28/01/2018 - 08:51

Bức thư trong mùa sầu đâu 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy 

“… Mẹ hứa sẽ về mà mãi vẫn chưa chịu về. Con chờ, đã mấy cái Tết đi qua. Năm nào con cũng bắc ghế ra trước cửa nhà ngồi đợi mẹ…”.

Lá thư kết thúc, Nhĩ lau nước mắt rồi tỉ mẩn xếp lá thư lại bỏ vào trong phong bì. Xong xuôi, Nhĩ đạp xe ra bưu điện xã gửi lá thư về địa chỉ đã thuộc nằm lòng. Năm nào Nhĩ cũng gửi, rồi lại đợi. Đợi người không thấy thì Nhĩ đợi thư. Hôm nào Nhĩ cũng đạp xe ngược ra bưu điện hỏi xem mẹ có gửi thư về cho Nhĩ hay không. Không có thư, Nhĩ tiu nghỉu dắt xe đạp về nhà mà tuôn trào nước mắt…

*****

Nhĩ vẫn thường đợi mẹ trong những sáng gió bấc xập xòe trên ngọn cây trước nhà. Trời càng lạnh, lòng Nhĩ càng bồi hồi, nôn nao. Không khí Tết đã quanh quẩn đâu đó trong xóm, từ những âm thanh rộn rã nói cười, tiếng người xôn xao đi chợ mua bánh mứt, mấy đứa trẻ chạy khắp xóm khoe quần áo mới. Nhìn lũ trẻ xúng xính trong bộ đồ Tết xanh đỏ, Nhĩ thoáng mủi lòng, rồi chống tay lên cằm nhìn bằng đôi mắt khao khát. Đã lâu rồi Nhĩ không có niềm vui như những đứa trẻ khác mỗi độ xuân về. Một chút buồn, một chút thiếu thốn khó tả. Nhà ngoại nghèo, ngoại lại già nua lưng còng tóc bạc. Với Nhĩ, cơm ngày hai bữa là đã đầy đủ lắm rồi, đòi hỏi chi áo quần, giày dép để bà ngoại thêm cơ cực.

Hết lớp hai, ngoại bệnh nhiều, Nhĩ nghỉ học. Nhiều lần cô giáo đi đò vào trong xóm ghé nhà động viên Nhĩ đến trường. Nhĩ nói:

- Ngoại con bệnh rồi, con đi học thì ai chăm ngoại cô ơi…

Cô giáo quay sang bà ngoại đang ngồi khâu lại chiếc áo cũ rách vai, lưng tựa vào vách, ngoại nói bằng giọng trầm buồn:

- Mẹ thằng Nhĩ đi làm xa vẫn chưa về, nhà có mỗi mình tôi với Nhĩ, nên cháu nó mới quyết ở nhà với tôi. Qua cơn bệnh này, tôi khuyên Nhĩ đi học lại liền…

Nghe ngoại nói, lòng cô giáo bời bời. Một lúc sau, cô về, Nhĩ tiễn cô xuống tận bến sông để cô đi đò về bên kia thị xã. Tuy quyết như vậy, nhưng Nhĩ buồn. Nhĩ đã quen nhịp điệu: sáng dậy sớm, hấp lại nồi cơm, kho mẻ kho quẹt hay nướng con cá khô, vội vã ăn để còn ra bến đón đò đi học. Sáng nay Nhĩ ngồi nhóm lửa, sực nhớ đã nghỉ học, không còn sáng sớm đến trường như lúc trước, Nhĩ buồn hiu, trở vô trong buồng kéo mền đắp kín đầu cho đến khi mặt trời nhú lên phía đồng xa hun hút…

Đêm, tiếng nhạn kêu thẽ thọt vọng về. Làng quê tĩnh lặng đến mức Nhĩ nghe cả tiếng nước chảy trên dòng sông đổ dần về cửa lớn. Nhĩ khêu lại ngọn đèn cho sáng, khệ nệ bưng ấm trà nóng rót ra cái tách để ngoại uống thuốc, rồi lên võng nằm lắc lư. Chiếc bóng chập chờn trên vách. Ngoại nhìn Nhĩ, đặt cái áo đang vá xuống:

- Nhĩ à, hay mai biên thư hỏi xem mẹ con giờ đang ở đâu. Lâu quá nó không về, ngoại nhớ! – Ngoại sực nhớ ra điều gì rồi gương mặt thoáng buồn - Ừ, mà có biết mẹ con ở đâu mà gửi thư. Mấy năm rồi còn gì…

Sở dĩ ngoại nói như thế vì chuyện Nhĩ viết thư cho mẹ là một bí mật. Thấy sáng sáng Nhĩ thường lấy xe đạp đi một đỗi rồi về, ngoại cứ tưởng Nhĩ lén đi chơi, la Nhĩ mấy tiếng rồi thôi. Nhĩ buồn nên không nói với ngoại chuyện những lá thư đi không hồi đáp. Nhĩ nói khẽ:

- Con có cảm giác lạ lắm ngoại à! Chắc là cuối năm nay mẹ về.

Tự dưng Nhĩ buồn, nghe tiếng chim kêu, tiếng gió phần phật vào vách nhà mà Nhĩ sợ mình hy vọng rồi lại thất vọng, chờ mong rồi lại xốn xang cõi lòng khi đêm giao thừa chỉ có hai bà cháu thui thủi bên nhau. Có cái Tết nào với Nhĩ là đong đầy trọn vẹn?

Nhĩ cứ nhớ mãi cái ngày mẹ rời nhà ra đi. Nhĩ khóc mướt, ban đêm Nhĩ ôm chầm lấy mẹ, sợ mình thức dậy không thấy mẹ bên cạnh, không còn hơi ấm đôi tay chai sần vỗ về Nhĩ. Ngày mẹ dắt tay Nhĩ trở ngược dòng sông về với căn nhà lộng gió, Nhĩ thấy nước mắt mẹ lã chã rơi. Giữa đồng có cây sầu đâu cao vút, đầu mùa lá xanh, cuối mùa lá rụng, cành khô gầy rung rinh trong gió bấc. Hoa sầu đâu khẽ rụng trên vạt cỏ úa màu. Mẹ đứng lại, nhìn cây sầu đâu một lát. Ngày ba đón mẹ về nhà, đoàn rước dâu rộn rã pháo nổ giòn rụm ngang qua cây sầu đâu này, hoa rụng trên tóc cô dâu của mẹ. Bây giờ mẹ dắt Nhĩ về lại xóm xưa, lòng mang nặng nỗi đau của một cuộc hôn nhân vỡ tan, ly biệt. Ngày mẹ về làng, sầu đâu không ra hoa, trụi lá. Thấy mẹ buồn, Nhĩ im lặng, chỉ biết cúi xuống lượm một bông sầu đâu còn sót lại trên mặt đất, đưa lên mũi hít hà hương thơm nấn ná lúc mùa trôi qua.

Hôm Nhĩ nghe lén mẹ với bà ngoại nói chuyện. Mẹ nắm tay ngoại, nói khẽ:

- Chắc con phải đi làm thôi mẹ, chỉ có đi làm mới đủ tiền nuôi thằng Nhĩ lớn khôn. Ở đây ròng rã cũng chẳng đủ no lòng, chỉ làm mẹ thêm khổ.

Ngoại gạt ngang:

- Bây nói vậy nghe sao được? Bây là con là cháu, mẹ thương. Đi làm khổ lắm con ơi.

- Con đã tính rồi, đi cùng con có các chị xóm bên, chăm chỉ mấy năm hy vọng cuộc sống khá hơn, con cũng quên đi nỗi buồn đã qua.

Ngoại thinh lặng. Nhĩ xông vào ôm mẹ khóc ròng, mẹ dỗ dành:

- Nín đi con, cuối năm mẹ về với bà, với con. Nhất định mẹ sẽ về, mẹ hứa.

Nhĩ dụi đầu vào ngực mẹ như một con mèo ngoan.

Ngày mẹ đi đúng mùa sầu đâu ra hoa, gió thổi, từng đợt mưa hoa sầu đâu rụng xuống bãi cỏ xanh màu mây trời. Nhĩ với ngoại đưa mẹ ra tận đầu xóm, họ đi ngang qua cây sầu đâu, mùi thơm của hoa ngọt ngào. Mẹ qua đò, chiếc đò trở mũi ra xa Nhĩ vẫn còn thấy chiếc áo bạc màu của mẹ ánh lên trong nắng trưa. Tay mẹ vẫy vẫy, mắt mẹ nhòe nhòe, mẹ nói vọng lại mấy câu trước khi đò sang bờ bên kia, dòng sông đỏ nặng phù sa, xôn xao sóng biếc:

- Hai bà cháu ở lại mạnh giỏi. Chờ mẹ nghe, Nhĩ!

Nhớ lại ngày đó, Nhĩ nằm mà nước mắt rơi ướt cả gối, lầm bầm: “Mẹ đâu có giữ lời hứa, mẹ nói mẹ về mà mấy năm rồi mẹ cũng đâu có về”. Ngoại nghe tiếng sụt sùi thì hỏi:

- Bộ khóc hả Nhĩ?

- Đâu có đâu ngoại – Nhĩ chối – Con bị cảm nắng thôi.

- Gạt ngoại hoài, trời này gió bấc lạnh gần chết, nắng nôi gì?

Nhĩ không nói nữa, Nhĩ kéo mền trùm kín người rồi nỗ lực ru mình vào giấc ngủ để sớm mai lại chạy ra bưu điện chờ thư. Đợi với chờ, hình như đó là quy luật mà cuộc sống không thể nào thiếu được…

******

Lá thư cuối cùng trong năm Nhĩ viết cho mẹ, dòng tái bút, Nhĩ ghi:

“Mẹ ơi, về nhanh đi mà mẹ. Ngoại già rồi, như cây đờn sắp đứt dây. Trời lạnh, cơn ho sù sụ cứ hành hạ ngoại. Mẹ ở đâu, về với con và ngoại đi mẹ...”.

Nhĩ viết gửi cả nhớ thương và dòng nước mắt hoen mờ nét chữ. Nhĩ không hy vọng nhiều bởi Nhĩ sợ mình lại thất vọng. Không biết ngoại còn sống cùng Nhĩ qua bao nhiêu cái Tết, nên Nhĩ tranh thủ từng phút ở bên ngoại để ngoại vui, không lén lau nước mắt nữa. Nhĩ thầm mong mẹ bình an, về thì vui mà không về cũng được, miễn là mẹ Nhĩ sống vui trong cuộc đời mới, không thương đau, không còn nhọc nhằn gian khổ.

Lá thư cuối cùng theo chiếc xe đạp cũ kỹ ra bưu điện, vượt hàng trăm cây số đến một nơi xa xôi, mù tít.

Chiều nay, ngoại ngồi trước nhà giẫy mấy búi cỏ mọc hoang. Đôi mắt người già tèm nhem bỗng nhìn thấy bóng ai chập chờn trên con đường mòn về xóm. Một nỗi niềm hạnh phúc dâng trào trong lòng ngoại, bờ lưng ấy - cao cao mà hao gầy như đã gánh thời gian đi qua khổ đau, gian khó. Ngoại bỗng mếu máo gọi với:

- Nhĩ ơi, Nhĩ… Ra coi nè con! 

Chia sẻ bài viết