25/01/2019 - 14:56

Cảm ơn cải lương, cảm ơn cuộc đời! 

Đôi vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung - Trần Thiện tâm tình như vậy với chúng tôi vào một ngày cuối năm. Trải qua bao “muối mặn gừng cay”, cô chú cảm ơn cải lương vì đã có một “thánh đường sân khấu” để đam mê và cảm ơn cuộc đời vì cho họ có nhau, cùng dìu dắt nhau qua những sướng- khổ đời người.

Vợ chồng cô Dung - chú Thiện bên những kỷ vật một thời nghệ sĩ. 

Tết này, cô Kiều Mỹ Dung 58 tuổi, còn chú Trần Thiện 65 tuổi. Cô nguyên là diễn viên, đạo diễn; còn chú nguyên là Phó Giám đốc của Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ). Trong ngôi nhà mới xây khang trang trong con hẻm nhỏ của đường Phạm Ngũ Lão, quận Ninh Kiều, chú Thiện loay hoay chỉnh trang lại bàn thờ gia tiên, còn cô Dung thì tỉ mẫn với rổ củ kiệu chuẩn bị Tết. Tâm sự với tôi, chú Thiện bày tỏ: “65 tuổi mới có được căn nhà của riêng mình”; cô Dung tiếp lời: “Cô chú cưới nhau gần 40 năm, ở nhà tập thể. Bây giờ có nhà riêng, vui lắm, mấy bữa mới dọn về ở, tối nằm thao thức hoài”.

Nhắc đến vợ chồng chú Thiện - cô Dung, không chỉ người trong nghề sân khấu mà nhiều người đều biết và yêu thương. Cô Dung từng là cô đào chánh tài hoa một thời, còn chú Thiện là họa sĩ thiết kế sân khấu, cả hai người đã có hơn 40 năm gắn bó với cải lương. Mọi người thương cô chú còn vì chuyện khác, đó là đạo nghĩa cang thường họ dành cho nhau. Biến cố lớn nhất trong đời của họ là cách đây 15 năm, tai nạn giao thông cướp đi của cô đào chánh Kiều Mỹ Dung một chân, chú Thiện thì tưởng như phải nằm liệt giường. Vậy mà họ luôn bên nhau, động viên nhau cố gắng vượt qua. Những giọt nước mắt cùng chảy xuôi, những cái nắm tay siết chặt: “Mình phải cố gắng lên! Cố gắng để còn làm nghề, còn vì 2 đứa con!”, họ thủ thỉ với nhau như vậy. Và rồi sự kiên trì được đền đáp, chú Thiện khỏe hẳn, cô Dung cũng vượt qua cản ngại tâm lý, lắp chân giả để tiếp tục gắn bó với sân khấu. Cô học đạo diễn và trở thành đạo diễn “mát tay” của Đoàn Cải lương Tây Đô.

“Chú là đôi chân của cô suốt 15 năm qua đó”, cô Dung cười hiền. Quả vậy, có mặt ở bất cứ sự kiện nào, người ta cũng thấy cô chú nắm tay song hành. Mấy hôm cô làm giám khảo Liên hoan Ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm xuân TP Cần Thơ 2019, chú đưa cô lại điểm diễn rồi ngồi cà phê chờ cho tới khuya để chở cô về. Có những đêm mưa bất chợt làm chú ướt mem nhưng khi cô bước ra vẫn cười tươi rói. Cô làm giám khảo ở Phong Điền, Bình Thủy, chú cũng đưa rước giống như vậy. Chú nói rằng, cô đi taxi, xe ôm cũng được, nhưng chú không an tâm và lý giải: “Hồi xưa thương cô 1, nhưng từ ngày bị tai nạn, chú thương cô 10”. Cô Dung thì rưng rưng mà nói, cô hạnh phúc vì có chú yêu thương và san sẻ. Có những bất hạnh đời người, nếu không có chú bên cạnh, chắc hẳn cô sẽ gục ngã, buông xuôi.

Cơ cực cả đời người giờ mới có căn nhà riêng, cô chú chăm chút kỹ lắm. Tết này, nhà cô chú rực rỡ bông hoa. Cô cứ ngắm nghía chậu hoa hướng dương rồi nói: “Kéo qua trái chút anh, kéo qua chút cho đẹp!”. Rồi cô lau dọn, dán đôi câu liễn mừng xuân… Tôi cảm nhận không khí ấm tình xuân và tình nghĩa tào khang trong căn nhà nhỏ. Có nhà mới rồi, cô chú dành riêng một căn phòng để làm phòng trưng bày về đời làm nghề cải lương. Hàng trăm tấm ảnh về những vở cải lương cô chú từng diễn, từng thực hiện; những nơi chốn mà đời nghệ sĩ từng đi qua; về những thành tựu trong nghề. Còn có những chiếc rương, chiếc tủ cô dùng trang điểm đã úa màu thời gian, hay là những đôi giày, phục trang của một thời “bà hoàng, ông chúa”… Cô chú sắp xếp, trưng bày cẩn thận, để rồi khi rảnh, cô chú lại cùng xem, cùng kể cho nhau nghe chuyện: “Mình nè, hồi đó…”.

Ngày cuối năm thăm đôi vợ chồng nghệ sĩ về hưu, ngẫm ra nhiều điều về triết lý hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
cải lương