21/11/2010 - 09:09

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần "đòn bẩy" phát triển công nghiệp

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam
(KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ).

Từ năm 2005 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn ở mức cao. Tuy nhiên, giá trị tăng thêm của ngành còn hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp kém. Thêm vào đó, công nghệ của các doanh nghiệp (DN) chậm đổi mới,... là những thách thức cho sự phát triển trong giai đoạn mới, nếu không tìm được “đòn bẩy”...

Tăng trưởng nhanh...

Hiện tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 29,3% trong cơ cấu GDP toàn vùng (công nghiệp trên 80%). Năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) chỉ chiếm gần 12,3% so với giá trị cả nước. Ước năm 2010, GTSXCN toàn vùng đạt hơn 120.000 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 18,5% và chiếm gần 15,4% tỷ trọng so với cả nước. So với năm 2005, GTSXCN toàn vùng tăng gần 2,4 lần (năm 2005 chỉ đạt 51.149 tỉ đồng). Các địa phương đạt giá trị cao như: TP Cần Thơ ước đạt 19.285 tỉ đồng, tỉnh Long An 18.850 tỉ đồng (tăng 19,9% so với năm trước), Tiền Giang 8.520 tỉ đồng, Cà Mau trên 13.457 tỉ đồng (11 tháng 2010)...

Trong GTSXCN vùng, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao, ước năm 2010 gần 93% (trên 111.286 tỉ đồng), tốc độ tăng bình quân 17,7%/năm; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt chiếm khoảng 6,46% (7.748,2 tỉ đồng)... Còn phân theo thành phần kinh tế thì khu vực kinh tế dân doanh giữ vai trò chủ lực trong GTSXCN vùng, ước năm 2010 đạt trên 76.374 tỉ đồng, tăng bình quân 22,3% (mức tăng cả nước là 28,2%). Kế đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 25.081 tỉ đồng, tốc độ tăng 24,8%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước ( chỉ 15,67%), do tiến độ giải ngân nguồn vốn của các doanh nghiệp tăng...

Theo thống kê của ngành công thương các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, sản phẩm công nghiệp của vùng chủ yếu được tập trung đầu tư phát triển gồm: chế biến gạo, thủy hải sản, đường, bia, thức ăn gia súc, xi măng, phân bón, điện, nước... Năm 2010, sản lượng gạo xay xát, lau bóng đạt trên 13,84 triệu tấn, trong giai đoạn 2006- 2010, sản lượng này tăng bình quân 2,86%/năm, mức tăng này không lớn. Riêng mặt hàng thủy sản đông lạnh tăng nhanh, năm 2010 sản lượng thủy sản chế biến đạt hơn 1 triệu tấn (năm 2005 chỉ 0,38 triệu tấn), với mức tăng 22,2%/năm và chiếm trên 28,2% GTSXCN vùng. Các sản phẩm công nghiệp khác như bia, dược phẩm, gạch nung... cũng có mức tăng khá cao.

TP Cần Thơ hiện dẫn đầu khu vực về GTSXCN, năm 2010, ước đạt 19.285 tỉ đồng, tăng hơn 15,8% so với năm 2009. Giai đoạn 2006- 2010, tăng trưởng của ngành bình quân 18,6%/năm; giá trị tăng thêm 18,62%/năm. Thành phố hiện có hơn 8.784 cơ sở sản xuất công nghiệp (kinh tế dân doanh khoảng 8.723 cơ sở), giải quyết việc làm cho gần 99.560 lao động. Theo nhận định của ngành công thương, dù chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sản xuất của nhiều đơn vị thu hẹp, nhưng ngành công nghiệp vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương trong 2 năm qua. Phó giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, cho biết: “Gạo và thủy sản là hai mặt hàng chủ lực trong sản phẩm công nghiệp. Thành phố đang khuyến khích doanh nghiệp phát triển chiều sâu, đầu tư công nghệ chế biến để có được nhiều sản phẩm tinh, chất lượng cao hơn”. Theo ông Hiệp, ngoài phát triển các khu công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư, thành phố còn quy hoạch các cụm công nghiệp tại quận, huyện trên địa bàn thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu dân cư, đô thị. Các sản phẩm công nghiệp tại các cụm công nghiệp chủ yếu là chế biến nông sản, tiêu dùng, sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển ngành nông nghiệp các quận, huyện. Trong giai đoạn mới, thành phố sẽ chắt lọc dự án mời gọi đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, chú trọng yếu tố môi trường, nhằm hạn chế ô nhiễm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững hơn.

Còn theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, tỷ trọng công nghiệp hiện chiếm 17% trong GDP của tỉnh, nhưng góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế của tỉnh. Năm 2010, GTSXCN toàn tỉnh ước đạt 5.688 tỉ đồng, nhưng quy mô tăng gấp 2,5 lần so với năm 2005; giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng trưởng đạt 23,2%/năm (tốc độ tăng đứng thứ 3 trong khu vực ĐBSCL. Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn cũng tăng 1,7 lần so với năm 2005, hiện nâng lên 12.000 cơ sở, góp phần giải quyết việc làm cho 80.000 lao động địa. Mặt khác, các sản phẩm công nghiệp còn đóng góp vào mức tăng của kim ngạch xuất khẩu tỉnh, năm 2010, đạt 95 triệu USD (năm 2009 đạt 92,4 triệu USD) và chiếm 35% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Toàn vùng hiện khoảng 126.772 cơ sở công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 900.000 lao động. Tuy nhiên, xét về quy mô sản xuất, vốn đầu tư và trình độ công nghệ các cơ sở này chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là trong hội nhập kinh tế...

Cần “đòn bẩy”

Trong giai đoạn 2006- 2010, công nghiệp chế biến nông- thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp. Việc phát triển công nghiệp trên nền nông nghiệp của vùng đang ẩn chứa nhiều rủi ro, bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thêm vào đó, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở công nghiệp cũng gây bức xúc cho người dân, nhất là cơ sở nằm trong khu dân cư, đô thị. Việc triển khai dàn trải xây dựng hạ tầng nhiều khu, cụm công nghiệp của các địa phương vừa làm giảm hiệu quả đầu tư, vừa tạo ra sự cạnh tranh không đáng có giữa các tỉnh khi thực hiện ưu đãi. ĐBSCL nhiều tiềm năng về nông- thủy sản, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có vùng chuyên canh rộng lớn đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp chế biến. Tình trạng đầu tư tràn lan nhà máy chế biến thủy sản khiến ĐBSCL luôn đối mặt với nguy cơ thừa nhà máy, thiếu nguyên liệu.

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, toàn vùng hiện có 193 nhà máy chế biến thủy sản (cá tra, tôm sú) với tổng công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguyên liệu vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng khoảng 750.000 tấn nguyên liệu (62% công suất thiết kế). Điều này thể hiện rõ nhất từ đầu tháng 10- 2010 đến nay, các nhà máy chế biến cá tra, tôm luôn kêu thiếu nguyên liệu, dù giá mua cá tra, tôm sú được đẩy lên mức cao. Song, theo vị lãnh đạo của một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trong KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ), thời điểm cuối năm, nhiều nhà máy than thiếu nguyên liệu, nhưng đó là những nhà máy công suất nhỏ, còn những nhà máy công suất lớn luôn tự chủ được nguồn nguyên liệu. Do vậy, nếu không có sự điều tiết hợp lý, giữa vùng nuôi và nhà máy chế biến thì tình trạng “thiếu- thừa” sẽ diễn ra thường xuyên, điều này không có lợi cho người nuôi, doanh nghiệp và cả thị trường xuất khẩu.

Ước tính năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp toàn vùng đạt gần 37.961 tỉ đồng (năm 2005, đạt hơn 17.041 tỉ đồng). So với với số lượng cơ sở, lực lượng lao động và sản phẩm chế biến thì rõ ràng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp vùng còn chậm. Thêm vào đó, nguồn điện, khí đốt cung cấp cho sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp vùng được dự báo còn khó khăn trong tương lai. Nếu không có đầu tư hợp lý, công nghiệp ĐBSCL sẽ tụt hậu so với các vùng, miền khác. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 492/QĐ-TTg phê duyệt thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Theo Quyết định này, nhiều công trình, dự án quy mô lớn được đầu tư cho vùng, tập trung phần lớn trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng, điện, khí đốt... Đây sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch đến năm 2015, GTSXCN toàn vùng phấn đấu đạt 291.623 tỉ đồng, mức tăng bình quân 19,45%/năm.

Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, thành phố đang đẩy mạnh triển khai các dự án ở Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, với tổ hợp 5 nhà máy điện, tổng công suất 3.570 MW. Hiện nhà máy Ô Môn 1 (giai đoạn 1, công suất trên 320 MW) đã hòa vào lưới điện quốc gia; Ô Môn 3 và 4 đang triển khai dự án, Ô Môn 2 và 5 đang làm thủ tục xác định nhà đầu tư. Năm 2015- 2016, thì 4 tổ hợp nhà máy mới vận hành, còn năm 2014 vận hành giai đoạn 2 của Ô Môn 1. Nếu các nhà máy điện này vận hành đúng kế hoạch đề ra sẽ bù đắp một phần thiếu hụt điện của miền Nam vào năm 2016 và đáp ứng cung ứng điện cho sản xuất công nghiệp thành phố, các tỉnh trong vùng. Khi nguồn năng lượng sản xuất được đảm bảo, các địa phương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đổi mới thiết bị sẽ đánh dấu một bước tiến mới cho ngành công nghiệp đồng bằng.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ).

Chia sẻ bài viết