30/11/2021 - 11:45

Cải thiện suy giãn tĩnh mạch 

Theo một kết quả nghiên cứu năm 2015, hơn 90% người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới nhưng không hay biết, đến khi phát hiện, bệnh đã ở mức độ nặng, gây nhiều biến chứng. Nữ giới mắc bệnh này cao gấp 3 lần so với nam giới. Các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh có thể hình thành từ việc đứng lâu, ngồi nhiều, lối sống ít vận động và những thói quen tưởng chừng vô hại như vắt chéo chân, mang giày cao gót...

Phụ nữ có nguy cơ suy giãn tĩnh mạch cao. Ảnh minh họa: Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ thăm khám sức khỏe cho thai phụ trong thai kỳ. Ảnh do BV cung cấp.

Ngoài ra, phụ nữ mặc quần áo bó sát, mang thai nhiều lần hoặc dùng các thuốc nội tiết tố như thuốc tránh thai cũng có thể gây giãn tĩnh mạch chi dưới. Người bị táo bón cũng dễ mắc bệnh. Bệnh cũng liên quan đến yếu tố tiền sử gia đình. Thường xuyên đứng trong môi trường làm việc ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn.

Một số dấu hiệu giúp người bệnh tự nhận diện trước khi đến thăm khám bác sĩ như bắp chân nổi nhiều gân xanh, nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, đau nhức hoặc bị chuột rút ở bắp chân không rõ nguyên nhân. Ðây là những cảnh báo tình trạng suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Bệnh lâu ngày gây những vết loét nhiễm trùng và chảy máu, thậm chí hình thành huyết khối trôi về tim, gây tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch chi dưới dễ nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp khác dẫn đến việc điều trị không hiệu quả.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề Những điều cần biết về căn bệnh thời hiện đại: Suy giãn tĩnh mạch, PGS.TS.BS Tạ Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lý này. Ðồng thời, lưu ý, quan trọng nhất là bệnh nhân cần thay đổi lối sống tĩnh tại, thường xuyên vận động phù hợp, tập thể dục mỗi ngày để nâng cao thể trạng, cải thiện bệnh tật.

Theo BS Cường, hiệu quả của điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng thuốc chỉ ở mức khiêm tốn và thường kéo dài. Do vậy, cần thay đổi lối sống, không để quá tăng cân, béo phì. Thay đổi tư thế thường xuyên, ngồi lâu thì nên đứng dậy đi lại. Ðeo vớ y khoa trị giãn tĩnh mạch dùng cho người phải đứng lâu trong môi trường làm việc. Ðặc biệt trong thời kỳ mang thai, cần tạo thuận lợi cho tuần hoàn tĩnh mạch, gác chân cao khi ngủ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước tránh táo bón. Thói quen tắm nước lạnh giúp tuần hoàn tĩnh mạch tốt.

Việc áp dụng các phương pháp điều trị hiện nay cần sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa về bệnh lý mạch máu. Siêu âm doppler mạch máu được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp, tránh biến chứng đáng tiếc do điều trị không đúng.

Bên cạnh phát hiện bệnh trễ, nhiều trường hợp tự ý chữa trị không đúng cách, khiến bệnh thêm trầm trọng. Một số người bệnh có thói quen xoa rượu thuốc, dầu nóng tạo cảm giác dễ chịu, bớt tê cứng, đau nhức chân. Theo bác sĩ, xoa dầu nóng có thể làm tĩnh mạch càng giãn thêm. Tắm với nước nóng hay ngâm chân nước nóng cũng có tác hại tương tự.

Người bị suy giãn tĩnh mạch không có khuyến cáo nào hạn chế đi lại, nên có thể đi bộ ở mức độ vừa phải và bảo vệ tĩnh mạch. Khi đi bộ, tập thể dục cần mang vớ áp lực, mang mỗi ngày, càng lâu càng tốt. Bài tập động tác nằm dựng chân sát tường cũng giúp máu điều hòa tốt hơn, mạch máu đỡ bị giãn. Trước khi đi ngủ có thể tập đạp xe đạp trên không, giơ chân cao đạp cũng có hiệu quả cải thiện tình trạng bệnh. Tắm nước lạnh xả từ phần đùi trở xuống cũng rất tốt cho người suy giãn tĩnh mạch.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết