30/10/2013 - 22:51

ÔNG VÕ THANH HÙNG, TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CHẾ XUẤT VÀ CÔNG NGHIỆP CẦN THƠ:

Cần đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

 

Qua 10 năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp của thành phố ngày càng phát triển. TP Cần Thơ đang tiếp tục tập trung nguồn lực thu hút đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy các KCN hiện hữu nhằm sớm hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Nhìn nhận về kết quả đầu tư và thu hút đầu tư vào các KCN trong thời gian qua, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý (BQL) Các Khu chế xuất và Công nghiệp (KCX&CN) Cần Thơ, cho biết:

- Qua 10 năm hình thành và phát triển của thành phố trực thuộc Trung ương, tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Để rút ngắn chặng đường trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các KCN tập trung, gắn với việc cải thiện môi trường đầu tư. Thời gian qua, các KCN của thành phố đã thu hút 203 dự án đầu tư với 184 dự án đang hoạt động, 14 dự án đang xây dựng, 5 dự án chưa triển khai. Diện tích cho thuê đất công nghiệp 564,9ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,849 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 810,277 triệu USD, chiếm 43,83% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó có 181 dự án đầu tư trong nước và 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các dự án đầu tư vào KCN đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 32.000 lao động và đóng góp khoảng 40% tổng thu ngân sách của thành phố. Trong số các KCN nổi bật của thành phố có thể kể đến KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 với diện tích lần lượt là 135ha và 165ha đã cơ bản lấp đầy. Ngoài ra, KCN Thốt Nốt đang phát triển khá nhanh, hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các KCN còn lại đang trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng và mời gọi nhà đầu tư thứ cấp.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều công trình trọng điểm được đầu tư trên địa bàn TP Cần Thơ phục vụ các KCN đang hoạt động. Trong đó có cầu Cần Thơ, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, cảng Cái Cui và một số cảng khác cùng các tuyến quốc lộ đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa liên vùng và xuất khẩu của doanh nghiệp. Đặc biệt, ngày 10-9-2013, dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) chính thức khởi công có ý nghĩa kết nối khu vực trung tâm vùng ĐBSCL. Dự án này còn hứa hẹn sẽ tạo đà để các KCN phía Bắc thành phố nhất là KCN Thốt Nốt hiện hữu và cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng chuyển mình phát triển.

Các sở, ngành hữu quan của thành phố thường xuyên tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN. Ảnh: M.H

* Theo ông, đâu là những thách thức mà các KCN của thành phố đang gặp phải?

- Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập cũng xuất hiện, bởi các chính sách ưu đãi đầu tư của Cần Thơ so với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL không còn. Chi phí giải phóng mặt bằng để xây dựng các KCN của TP Cần Thơ cao hơn nhiều lần so với các tỉnh lân cận gây khó khăn cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN. Trong khi các nhà đầu tư thứ cấp luôn cân nhắc khi quyết định chọn điểm đến đầu tư và thường so sánh chi phí thuê đất công nghiệp, chi phí xây dựng, sự cải cách thủ tục hành chính… giữa TP Cần Thơ với một số địa phương như Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ cũng là cản ngại trong thu hút đầu tư vào các KCN của thành phố. Mặc dù, cơ sở hạ tầng đã được Trung ương quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua song do ách tắc luồng Định An và kênh Quan Chánh Bố đã làm giảm sức hút của các KCN thành phố trong mắt nhà đầu tư. Mặt khác, khi các nhà đầu tư nước ngoài đến thành phố, họ không chỉ quan tâm đến cơ sở hạ tầng kinh tế mà còn quan tâm đến hạ tầng xã hội như khu vui chơi, giải trí, hệ thống giáo dục cho con em người nước ngoài, hệ thống tài chính, tín dụng, nhà ở… song thành phố vẫn chưa đáp ứng tốt.

* Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tăng sức hấp dẫn cho các KCN của thành phố, theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào?

- Theo tôi, về quản lý nhà nước, Chính phủ nên rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế và KCN công nghệ cao ở các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và ở các tỉnh. Đối với các địa phương không có lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp thì không nên quy hoạch phát triển các KCN vì vừa lãng phí nguồn lực của đất nước vừa tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Đối với TP Cần Thơ, về lâu dài cần ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng đất ít. Đặc biệt, thành phố nên dành một phần ngân sách thỏa đáng để giải phóng mặt bằng và đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cho một KCN "hạt nhân" quy mô khoảng 50ha để kêu gọi nhà đầu tư có công nghệ cao vào hoạt động. KCN "hạt nhân" này sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển và tạo động lực để lấp đầy các KCN còn lại trên địa bàn.

TP Cần Thơ với lợi thế nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL và là một thành phố trẻ song nội lực vẫn còn hạn chế, chưa được khai thác thỏa đáng. Vì thế, thành phố cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh gọn, ít tốn kém thời gian, chi phí, nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ Cần Thơ các cơ chế đặc thù để phát triển lĩnh vực công nghiệp và thu hút đầu tư vào các KCN hiện hữu. Đây sẽ là cơ sở giúp TP Cần Thơ sớm hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

* Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết