch máu não (đã vỡ, hoặc chưa vỡ), tiền sử đã có vỡ túi phình mạch máu não, bệnh thận đa nang di truyền.

Những người có các yếu tố vừa kể trên có nguy cơ cao hơn những người khác về khả năng xảy ra đột quỵ. Những người không phát hiện các yếu tố nguy cơ của đột quỵ vẫn có khả năng mắc đột quỵ trong tương lai, mặc dù nguy cơ thấp hơn. Vậy nên, những người có yếu tố nguy cơ của đột quỵ não nên tầm soát bệnh lý định kỳ, mỗi 3-5 năm. Những người không có yếu tố nguy cơ vẫn có thể khám bệnh tầm soát đột quỵ.

Khi tầm soát, các bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý của cá nhân và gia đình, tìm các dấu hiệu của các yếu tố nguy cơ đột quỵ não. Các xét nghiệm được chỉ định bao gồm: Tầm soát bệnh tổng quát (đánh giá tim mạch, gan, thận, phổi, mỡ máu, đường máu, huyết học) và các xét nghiệm hình ảnh học về nhu mô não và mạch máu não. Đối với xét nghiệm hình ảnh học mạch máu não ngoài sọ, có thể dùng siêu âm Doppler để khảo sát. Với nhu mô não và mạch máu trong não, cần phải chụp cộng hưởng từ... Các BV được trang bị đầy đủ phương tiện để có thể thực hiện tầm soát bệnh lý đột quỵ não.

* Thưa bác sĩ, khi có những dấu hiệu nào thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời?

- Có vài dấu hiệu thông thường có thể giúp chúng ta phát hiện kịp thời đột quỵ: Người bệnh đột ngột méo miệng, yếu một bên người, nói ngọng hoặc khó nghe, chóng mặt dữ dội, đau đầu dữ dội có thể kèm theo nôn ói, lơ mơ hoặc hôn mê. Khi xuất hiện một trong các triệu chứng trên thì thân nhân cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ để khám chẩn đoán xác định sớm, điều trị kịp thời. Thông thường, để đưa bệnh nhân đến BV, cần xe cấp cứu chuyên dùng. Tuy nhiên, trong điều kiện không thể chờ đợi xe cấp cứu vì có thể ảnh hưởng đến thời gian vàng điều trị của bệnh nhân (đối với tắc mạch não, thời gian vàng là trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát bệnh); khi đó, có thể gọi taxi, cho người bệnh ngồi dựa lưng hoặc nằm nghiêng một bên (nếu không ngồi được) ở băng sau và đưa thẳng đến BV càng sớm càng tốt.

* Nếu bệnh nhân bị đột quỵ đưa đến bệnh viện muộn thì ảnh hưởng thế nào, thưa bác sĩ?

- Đột quỵ nói chung cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Đặc biệt, đối với thể tắc mạch máu não, thân nhân cần đưa người bệnh đến BV nơi có đơn vị đột quỵ càng sớm càng tốt. Cứ mỗi phút trôi qua, mà mạch máu não nơi bị tắc chưa được tái thông, thì có khoảng 2 triệu tế bào thần kinh bị hư hại. Trong thực tế, chưa tới 5% bệnh nhân tắc mạch máu não đến BV trong thời gian vàng. Rất nhiều trường hợp đến BV sau khi đã khởi phát bệnh trên 24 giờ. Lúc này, bệnh nhân còn rất ít cơ hội để điều trị.

Trong sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại gia đình, chúng ta cần chú ý đến hô hấp của bệnh nhân. Để tránh triệu chứng suy hô hấp ở bệnh nhân đột quỵ, do khối cơ lưỡi tụt ra phía sau làm hẹp đường thở, chúng ta cần cho bệnh nhân nằm đầu cao ít nhất 45 độ hoặc nằm nghiêng trái (nếu không ngồi được) khi di chuyển bệnh nhân đến BV. Các hành động cho uống nước, nặn chanh vào miệng, hoặc chích máu đầu ngón tay cần phải tuyệt đối tránh vì không có lợi mà còn gây hại cho người bệnh.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

H.HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết