17/09/2020 - 07:32

Bóng đá Cần Thơ chuẩn bị cho cuộc chuyển giao 

Bóng đá Cần Thơ hiện nay có một đội tuyển với 27 cầu thủ do Công ty TNHH NN MTV XSKT Cần Thơ quản lý. Dự kiến đến ngày 3-10-2020, khi giải hạng Nhất quốc gia 2020 kết thúc, tất cả cầu thủ cũng hết hạn hợp đồng với CLB Bóng đá Cần Thơ. Bộ máy quản lý CLB gồm 21 cán bộ, nhân viên... dự kiến sẽ được trao về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) thành phố.

Cầu thủ XSKT Cần Thơ thi đấu tại giải hạng Nhất quốc gia 2020.

Cầu thủ XSKT Cần Thơ thi đấu tại giải hạng Nhất quốc gia 2020.

Theo ông Lê Văn Cường, nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao (TDTT) TP Cần Thơ, có 2 tình huống có thể xảy ra với việc Sở VH,TT&DL chuẩn bị tiếp nhận cán bộ, nhân viên CLB Bóng đá Cần Thơ và đội bóng đang thi đấu giải hạng Nhất quốc gia. Thứ nhất là đội bóng trụ hạng và tiếp tục thi đấu năm 2021. Thứ hai là đội bóng rớt xuống hạng Nhì, thi đấu phong trào, Cần Thơ không còn bóng đá chuyên nghiệp. Dù một trong hai tình huống xảy ra thì toàn bộ cầu thủ hiện tại đều hết hạn hợp đồng khi kết thúc mùa giải này. Vì vậy, nếu trụ hạng, đội bóng phải tuyển mới toàn bộ lực lượng cho mùa giải 2021. Còn nếu rớt hạng Nhì, tuyển cầu thủ phong trào và cầu thủ trẻ của Cần Thơ để dự giải hạng Nhì quốc gia 2021.

Về thủ tục, Công ty XSKT Cần Thơ căn cứ chủ trương chung đề nghị UBND thành phố chuyển giao CLB Bóng đá về Sở VH,TT&DL quản lý. Sau đó, Sở giao lại cho đơn vị nào thì đề xuất với UBND thành phố quyết định. Hiện tại, có hai hướng được Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông tin: Một là chuyển giao về Trung tâm TDTT TP Cần Thơ và hai là chuyển sang Liên đoàn Bóng đá Cần Thơ. Mỗi đơn vị tiếp nhận đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Phó Chủ tịch Dương Tấn Hiển phân tích: “Với mô hình chuyển giao đội bóng về Trung tâm TDTT, đây là đơn vị sự nghiệp có kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước. Trung tâm cũng có thể xây dựng đề án để khai thác cơ sở hạ tầng sân vận động Cần Thơ”. Thời gian qua, một trong những hạn chế của bóng đá Cần Thơ là chưa khai thác hiệu quả sân vận động dù đã được đầu tư nhiều. Vì vậy, Trung tâm TDTT có thể làm đề án sử dụng tài sản này để tạo nguồn kinh phí hoạt động bóng đá, bên cạnh nguồn thu từ tài trợ và quảng cáo. Tuy nhiên, ông Dương Tấn Hiển cho rằng: “Hạn chế của việc giao đội bóng về Trung tâm TDTT là giới hạn chi ngân sách theo quy định”. Trong khi đó, với mô hình chuyển đội bóng về Liên đoàn Bóng đá Cần Thơ, việc chi tiêu không vướng những quy định, phù hợp với đặc thù của môn bóng đá, bởi đây là tổ chức xã hội. Tuy nhiên, đội bóng khó có nguồn hỗ trợ từ ngân sách, trong khi chưa có hợp đồng tài trợ. Một hạn chế nữa là Liên đoàn Bóng đá không khai thác được sân vận động, mà phải thuê sân để đội bóng hoạt động.

Bên cạnh việc củng cố tổ chức lại đội tuyển, ngành Thể thao cũng quan tâm đến việc hợp nhất hệ thống tổ chức quản lý từ đội tuyển đến các đội năng khiếu, đội trẻ. Quan trọng nhất là thống nhất chương trình huấn luyện các đội theo từng lứa tuổi. Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo bóng đá trẻ, điều tiên quyết là phải có thầy giỏi. Ông Lê Văn Cường cho rằng: “Phải tuyển chọn đội ngũ có nghiệp vụ về bóng đá chuyên nghiệp. Lâu nay, Cần Thơ vướng ở chỗ hầu hết HLV đều tốt nghiệp đại học ngành TDTT nhưng chưa từng là cầu thủ chuyên nghiệp. Lực lượng này có nghiệp vụ sư phạm nhưng thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Trong khi số cầu thủ có kinh nghiệm được tuyển chọn làm HLV thì thiếu kỹ năng sư phạm. Vì vậy, tôi đề nghị tuyển những cầu thủ giỏi rồi đào tạo bổ sung nghiệp vụ sư phạm, để đào tạo bóng đá trẻ Cần Thơ”. Cũng theo ông Cường, cần tổ chức lại sân tập luyện cho hợp lý, phù hợp với điều kiện tập luyện của VĐV và liên kết với các tỉnh xung quanh Cần Thơ để xếp lịch thi đấu tập huấn thường xuyên cho các đội năng khiếu và trẻ.

Ông Dương Tấn Hiển cho rằng, điều quan trọng vẫn là phải có đề án xây dựng và phát triển bóng đá Cần Thơ chuyên nghiệp và chuyên môn cao về lâu dài. Làm sao cầu thủ trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của Cần Thơ là lực lượng chủ lực của đội tuyển bóng đá Cần Thơ.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết