22/04/2021 - 09:15

Bóng đá châu Âu “hỗn loạn” vì Super League 

Các CLB theo đuổi giải Super League vừa khẳng định với giới lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) rằng họ đã nhờ tòa án can thiệp để kế hoạch tổ chức giải đấu mới không bị phá hỏng.

Hai đội Liverpool và Real Madrid đều đăng ký tham gia giải Super League. Ảnh: NY Times

“Chúng tôi lo ngại FIFA và UEFA sẽ đáp trả thư mời bằng cách đưa ra biện pháp trừng phạt, nhằm loại bỏ bất cứ CLB hay cầu thủ nào khỏi giải đấu họ đang tham dự… Vì vậy, Công ty Super League đã đệ đơn yêu cầu tòa án bảo hộ để đảm bảo giải đấu sẽ được thành lập và hoạt động liền mạch theo luật hiện hành”, một đoạn viết trong lá thư chung của 12 CLB Super League gửi đến Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin hôm 18-4. Trước đó, 12 ông lớn tại châu Âu gồm Manchester City, Manchester United, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham, AC Milan, Inter Milan, Juventus, Real Madrid, Barcelona và Atletico Madrid thông báo sẽ thành lập giải đấu mới mang tên Super League. Ðây được xem là động thái đáp trả sau khi UEFA quyết định nâng số đội tham dự Champions League từ 32 lên thành 36 đội từ năm 2024.

Ngay lập tức, UEFA cảnh báo các đội tham dự Super League sẽ bị cấm thi đấu tại giải quốc nội lẫn các Cúp châu Âu, đồng thời dọa kiện họ ra tòa. Bước đầu, 3 liên đoàn bóng đá thành viên quan trọng nhất là Anh, Ý và Tây Ban Nha đã đạt thỏa thuận với UEFA về việc loại các đội dự Super League khỏi giải vô địch quốc gia. Trong khi đó, FIFA nhấn mạnh các cầu thủ thuộc biên chế những CLB này cũng không được phép dự World Cup. Tuy nhiên, Florentino Perez - Chủ tịch Super League và cũng là Chủ tịch của Real Madrid - tuyên bố sẵn sàng tạo ra một giải đấu khác cạnh tranh với World Cup nếu lệnh cấm được thực thi.

Theo kế hoạch, 12 đội bóng kể trên sẽ kết nạp thêm 3 CLB nữa để tạo thành nhóm sáng lập. Super League là giải đấu gồm 20 CLB, bao gồm 15 đội thường trực tham gia với tư cách thành viên sáng lập và 5 CLB khác (được lựa chọn dựa trên thành tích hàng năm). Các trận đấu của Super League (trừ trận chung kết) sẽ diễn ra vào giữa tuần, thay thế Champions League hiện nay, nên các đội vẫn có thể đá giải quốc nội vào cuối tuần. Giải đấu “ly khai” này dự kiến bắt đầu sớm nhất vào tháng 8 tới.

Dù vậy, Super League đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. “Tôi không phản đối chuyện hiện đại hóa bóng đá, nhưng đề xuất thành lập giải đấu này trong tình hình dịch bệnh là bê bối. Man United và những CLB đã đăng ký tham gia Super League nên cảm thấy xấu hổ”, cựu danh thủ người Anh Gary Neville phản ứng gay gắt. Các chuyên gia thì lo ngại Super League sẽ làm mất đi sự cân bằng tương đối của bóng đá châu Âu và khiến các đội bóng đã giàu càng giàu hơn, trong khi những đội nghèo càng nghèo đi.

Thật ra, nhóm CLB sáng lập đã nuôi mộng tổ chức Super League từ lâu. Họ muốn thay Champions League bằng một giải hấp dẫn hơn, với sự cạnh tranh của nhiều tên tuổi lớn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn. Theo tờ USA Today, nhóm 15 CLB sáng lập sẽ chia sẻ khoản trợ cấp cơ sở hạ tầng ban đầu lên tới 4,2 tỉ USD, trong đó 6 đội có tiếng nói nhất nhận 420 triệu USD/đội (nhiều gấp 4 lần số tiền có được nếu vô địch Champions League). Riêng Công ty truyền thông DAZN tuyên bố sẵn sàng trả 3,5 tỉ USD cho bản quyền truyền hình Super League.

BÌNH DƯƠNG (Theo ESPN)    

Chia sẻ bài viết