08/02/2013 - 09:51

Cân bằng dinh dưỡng cho trẻ ngày Tết

Dịp Tết, hầu hết gia đình đều dự trữ nhiều thức ăn, trong đó, có nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Làm thế nào để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, để trẻ khỏe mạnh, thoải mái vui chơi, tận hưởng cái Tết tràn ngập niềm vui, là trăn trở của nhiều bà nội trợ.


Từ 20 tháng Chạp, chị Nguyễn Thu Hằng (ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) đã mua sắm lỉnh kỉnh đủ thứ, để dùng ba ngày Tết như: các loại thức ăn đóng hộp, bánh kẹo, nước ngọt… Bé Minh Khôi (5 tuổi), con trai út của chị Hằng rất thích chí, vì đây là dịp bé tha hồ "xử" các món ăn ưa thích. Ngày nào cũng vậy, sau khi đi học về, chốc chốc bé Khôi lại xin mẹ một lon nước ngọt để uống, rồi lạp xưởng, bánh mứt… "nạp" vào liên tục. Kết quả, mấy hôm sau, bé bị viêm họng cấp, ho nhiều, do thường xuyên uống các loại nước chứa nhiều đường. Bé còn đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, nôn ói, dẫn đến sụt cân, mặt mày phờ phạc. Vừa dọn dẹp nhà cửa, tất bật chuẩn bị Tết, vừa lo chăm sóc con trai, chị Hằng than thở: "Dù bận rộn thế nào cũng phải cho con ăn uống cẩn thận, không thể để con tự do ăn theo sở thích. Con bệnh sẽ làm cả nhà mất vui dịp Tết".

 Cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong những ngày Tết.

Thông thường ngày Tết, các gia đình đều chuẩn bị nhiều thực phẩm, trong đó, có các loại thức ăn khô, được bày bán đa dạng ở các cửa hàng, siêu thị. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý, khi chọn thực phẩm cho trẻ em cũng như người lớn nên quan tâm nguồn gốc thực phẩm, cách chế biến, thời hạn sử dụng. Nếu thực phẩm không được sản xuất theo quy trình, đảm bảo vệ sinh và bảo quản đúng cách, dễ có nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Ngoài ra, các bà mẹ cần thận trọng với những loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt, hấp dẫn, vì có thể đó là phẩm màu tổng hợp, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Các bà mẹ cũng cần chú ý các loại thực phẩm có nguy cơ gây hóc dị vật, như những loại: mứt, kẹo, hạt cứng (hạt dưa, hạt sen),… dễ làm trẻ bị sặc, nghẹn, khi nuốt phải.

Chuẩn bị đón Tết, chị em phải lo toan nhiều việc, có phần lơ là con trẻ, do đó trẻ thoải mái ăn uống theo ý thích. Thời gian nghỉ Tết Quý Tỵ này kéo dài khoảng 10 ngày, nếu các bậc phụ huynh không quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các bà mẹ cần đảm bảo đủ các nhóm chất thiết yếu trong khẩu phần ăn ngày Tết cho trẻ. Một bữa ăn cân đối cần đầy đủ các nhóm chất bột đường, đạm, rau củ quả và chất béo. Ngày Tết, thực phẩm thường giàu năng lượng, chứa nhiều chất bột đường, chất đạm và chất béo có trong các loại bánh chưng, nước đóng chai, thịt kho, chả lụa, đồ nguội,… Một số trẻ biếng ăn do ăn uống không điều độ nên dễ bị sút cân, suy dinh dưỡng sau ngày Tết, hoặc rối loạn tiêu hóa do ăn quá nhiều hoặc ăn phải thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Vì vậy khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày Tết, các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, mứt, uống nước ngọt trước các bữa ăn. Điều này sẽ làm đường huyết tăng cao, ức chế tiết men tiêu hóa, trẻ sẽ ăn kém trong bữa chính. Thông thường, chị em thường xem nhẹ nhóm rau củ và trái cây; nếu có thì thường là các loại chứa nhiều chất ngọt như dưa hấu. Chất béo không thể thiếu trong các loại thực phẩm ngày Tết nhưng cần duy trì chất béo từ thực vật, có lợi cho sức khỏe của trẻ. Tùy theo từng độ tuổi của trẻ, các bà mẹ cho trẻ ăn những thực phẩm thích hợp. Đối với trẻ còn bú sữa mẹ thì cần lưu ý nhiều hơn chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người mẹ, đảm bảo đủ lượng sữa theo nhu cầu của trẻ. Mặc dù ngày Tết phải lo toan nhiều việc nhưng chị em phải ổn định tinh thần, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Các bà mẹ nên bổ sung năng lượng trước mỗi cử cho con bú và cho con bú đúng tư thế, trẻ mới hưởng đủ lượng sữa mẹ, giúp trẻ no bụng và phát triển tốt hơn.

Trong trường hợp do không thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng đầy đủ các dưỡng chất, trẻ ăn nhiều quá hay ăn phải những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trẻ thường có một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, đi đại tiện phân lỏng hoặc có những biểu hiện sốt kèm theo nếu bị nhiễm trùng. Khi đó, các bà mẹ nên xem lại những thực phẩm trẻ đã ăn và nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, như cháo, súp chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi lần một ít, giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn, đảm bảo đủ nhu cầu và mau hồi phục sức khỏe. Khi trẻ bị tiêu chảy thì cần được bù nước, các bà mẹ không nên tự ý cho trẻ uống thuốc cầm ói hay cầm tiêu chảy. Bà mẹ có thể mua gói ORS để sẵn trong tủ thuốc gia đình, để bù nước khi trẻ bị tiêu chảy hay nôn ói bằng cách pha một gói ORS với 1 lít nước chín để nguội, cho trẻ uống sau mỗi khi đi tiêu hay nôn ói, uống chậm, từng ít một. Tuy nhiên, nếu trẻ ói hay đi cầu phân lỏng kèm sốt, hay có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi nên đưa đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định điều trị kịp thời, hợp lý.

Tâm lý chung của người Việt Nam vào dịp Tết là muốn được vui vẻ, thoải mái nên thường "phá lệ" các thói quen, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thường ngày. Do đó, các bà mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ nhỏ cũng như các thành viên trong gia đình, đảm bảo sức khỏe dồi dào, để gia đình hưởng mùa xuân an vui, hạnh phúc, mở đầu năm mới may mắn, sung túc.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết