26/10/2010 - 21:23

Sắp xếp lại trật tự số nhà trên địa bàn quận Ninh Kiều

Cần có lộ trình, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân

Đường Trần Văn Khéo, một trong hai tuyến đường được thí điểm sắp xếp lại số nhà ở quận
Ninh Kiều.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị trung tâm, mật độ nhà ở trên địa bàn quận Ninh Kiều cũng tăng nhanh. Dù địa phương có nhiều nỗ lực trong chỉnh trang, quản lý đô thị, nhưng trên nhiều tuyến đường, tình trạng số nhà khá “lộn xộn” đã gây không ít khó khăn trong sinh hoạt, giao dịch của người dân. Nhằm khắc phục tình trạng trên và tạo mỹ quan đô thị, UBND quận Ninh Kiều đang triển khai thí điểm việc cấp số nhà theo quy định chung của cả nước.

Nếu chịu khó đi một vòng, quan sát số nhà trên nhiều tuyến đường ở quận trung tâm thành phố, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy tình trạng số nhà khá “lộn xộn”, thậm chí nhiều nhà còn có số trùng nhau. Một trong những tuyến đường có số nhà “lộn xộn” nhất, khiến nhiều người nhầm lẫn hoặc gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm đó là đường Nguyễn Trãi. Dọc hai bên tuyến đường này, ngoài một số nhà dân, trụ sở cơ quan trùng số với nhau, còn có tình trạng đánh số nhà không theo trật tự nào. Quan sát các số nhà trên đoạn đường Nguyễn Trãi, từ giao lộ với đường Hòa Bình tới ngã ba nơi giao nhau với đường Trần Văn Khéo, số nhà được xếp theo trật tự bên tay phải là số chẵn, tay trái là số lẻ, nhưng từ ngã ba giao nhau với đường Trần Văn Khéo đến giao lộ đường Hùng Vương- đường Trần Phú, phía bên tay phải nhà được đánh số chẵn –lẻ đang xen nhau. Ở đường Trần Văn Khéo, tình trạng xếp số nhà cũng “lộn xộn” không kém. Mặc dù đây là tuyến đường khá rộng, các cơ sở kinh doanh san sát nhau, nhưng dọc hai bên tuyến đường này vẫn còn nhiều ngôi nhà mang số nhà của hẻm (chẳng hạn như: 8/..., 118/... ), thậm chí có nhà mặt tiền nhưng lại có tới 2 “xuyệt” (/). Trên tuyến đường còn có nhiều ngôi nhà được đánh số theo thứ tự bảng chữ cái, như: lô N- đường Trần Văn Khéo, lô M – đường Trần Văn Khéo,... Tương tự, trên tuyến đường Lê Lợi mặc dù mặt đường thông thoáng, nhà cửa khang trang, nhưng nhiều ngôi nhà trên tuyến đường này lại mang số của một tuyến hẻm thuộc đường Trần Phú... Tình trạng nhà ở mặt phố, nhưng mang số trong hẻm tồn tại ở nhiều tuyến đường khác ở khu vực trung tâm thành phố. Không chỉ có vậy, ở một vài tuyến đường, số nhà còn trùng nhau. Chẳng hạn, trên Đại lộ Hòa Bình, trụ sở của UBND thành phố và trụ sở của Bưu Điện thành phố đều có cùng số là 02 - Hòa Bình; trụ sở Bảo tàng thành phố và Siêu thị Co.opMart có cùng số 01 - Hòa Bình;...

Tình trạng số nhà trùng nhau, số nhà “lộn xộn” đã gây không ít khó khăn cho người dân khi có nhu cầu tìm địa chỉ nhà ở của cá nhân, hoặc cơ quan nhà nước và cũng gặp không ít phiền toái trong giao dịch. Trong một quán cà phê ở đường Trần Văn Khéo, anh Nguyễn Văn Quí, một người dân ở tỉnh Kiên Giang, bức xúc nói: “Tôi có nhà bà con ở trên đường này, cầm địa chỉ trên tay, chạy xe qua lại đây 2-3 lần mà không tìm được nhà, cuối cùng phải điện thoại nhờ người nhà ra trước cửa đón. Trên tuyến đường này, nhà cửa đánh số không theo trật tự nào nên tìm địa chỉ theo số nhà rất khó khăn”. Bên cạnh đó, việc trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trùng số nhà nhau cũng làm cho người dân bức xúc. Ông Nguyễn Văn Hải, ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, nói: “Người dân ở khu vực trung tâm thành phố đều biết trụ sở UBND thành phố, hay trụ sở Bưu Điện thành phố ở đâu; chúng tôi cũng phân biệt rõ vị trí của Siêu thị Co.opMart và Bảo tàng thành phố dù có trùng địa chỉ... Nhưng đối với người từ nơi khác đến, việc trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp lớn như vậy lại có địa chỉ trùng nhau thì thật khó chấp nhận đối với đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Từ đó cũng khó tránh khỏi sự băn khoăn về năng lực sắp xếp, quản lý đô thị của mình”. Tình trạng số nhà ở khu vực trung tâm thành phố sắp xếp “lộn xộn” cũng đã được cử tri và đại biểu HĐND thành phố phản ảnh nhiều lần ở các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố và các kỳ họp HĐND thành phố. Tình trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.

Trước những bất cập này, ngày 17-6-2008, UBND thành phố có Quyết định 56/2008/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy định về đánh số và gắn biển số nhà. Mục đích của việc ban hành Quyết định này là “tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch thương mại, giao dịch dân sự và các giao dịch khác; góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị, quản lý nhà đất, thông tin liên lạc hành chính, an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và quản lý dân cư theo quy định của pháp luật”.

Thực hiện Quyết định của UBND thành phố, tháng 3 -2010, UBND quận Ninh Kiều ban hành Kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn quận. Theo kế hoạch, quận sẽ thực hiện đánh số và gắn biển số nhà lại ở tất cả các tuyến đường có số nhà “lộn xộn”, tránh tình trạng nhà ở mặt tiền nhưng có số ở trong hẻm,... Để thực hiện tốt công tác lập lại trật tự số nhà, quận Ninh Kiều đã chọn 2 tuyến đường Trần Văn Khéo và đường Lê Lợi thực hiện thí điểm đánh số và gắn biển số nhà theo quy định chung của cả nước. Theo ông Nguyễn Tùng Nguyên, Phó Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều, Phòng Quản lý Đô thị đã kết hợp với Công an quận và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh số trên bản đồ và đang thực hiện công tác tuyên truyền để tìm sự đồng thuận của người dân trong việc đánh lại số nhà. Ông Tùng Nguyên cho biết: “Mặc dù số nhà của những tuyến đường này khá “lộn xộn”, nhưng nó đã gắn liền với cuộc sống của người dân từ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, đến các giao dịch dịch khác,... Vì vậy, khi đánh lại số nhà, một số giấy tờ phải điều chỉnh, các giao dịch của người dân có phần bị ảnh hưởng. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, chúng tôi rất cần sự đồng thuận của người dân”.

Sau khi hoàn tất thí điểm việc đánh lại số nhà ở hai tuyến đường Trần Văn Khéo và Lê Lợi, quận Ninh Kiều sẽ tiếp tục triển khai “đại trà” ở các tuyến đường khác trong thành phố theo hình thức “cuốn chiếu”, nghĩa là triển khai thực hiện hoàn chỉnh trên từng tuyến. Trong đó, trọng tâm là các tuyến đường có số nhà “mất trật tự” nhất, nhà ở các hẻm nâng cấp thành đường;... Ông Nguyễn Tùng Nguyên cho biết thêm: “Hiện nay, Phòng Quản lý đô thị quận kết hợp với Công an quận đã hoàn thành việc khảo sát hiện trạng số nhà ở các tuyến đường cần ưu tiên đánh lại số nhà. Công việc đánh lại số nhà đang tiếp tục thực hiện khẩn trương, phấn đấu đến cuối năm 2011 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại số nhà ở các tuyến đường có số nhà “lộn xộn” trên địa bàn quận”. Nhiều người dân tán thành với chủ trương đánh lại số nhà của quận Ninh Kiều. Anh Lê Thành Phương, nhà ở đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, cho biết: “Chúng tôi rất tán thành chủ trương đánh số, gắn biển số nhà lại để góp phần làm cho công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính của thành phố chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, các ngành chức năng của quận cần lường trước những khó khăn của người dân trong thời gian đầu sắp xếp lại số nhà và có kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong mọi giao dịch liên quan”.

Rõ ràng, việc sắp xếp lại số nhà đối với khu vực trung tâm thành phố là điều cần sớm thực hiện, nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính và tạo thêm nét văn minh, hiện đại cho thành phố. Tuy nhiên, việc làm này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đời sống xã hội của người dân. Do đó, các ngành chức năng của quận Ninh Kiều cần tiếp tục tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân, cũng như nghiên cứu thực hiện những giải pháp nhằm giảm thiểu sự phiền hà, bất cập có thể có đối với người dân.

QUỐC TRƯỞNG

“Quy định đánh số và gắn biển số nhà” ban hành kèm theo Quyết định số 56/2008/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ, nêu rõ: Giao Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành có liên quan lập kế hoạch xử lý những vấn đề phát sinh sau khi cấp Giấy chứng nhận số nhà mới (những giấy tờ liên quan đến lý lịch cá nhân, nhà đất và những giấy tờ giao dịch dân sự khác,…)… Sau khi cấp Giấy chứng nhận số nhà, việc thay đổi các giấy tờ có liên quan khác theo số nhà mới cần phải có thời gian và lộ trình thích hợp, tránh thay đổi một cách ồ ạt gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân. Trong thời gian thay số nhà mới, mọi hoạt động diễn ra bình thường. Các tổ chức, cá nhân khi liên hệ với các cơ quan chức năng để thay đổi các giấy tờ có liên quan theo số nhà mới thì phải xuất trình Giấy chứng nhận số nhà mới do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ có liên quan và giải quyết theo số mới khi người dân có yêu cầu thay đổi…


Chia sẻ bài viết