11/03/2013 - 21:32

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ĐBSCL

Cần cơ chế đặc thù, xóa dàn trải

Sản xuất nước giải khát tại Khu công nghiệp
Trà Nóc TP Cần Thơ.

Vùng ĐBSCL - vựa lúa, tôm cá, trái cây của cả nước và được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, sau 25 năm có Luật Đầu tư nước ngoài, khu vực này vẫn đứng cuối bảng về thu hút FDI, với 736 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 10,6 tỉ USD, chỉ chiếm 5% so với cả nước. Nhiều địa phương trong vùng suốt thời gian dài kêu gọi nhưng không có dự án FDI nào…

* Chưa tương xứng tiềm năng

Dẫn đầu trong thu hút FDI là tỉnh Long An với 477 dự án, vốn đăng ký 3,7 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư FDI của vùng. TP Cần Thơ được đánh giá có nhiều lợi thế là trung tâm vùng ĐBSCL, có cảng biển, sân bay quốc tế và có nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến đầu tư nhưng kết quả cũng chưa như mong muốn. Đến nay, Cần Thơ thu hút 57 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD… Các dự án FDI chủ yếu tập trung các lợi thế của vùng ĐBSCL như: sản xuất chế biến nông-thủy sản, các sản phẩm phục vụ nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi), khai thác thế mạnh lực lượng lao động trẻ, kinh doanh, dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho rằng: “Rõ ràng về hạ tầng kỹ thuật thì Long An, Bình Dương, Đồng Nai có lợi thế hơn rất nhiều so với các địa phương của ĐBSCL. Hệ thống cảng ở ĐBSCL (đặc biệt trên sông Hậu) không phát huy hết công năng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư. 70% hàng hóa ra- vào ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển đường thủy nhưng hiện nay tàu lớn không vào được cảng vì luồng bị ách tắc. Không có cảng biển hoạt động tốt, thu hút đầu tư vẫn ì ạch mãi, bộ mặt công nghiệp ĐBSCL khó thay đổi lớn”. Đây cũng là lo ngại chung của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang làm ăn hoặc có dự định đầu tư vào ĐBSCL.

Ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đánh giá: “Việc thu hút đầu tư thời gian qua chưa có những dự án quy mô lớn, thật sự tác động mạnh đến phát triển công nghiệp của ĐBSCL. Quy mô vốn dự án FDI còn nhỏ, công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực có trình độ cao để tiếp nhận các dự án lớn, công nghiệp cao còn hạn chế…”. Ngoài ra, các chuyên gia nhận định môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Quỹ đất sạch luôn là vấn đề khó cho hoạt động thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng. Việc xúc tiến đầu tư của khu vực ĐBSCL còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; thiếu chuyên nghiệp, thiếu định hướng chiến lược chung nhằm phát huy tối đa lợi thế của toàn vùng…

* Cần cơ chế đặc thù, xóa dàn trải 

ĐBSCL đang tập trung kêu gọi 137 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn hơn 118.000 tỉ đồng và gần 700 triệu USD. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, liệu mục tiêu này có khả thi? Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, nhận định: “Tình trạng các khu công nghiệp ở ĐBSCL hiện nay quá tràn lan, na ná, chồng chéo và làm mất lợi thế cạnh tranh lẫn cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Cụ thể như sự phát triển của công nghiệp chế biến thủy sản dẫn đến hệ quả nghiêm trọng như hiện nay, thừa 60% công suất, hàng loạt nhà máy đóng cửa… Để phát triển ổn định, lâu dài, ĐBSCL nên tập trung xóa tình trạng dàn trải trong việc quy hoạch, đầu tư các khu công nghiệp. Theo đó, các khu công nghiệp cần thiết phải tiết kiệm đất tối đa nhưng đạt hiệu quả cao; có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ, chất xám, giá trị cao… Quan trọng nhất là thu hút đầu tư vào ĐBSCL là sự liên kết và có “người chỉ huy””. 

Để đạt mục tiêu này, theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định về ưu đãi thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như: quy định giá cho thuê đất trong các khu công nghiệp; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để có đất sạch thu hút đầu tư; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2011 có 10/13 tỉnh thành trong khu vực rớt hạng); đặc biệt chăm sóc tốt các nhà đầu tư sau giấy phép; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch… Quan trọng nhất là xây dựng chiến lược thu hút FDI của vùng ĐBSCL. Theo phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, vấn đề logistics và chi phí quá tốn kém trên đường đi của hàng hóa là cản trở lớn nhất trong hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng của vùng, đặc biệt là về giao thông. “Chính phủ ban hành cơ chế điều phối liên kết vùng và cơ chế chính sách đặc thù trong việc thu hút đầu tư cho ĐBSCL (do kết cấu hạ tầng của vùng còn yếu kém, nền đất yếu, xa sân bay, cảng biển làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu…). Bên cạnh, cần có chính sách miễn 100% tiền đất và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; ưu đãi về vốn đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong danh mục khuyến khích, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…”, ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ kiến nghị.

Bài, ảnh: Thanh Huy

Chia sẻ bài viết