09/11/2013 - 22:09

Búng Bình Thiên

"Búng" theo tiếng địa phương có nghĩa hồ hay đầm, "bình" là do mặt nước trong búng lúc nào cũng trong xanh yên ả, "thiên" có nghĩa là trời, xuất phát từ truyền thuyết dân gian về sự ra đời của hồ này. Búng Bình Thiên tức là "Hồ nước trời" (hồ nước thanh bình do trời ban), thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nằm giữa ba xã biên giới Khánh An, Khánh Bình và Nhơn Hội. Mặt nước Búng Bình Thiên luôn xanh trong, phẳng lặng quanh năm mặc dù thông với dòng Bình Di đục ngầu phù sa.

Diệu kỳ dòng nước gạn đục, khơi trong

Đến nay chưa ai xác định nguồn gốc Búng Bình Thiên, chỉ biết rằng ở các làng Chăm quần tụ quanh búng, có truyền thuyết kể rằng, cuối thế kỷ thứ 18, tướng quân nhà Tây Sơn là Võ Văn Vương kéo quân về An Giang. Ông đã chọn vùng đất này làm căn cứ để trữ lương thảo, rèn binh mã. Mùa khô, khu vực này là một vùng đất khô cằn, thấy binh sĩ thiếu nước trầm trọng, ông liền lập đàn làm lễ tế cáo trời đất, xin ban cho nguồn nước. Làm lễ xong, ông rút gươm đâm thẳng xuống đất. Khi lưỡi gươm cắm xuống mặt đất thì một dòng nước ngọt trong lành trào lên, tràn ngập thành hồ như ngày nay. Tên Búng Bình Thiên cũng là do tướng quân Võ Văn Vương đặt.

Bè nuôi cá được người dân ấp Búng Lớn đặt trên mặt Búng.

Búng Bình Thiên cung cấp nước ngọt quanh năm cho nhân dân trong vùng, cũng là nơi có trữ lượng thủy sản bậc nhất vùng biên giới. Búng Bình Thiên rộng 300 ha vào mùa khô, 900 ha vào mùa nước nổi, có độ sâu trung bình 4 mét, gồm 2 hồ: Búng Bình Thiên lớn và Búng Bình Thiên nhỏ (người dân địa phương quen gọi là Búng Lớn và Búng Nhỏ). Hiện tượng nước hồ luôn trong xanh (trong khi các kênh rạch ở gần đó lại đục ngầu phù sa) và nước ở búng cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy, vẫn chưa có giải thích cụ thể. Cho đến hiện tại, chỉ có một cách lý giải thuyết phục rằng điều kỳ lạ này là do địa hình đặc biệt của Búng Bình Thiên: lòng búng rất lớn, nhưng miệng búng thì nhỏ, chỉ vừa vặn cho một chiếc cầu bê tông bắc ngang len lỏi giữa các khu dân cư san sát quanh búng, nên mới có hiện tượng nước không chảy. Cũng có giả thiết của người Chăm quanh búng cho rằng trong lòng hồ có loại tảo có khả năng tự làm sạch nguồn nước. Thảm thực vật đặc biệt lơ lửng trong hồ này có tác dụng như một túi lọc tất cả cặn phù sa khiến màu nước luôn trong xanh và mặt nước yên ả, thanh bình.

Thơ mộng cảnh sắc, chan hòa tình quê

Búng Bình Thiên là một thắng cảnh tự nhiên, quanh năm nước trong xanh, nắng vàng phản chiếu mặt nước và gió lộng bốn bề. Được ví như biển hồ của Vương quốc Campuchia, Búng Bình Thiên còn là "cái rốn" cho cá tôm của vùng sông Hậu sinh sản, nhất là vào mùa nước nổi. Chạy dài theo Búng Bình Thiên là đường lộ khá lớn, với những nhà sàn đặc trưng của người Chăm và những vườn cây tươi tốt cho hoa thơm, trái ngọt quanh năm. Đồng bào sống quanh búng còn cất bè nuôi cá rô phi, cá lóc, cá tra, cá ba sa, cá điêu hồng; hoặc họ sống trên ghe, cuộc sống sinh hoạt thường diễn ra trên mặt nước. Đây là điểm du lịch lý tưởng vì cảnh quan vẫn còn nguyên sơ và những món ăn dân dã, đậm chất của một thời ông cha đi mở cõi như:  lẩu mắm, cá linh kho lạt, chuột nướng, canh chua bông súng, bông điên điển, cá lóc nướng trui, cá tra kho, cá rô đồng chiên giòn...

Cuộc sống của đồng bào trên mảnh đất ven bờ Búng Bình Thiên cũng thanh bình như chính dòng nước phẳng lặng như gương của búng. Quanh búng có khoảng 795 hộ dân gồm dân tộc Kinh và Chăm sống xen kẽ, chan hòa cùng nhau. Họ sống  hiền hòa, bình dị và rất thân thiện với khách phương xa. Đồng bào Chăm chủ yếu quần cư ở ấp Búng Lớn (ven bờ Búng Bình Thiên), xã Nhơn Hội với nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và nuôi trồng, khai thác thủy sản tại búng, rất ít người đi làm ăn xa. Anh Quách Văn Nè, Trưởng ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, cho biết: "Mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Chăm quanh búng đều diễn ra tại Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khai Ryah. Thánh đường còn là nơi truyền dạy kinh thánh và kiến thức phổ thông cho thanh thiếu niên".

Rộn ràng liên hoan văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên năm 2013.

Với cảnh sắc thơ mộng, hữu tình đặc trưng vùng sông nước miền Tây, Búng Bình Thiên cũng là địa điểm ưa thích của các tay săn ảnh phong cảnh khắp cả nước và du khách nước ngoài. Ông Mach Sanes, người đi đầu trong số những người Chăm tham gia làm du lịch mùa nước nổi ở Búng Bình Thiên, hiện là Phó Giáo cả của thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khai Ryah, cho biết: "Những năm gần đây, chúng tôi chính thức làm du lịch với nhiều dịch vụ: cho thuê trang phục, chụp hình lưu niệm, đưa, đón khách tham quan búng, tổ chức các dịch vụ ăn nghỉ tại nhà. Mặc dù cung cách phục vụ chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng sự chân chất, thật thà khiến nhiều du khách hài lòng".

Để quảng bá tiềm năng du lịch rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, từ năm 2006, hằng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang tổ chức Liên hoan văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên với chương trình nghệ thuật đặc sắc, sân khấu ngoài trời, dựng ngay trên mặt Búng Bình Thiên với lồng đèn, thuyền hoa rực rỡ, khung cảnh khoáng đạt, giao hòa với thiên nhiên. Liên hoan còn tổ chức nhiều trò chơi như đua thuyền, chống xuồng trên đồng, nơm cá lóc trên ruộng, bắt lươn trong chum, đi cầu khỉ và bắt chuột trên ruộng… Liên hoan còn là dịp để bà con thể hiện sự khéo léo, tinh tế trong hội thi thuyền hoa đăng, hội thi lồng đèn, triển lãm hình ảnh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện An Phú từ ngày tái lập, trưng bày tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng trái cây. Đặc biệt, UBND huyện An Phú còn vận động và tiến hành thả cá nguồn gốc từ tự nhiên xuống Búng Bình Thiên, nhằm bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản của Búng Bình Thiên.

Trong tương lai không xa, Búng Bình Thiên sẽ trở thành khu du lịch bảo tồn văn hóa, tự nhiên, nghỉ dưỡng và giải trí nằm trong tuyến du lịch thuộc khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình kết hợp với các điểm du lịch hành hương là Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu và các núi thuộc vùng Bảy Núi.

Chia tay với đồng bào Chăm ở Búng Bình Thiên, chúng tôi còn nghe văng vẳng những câu hát thiết tha trong bài "Tiếng trống Pa ra nưng" của cặp nam, nữ người Chăm hát phục vụ du khách: "Pa ra paranưng, ôi tiếng trống ru lòng tôi/Ru êm ru êm con thuyền mênh mông bờ sông vắng/Pa ra paranưng, ôi tiếng trống những chàng trai, thương ai thương ai đợi chờ, thoi đưa bóng dừa xa/Tôi yêu tiếng em ca/Tôi yêu paranưng…" .

Bài, ảnh: CHIẾN KHU
(Trợ lý Thanh niên BĐBP tỉnh An Giang)

 

Chia sẻ bài viết