20/12/2007 - 21:33

Bảo hiểm y tế tự nguyện

"Bùa hộ mệnh" cho bệnh nhân ?

Thời gian qua, qui định về tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) trong xã, phường, thị trấn, trường học và gia đình làm nhiều người không mua được thẻ BHYT, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ngày 10-12-2007, Thông tư liên tịch số 14/2007/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC mở ra cho những bệnh nhân BHYT, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo có được tia hy vọng mới.

Bệnh tật “nuốt” hết gia sản!

“Vé số đây... Chủ nhà ơi, ra lãnh số đặc biệt đi...” - tiếng rao yếu ớt của người đàn bà tuổi trạc 60 như lạc lỏng giữa trưa nắng. Với câu mời mua vé số như vậy, ngày nào bà cũng đến gõ cửa những người hàng xóm tốt bụng mua giúp 1, 2 tờ vé số. Nhiều hôm, không đủ vốn, bà chỉ lấy 5 đến 10 vé, bán hết, bà mới lấy thêm. Bà là Nguyễn Thị Ánh, mẹ của bệnh nhân suy thận mãn Phạm Hoàng Hoa Cẩm Tú, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

Chi phí mỗi lần lọc thận là gánh nặng đối với bệnh nhân suy thận mãn không có BHYT. Ảnh: ĐOÀN LÝ 

Mấy năm trước, gia đình bà Ánh đã bán đi căn nhà có giá trị nằm trong trung tâm thành phố để về ở trong căn nhà nhỏ. Số tiền còn lại đủ để gia đình trả nợ, tiếp tục chạy chữa cho Tú và mua bán nhỏ. Thế nhưng, vốn liếng, tiền lời kiếm được từ tiệm tạp hóa của gia đình cũng không đủ đổ vào các chi phí chữa bệnh cho Tú. Khi có chủ trương bán BHYTTN rộng rãi trong nhân dân, bà Ánh đã mua được thẻ BHYT cho Tú nhưng nó cũng không thấm tháp vào đâu. Chi phí thuốc men phát sinh, đi lại, bồi bổ sức khỏe... trong quá trình điều trị cũng đủ làm gia đình bà kiệt quệ. Những món đồ có giá trị trong nhà phải lần lượt “đội nón” ra đi theo những đợt lọc thận của Tú. Một lần nữa, bà Ánh treo bản “bán nhà”. Bà Ánh nói trong nước mắt: “Chỉ 4 năm con ngã bệnh mà gia đình đã ra nông nỗi. Khó khăn lắm tôi mới “chạy” được cái thẻ BHYT cho con. Tôi sợ khi hết hạn không biết có “chạy” được nữa hay không. Nghe thông tin mới là sau này mua BHYT sẽ dễ hơn, tôi mừng lắm. Người ta có tiền đăng ký chạy thận dịch vụ, lựa chọn loại thuốc tốt cho con, còn tôi giờ chỉ trông chờ vào thẻ BHYT thôi”.

Bà T. T. T., ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, mắc bệnh ung thư cổ tử cung khoảng 3 năm nay, đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cũng đang đứng trên bờ vực phá sản. Thời gian đầu không có BHYT, chữa trị đến hết tiền dành dụm, không còn đường xoay xở, ông N. H. Th. - chồng bà, đã đem cầm căn nhà để tiếp tục chạy chữa cho vợ. Đến khi có chính sách BHYTTN, ông mua ngay cho vợ, những tưởng đã tìm được “bùa hộ mệnh” nhưng lại phát sinh chi phí thuốc điều trị ngoài danh mục bảo hiểm. Rồi chẳng được bao lâu lại có qui định mới về điều kiện mua BHYTTN (100% thành viên hộ gia đình, ít nhất 10% số hộ gia đình trong phạm vi địa bàn xã, phường, thị trấn tham gia BHYT - Thông tư liên tịch số 06/2007/ TTLT-BYT-BTC) khiến ông Th. không thể mua BHYTN cho vợ được nữa.

Ông Th. bộc bạch: “Tôi làm việc hưởng lương Nhà nước, gói gém lắm gia đình mới có dư chút đỉnh. Vợ tôi lâm bệnh chẳng bao lâu thì tiền dành dụm hết sạch. Tôi định bán căn nhà để trả nợ và tiếp tục chữa trị cho vợ nhưng cũng không biết... có qua khỏi hay không. Tội nghiệp, vợ tôi hết nuôi chồng, nuôi em, rồi đến nuôi con ăn học thành tài. Bà ấy chưa có được một ngày sung sướng...”.

Niềm hy vọng cho bệnh nhân nghèo

Bà Phạm Thu Cúc, ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), một trong những người từng bức xúc trước qui định về điều kiện mua BHYTTN tại Thông tư liên tịch số 06/2007/ TTLT-BYT-BTC, nói: “Bởi vướng qui định phải có 10% hộ dân trong xã đăng ký mua BHYT mới bán nên trong xóm tôi, nhiều người đã đăng ký mua BHYT nhưng chờ hoài vẫn không có thẻ”.

Trong lúc dư luận bức xúc trước tình trạng trên thì ngày 10-12-2007, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2007/TTLT-BYT-BTC (gọi tắt là Thông tư 14) hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC (gọi tắt là Thông tư 06). Thông tư 14 qui định bãi bỏ điều kiện 100% thành viên hộ gia đình, 10% số hộ gia đình trong phạm vi địa bàn xã, phường, thị trấn và 10% số học sinh, sinh viên trong danh sách học sinh, sinh viên của nhà trường tham gia.

Bà Nguyễn Kim Tuyến, Trưởng trạm Y tế xã Mỹ Khánh, nói: “Với điều kiện qui định ở Thông tư 06, xã không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bán bảo hiểm năm 2007. Trong khi đó, người dân lại bức xúc vì không mua được thẻ BHYT. Qui định mới ở Thông tư 14 mở ra nhiều hy vọng được chăm sóc sức khỏe cho người dân. Biết được thông tin này, bà con trong xã mừng lắm”.

Nếu như năm 2006, tại TP Cần Thơ, số người tham gia BHYTTN vượt chỉ tiêu kế hoạch năm (25.483 người/20.000 người) thì trong năm nay (tính đến ngày 5-12) chỉ có 648 người mua BHYT theo hộ gia đình, chỉ bằng 18,5% kế hoạch. Đến giữa tháng 12-2007, chỉ có 5 đơn vị xã, phường trên địa bàn thành phố vận động đạt 10% hộ dân tham gia BHYTTN. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Qui định ràng buộc tỷ lệ phần trăm người tham gia và mức giá BHYTTN tăng gấp đôi so với mức cũ nên người dân khó mua BHYT. Vì vậy, đến nay thành phố chưa đạt chỉ tiêu bán BHYTTN”. Được biết, một số người dân có tâm lý có bệnh mới mua BHYT. Do đó, số lượng mua BHYT còn ít và dẫn đến âm quỹ BHYTTN. Năm 2007, ước thực hiện BHYTTN cho học sinh, sinh viên, nhân dân trên địa bàn thành phố đã âm 21 tỉ đồng.

Hiện nay, các bệnh viện đều có khoản kinh phí dành cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng không thể gánh hết số bệnh nhân khó khăn, đặc biệt là những bệnh hiểm nghèo như: ung thư, suy thận, tim, bệnh về máu... Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn chiếm khoảng 5%, tập trung nhiều ở khoa nhiễm, khoa sơ sinh. Những bệnh nhân có sổ hộ nghèo hoặc có xác nhận của địa phương sẽ được xét miễn, giảm viện phí. Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: “Bệnh viện đã có nhiều hình thức như tạo nguồn quỹ, huy động một số nhà hảo tâm nhằm thường xuyên giúp đỡ những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng, cũng không thể lo hết được. Nếu có BHYT thì gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí”.

Thẻ BHYT được xem như chiếc “phao” cứu hộ cuối cùng để những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân nghèo bám lấy. Thế nhưng, trên thực tế nó cũng không là “bùa hộ mệnh” cho tất cả bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo. Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ, nơi đây đang chờ Công văn hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc triển khai thực hiện Thông tư 14. Hơn ai hết, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo (có không ít người đã ngưng điều trị bệnh vì chưa mua được BHYT) vẫn đang nóng lòng mong sớm được mua thẻ BHYT theo qui định mới tại Thông tư 14.

SONG KIM - HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết