29/03/2020 - 07:57

Cá bông gấm 

Truyện ngắn: Nhật Hồng

Chập choạng tối, chị Hai đi lên đi xuống mé rạch, nóng ruột trông trông ngóng ngóng. Bác Bảy từ nhà trên hỏi vọng xuống:

- Thằng Hai đi với ai vậy bây?

- Với chú Tâm, ba ơi!

- Vậy bây đừng lo lắng chi nữa. Thằng Tâm là tay phát giỏi. Một công đất cỏ song chằn nó chém tới mười giờ là xong, chắc tụi nó ráng phát cho rồi để ngày mai lo đám giỗ!

Có tiếng hì hụi ở mé rạch. Chị Hai chạy ra sân, thấy anh Hai xóc kè chú Tâm bước lên bờ trong bóng tối nhá nhem. Vô nhà, anh Hai đặt chú Tâm lên bộ ván ngựa. Bác Bảy lo lắng đến hỏi:

- Vụ gì vậy Hai?

- Chú Tâm bị cá bông vọt trúng...

- Cây phảng ở đâu, tụi bây để như vậy?

Anh Hai mới từ từ kể: 

- Tụi con thấy trời xế chiều, rút phảng lên xuồng đi về. Bỗng chú Tâm phát hiện một quầng khói đèn bằng cái nón lá, nghi là có ổ cá lớn. Tụi con vừa lội tới cách chừng hai thước, bỗng một con cá bông sọc xanh đỏ dữ dằn, cái đầu phùng ra nhào lên, nhắm vào bắp đùi táp tới tấp. Con hoảng hốt phóng lên bờ giồng. Chú Tâm thấy vậy, từ từ lui nhẹ xuồng về phía sau. Bỗng một con cá bông khác nhắm vào bụng của chú Tâm vọt tới thật mạnh, nhờ bụi cỏ lác con cá trượt qua phía bên hông. Chú Tâm biết gặp cá mới đẻ hung hăng, nên lội lên bờ, vừa quay mình con cá quay đầu lại vọt thêm cái nữa, chú Tâm ngã ngang trên cỏ. Con cầm cây cù nèo phóng xuống kè chú lên bờ giồng. Con cá bông rượt theo, con cho nó một cây, nó lặn mất... 

Bác Bảy cầm cây đèn chong đến xem, thấy vết cá đâm vào hơi sưng nhưng không đến nỗi gì, xoa dầu cù là, để chú Tâm nghỉ ngơi. Sau đó, bác Bảy ngoắt anh Hai đến gần hỏi:

- Ổ cá ở đâu?

- Ở gần miệng đìa Mười Hai.

Bác Bảy nhìn ngoài trời đêm đặc quánh nói thật khẽ:

- Năm nay nghi cá bông lên quầng ổ ở khoảng đó không sai. Đìa Mười Hai nó ăn liền với lung Bồn Bồn, lung Ba Sa. Một vạt lung đìa này rộng lớn, bao trùm cả cánh đồng. Ngọn Trà Vơ Lớn chia làm ba ngánh: Lăng Cù, Ngã Giữa, Ngã Ngây. Ba ngã này ăn đi lên Đìa Gòn, Mướp Sát, Ba Đá, Ba Đốt giáp liền mấy xã Thới Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ. Phía mặt trời mọc là ngọn rạch Ông Chủ Tỵ giáp với kinh Giáo Ngánh thuộc đất Bác vật Lang, bên này là Hội đồng Phuông.

- Sao ba đoán biết có ổ cá bông trúng phóc? - Anh Hai hỏi.

- Con cá lóc, cá rô, trời mưa lớn là có trứng. Cá bông lại khác. Nó là loài cá sông sống ở độ nước sâu hơn. Khi mình phát đất liền để cấy, khoảng tháng sáu âm lịch cá bông mới có trứng, nó theo lung đìa quầng ổ đẻ con. Đến tháng mười theo nước rút xuống sông. Bình thường nó đã hung dữ rồi, khi đẻ con, nó dữ gấp mười lần. Cho nên nó rượt cắn tụi bây là phải. Cá bông là loài dữ, ăn mồi sống nên hai hàm của nó chôm chổm bén nhọn. 

- Cá bông lớn hết cỡ bao nhiêu ký lận ba?

- Ở đâu thì không biết chớ ở vùng mình thì cá lớn nhất bằng bắp vế, khoảng 7-8 ký lô trở lại. Từ khi nó đẻ tháng sáu đến tháng mười xuống sông, con khoảng ký lô. Sống sót qua năm sau lên đồng lớn gấp ba lần. Con cá cái lớn hơn con đực. Con đực đẹp lắm, kỳ vi đỏ xanh óng ánh, mình có sọc xanh, sọc đỏ, sọc trắng, luôn thay đổi. Khi nó tấn công con mồi hoặc người, đầu nó phùng ra như cá lia thia nên nhiều người thấy nó mà khiếp sợ. Hồi lúc ba khoảng tuổi tụi con, vào tiết tháng mười nước vực người ta che tum (lùm) dọc theo kênh rạch ngồi đâm cá bông.

- Làm sao đâm được ba?

- Con cá bông có đặc điểm cứ năm, mười phút phải lên ngớp lấy hơi một lần, nó lựa dưới bóng râm lên ngớp. Mình đợi, phải thật bình tĩnh đâm mới được. Khi thấy nó trừng cái đầu lên mà vội đâm là trật, vì vẩy của nó cứng lắm. Đợi nó nhẹ nhàng hớp hơi quay mình trở xuống thì đâm ngược vẩy, mỗi cái mỗi con. Một con nước, người ngồi lùm đâm có thể được vài chục ký cá, khỏe ru. Khi nó còn là ròng ròng đi ăn theo đàn, lên dọi một lần vài chục con thôi, thay phiên nhau lên ngớp. Còn ròng ròng của cá lóc thì ăn móng nguyên bầy. Nên từ xa, người ta có thể phân biệt được cá lóc hay cá bông.

Bác Bảy và anh Hai nói chuyện một hồi, mới dặn chị Hai: “Ba giờ khuya nay con thức dậy nấu cơm, ba với thằng Hai đi lên ruộng sớm”.

***

Mọi thứ đã chuẩn bị xong, bác Bảy bơi mũi, anh Hai chèo lái. Chưa yên lòng, bác Bảy vô mui xem lại cần, lưỡi câu, dây phòng bị, lắc lắc cái vỏ đựng 7 con vịt con vừa bằng cườm cẳng. Trời vừa hửng sáng, bác Bảy cũng vừa tới đìa Mười Hai. Từ xa, bác đã nhận ra vị trí ổ cá bởi nghe nó đang ầm đùng rượt đuổi. Bác dặn anh Hai:

- Con chống xuồng thật êm, nhanh lên, tranh thủ nó còn đói mồi. Nó no rồi chỉ vẩy đuôi để doạ nạt cá khác đến gần chớ không cắn câu.

Thừa cơ hội cá đói mồi. Bác Bảy đứng trước mũi ghe, cần câu trên tay, con vịt được buộc phía trên lưỡi câu một chút. Cá nghe động, chia nhau bảo vệ ổ con. Bác Bảy ra dấu cho anh Hai dừng lại, chân đứng chữ đinh nhắm vị trí, từ từ thả con mồi xuống. Mồi chưa chạm mặt nước, bác Bảy nghe một cái ủm... Nước tung tóe, lưỡi câu bị nước quạt vạt qua một bên, con vịt chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi mất hút dưới mặt nước. Cần câu nhẹ cẫng trên tay bác Bảy. Anh Hai nóng ruột bước lên phía mũi. Bác Bảy lệnh:

- Yên! Đứng tại chỗ!

Bác Bảy mở giỏ, lôi con vịt thứ hai, lần này Bác kéo lưỡi câu thật sát dưới bụng con vịt. Chuẩn bị sẵn để đó, kéo gói thuốc rê ra vấn đốt. Mặt nước phẳng lặng như tờ. Cặp cá bông trừng lên gần mũi ghe như thách thức. Anh Hai hối Bác Bảy thả câu xuống.

Bác Bảy chăm chú nhìn cặp cá bông lội tới lui song song với nhau, bác thả con vịt cách ổ chừng ba mét, từ từ kéo vô ổ. Một tiếng ủm thật lớn, nước tung lên, con vịt văng lên cỏ lác. Mặt nước sôi động mạnh. Bác Bảy bình tĩnh kéo con vịt xuống mặt nước. Chừng như cặp cá bông linh tính biết được có lưỡi câu, nó không táp con mồi như thường khi mà chỉ dùng đuôi đánh vạt con vịt ra khỏi ổ, Bác Bảy nói với anh Hai: “Con cá đực đã lót dạ con vịt rồi nên no mồi. Còn con cá cái thì thời gian này nó nhịn đói”.

- Chẳng lẽ nó nhịn thèm hoài sao? Để con. Vừa nói anh Hai bước tới trước mũi ghe, giành cần câu trên tay bác Bảy. Anh Hai kéo con vịt lội quanh ổ cá hai vòng mà nó vẫn êm ru. Anh kéo vòng thứ tư, bỗng một tiếng ủm, nước không tung lên mà chỉ sôi bọt, cần câu liệt xuống. Anh cố giữ lấy sức bình sinh bật cần câu lên. Vút! Lưỡi câu vèo trên không, con vịt chết đơ văng lên cỏ, hai cái giò cụt mất. Bác Bảy nói:

- Nó cắn cụt giò vịt chớ không cắn câu. Thôi! Nghỉ ăn cơm con ơi, chạng vạng mình tính.

Trời xế chiều, bác Bảy nói với anh Hai:

- Còn cơm nguội, đem ra ăn ba hột cho vững dạ, bữa nay mình về nhà tối lắm!

“Cúm núm… cúm núm”. Tiếng kêu dội vào mặt nước, báo hiệu một ngày sắp hết. Bác Bảy bịt lại chiếc khăn trên đầu, nói:

- Trời chạng vạng, cá bông thường táp hỗn. Bữa nay phải bắt cho bằng được!

Bác Bảy lôi con vịt ra khỏi giỏ làm cái vòng vào sợi dây câu cho chặt. Còn phần giò vịt thì Bác kiếm cọng cỏ thật nhỏ, quấn lưỡi câu vào. Bác Bảy đứng trước mũi thủ thế. Vừa thả con vịt xuống, một tiếng “hực” dưới mặt nước nghe gọn lỏn, con vịt kêu thất thanh, cần câu tuột khỏi tay bác Bảy.

- Dính rồi con ơi!

Anh Hai phóng lại mũi xuồng tiếp bác Bảy hỏi:

- Cá lôi mất cần câu rồi sao ba.

- Mất đâu mà mất, cho nó lôi cho đã đi, thấm mệt nó như khúc củi, mình lần theo kéo lên xuồng chớ gì.

Quả đúng như vậy, lưỡi câu bằng thép, móc sâu vô má đào làm sao cá chịu nổi lâu dài. Bác Bảy phóng xuống ôm con cá bỏ lên ghe dài thậm thượt. Nhìn con cá sắc màu sặc sỡ, Bác Bảy nói:

- Đúng là cá bông gấm rồi. Khi con cá lớn đúng hết cỡ mới hiện đủ màu sắc, đẹp mượt mà như nhung nên người ta gọi nó tên này.

Nhìn xuống mặt nước, đồng cỏ xanh rờn rợn, Bác Bảy nói:

- Thôi dìa con ơi!

- Còn một con nữa mà ba.

- Để cho nó nuôi con.

Bóng đêm trùm xuống, đồng vắng mênh mông. Bác Bảy về tới nhà khuya lơ, khuya lắc. Bác biểu anh Hai:

- Lấy cái mái đầm mười hai giạ thả vô rọng mới vừa.

***

Bây giờ, cá bông gấm gần như được sinh ra trong môi trường nhân tạo, và ăn những thức ăn chế biến nên cá không hung hãn như khi còn hoang dã.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cá bông gấm