23/06/2011 - 10:00

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Cần bước đột phá

Lãnh đạo một doanh nghiệp phát biểu ý kiến trong buổi tọa đàm về hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp.

Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng, tạo nên khung pháp lý tương đối đầy đủ cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến việc tìm hiểu pháp luật, gặp khó khăn trong việc tư vấn pháp luật, tiếp cận với thông tin pháp luật... Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2008/NĐ-CP (NĐ66) về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nhưng tại Cần Thơ việc hỗ trợ pháp lý theo quy định này chưa tạo được bước đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp...

CHƯA ĐƯỢC HỖ TRỢ KỊP THỜI

Theo quy định của NĐ66, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Cần Thơ thì việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Cần Thơ thời gian qua còn rất hạn chế. Mặc dù, TP Cần Thơ có cổng thông tin điện tử, một số sở ngành có trang web... nhưng việc cập nhật những văn bản thông tin liên quan đến doanh nghiệp trên những trang thông tin điện tử này còn quá chậm. Thậm chí ngay cả những văn bản của địa phương ban hành, các doanh nghiệp cũng không được phổ biến, cập nhật kịp thời.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc tìm hiểu các văn bản mới có liên quan đến doanh nghiệp do Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, có nhiều văn bản mặc dù đã ban hành nhưng khi lên website của Chính phủ vẫn không thấy cập nhật. Ngay như NĐ66 này, ban hành từ năm 2008, nhưng đến năm 2011 mới có chương trình thực hiện. Bên cạnh đó, đề nghị khi luật có hiệu lực thì các bộ, ngành phải có ngay văn bản hướng dẫn thi hành để thực hiện. Ngoài ra, các cơ quan làm luật khi ban hành luật phải dễ hiểu, hạn chế việc tranh luận từ ngữ trong quá trình áp dụng. Thời gian qua, Hiệp hội có văn bản gởi cho UBND TP đề nghị được hỗ trợ danh mục các chính sách, văn bản doanh nghiệp được hưởng lợi, nhưng chưa có ý kiến phản hồi.

Đại diện Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ, cho rằng: mặc dù công ty có Tổ pháp chế, nhưng do làm công tác kiêm nhiệm nên việc nắm bắt, cập nhật văn bản pháp luật còn hạn chế. Đề nghị các ngành chuyên môn nếu có văn bản, thông tư hướng dẫn có liên quan thì nên cho doanh nghiệp biết kịp thời. Tại buổi tọa đàm về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp diễn ra ngày 13-6 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Đương, đại diện DNTN cơ khí Sông Hậu, thừa nhận: “Thú thật, nếu không được mời dự buổi tọa đàm này thì tôi không biết NĐ66 là gì. Nhiều văn bản pháp luật ban hành từ hồi nào chúng tôi không biết, nhưng khi đụng chuyện thì bị áp vào để xử phạt... Tôi kiến nghị, các ngành chức năng nên hệ thống hóa các văn bản pháp luật có liên quan trong cùng lĩnh vực để chúng tôi biết mà thực hiện. Còn việc quy định giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp tại điều 10, NĐ 66 tôi cũng thấy mơ hồ, vì ít khi các ngành chức năng trả lời cho doanh nghiệp đúng quy định là 15 ngày”.

ĐỊA PHƯƠNG CŨNG GẶP KHÓ

Tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ vào ngày 13-6-2011 về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng chí Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp, cho rằng Cần Thơ chưa có một kế hoạch cụ thể nào để thực hiện công tác này. Nhất là đối với Sở Tư pháp, cơ quan đầu mối trong việc tham mưu phổ biến các văn bản pháp luật cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành để thực hiện đúng theo quy định của NĐ66. Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, thời gian qua việc hỗ trợ pháp lý này chỉ thông qua các công việc thường ngày của các sở, ban ngành như việc niêm yết thủ tục hành chính, mở lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp...

Theo ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ: để thực hiện NĐ66, Sở đang dự thảo trình UBND lấy ý kiến về việc thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 (Chương trình 585). Tuy nhiên, Trung ương cần chỉ đạo bằng một văn bản cụ thể về việc nâng cao năng lực của các tổ pháp chế tại các cơ quan, sở, ngành... và có kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ pháp chế này. Theo ông Trần Thanh Phương, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư: hiện tại, trên địa bàn TP Cần Thơ có gần 10.000 doanh nghiệp. Nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh của doanh nghiệp rất cao, nhưng đúng là các sở, ngành của địa phương cập nhật thông tin pháp luật liên quan đến doanh nghiệp lên các website còn rất chậm. Thời gian qua, cũng do quá trình làm luật còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho địa phương trong việc áp dụng thực hiện như việc chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn, việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm. Đề nghị Nhà nước ban hành các văn bản liên quan đến doanh nghiệp nên đồng bộ, và có biện pháp hỗ trợ địa phương nâng cấp các website của sở, ngành...

Đối với ngành Hải quan Cần Thơ, trong năm 2010 mặc dù đã hỗ trợ giải đáp thắc mắc về pháp luật bằng văn bản cho 152 trường hợp, nhưng theo ông Nguyễn Minh Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ, do hệ thống pháp luật còn nhiều vướng mắc; quy trình lập pháp còn thiếu công khai, dân chủ; văn bản hành chính thì chồng chéo... nên rất khó thực hiện. Đề nghị Bộ Tư pháp nên cho rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để xem cái nào chồng chéo thì có biện pháp tháo gỡ, thống nhất áp dụng để hành lang pháp lý thông thoáng, dễ áp dụng...

Chương trình 585 được triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó Cần Thơ là một trong 7 địa phương triển khai điểm sẽ thực hiện chương trình thông qua 3 dự án là hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động như bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Với 3 dự án trên hy vọng các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, tạo thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Lãnh đạo một doanh nghiệp phát biểu ý kiến trong buổi tọa đàm về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Chia sẻ bài viết