Gần đây, nông dân tại các phường ven đô thuộc quận Bình Thủy đã xây dựng và phát triển được nhiều mô hình trồng nấm rơm và nấm bào ngư giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nông dân tại nhiều nơi đã liên kết lại thành lập các tổ hợp tác nhằm tạo thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo các quy trình an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Trồng nấm theo hướng "chuyên nghiệp"
Theo đánh giá của nhiều nông dân, trồng các loại nấm rơm và nấm bào ngư trên địa bàn quận Bình Thủy trong những tháng đầu năm 2016 có thể đạt thu nhập cao hơn gấp 5-6 lần trên cùng một diện tích sản xuất so với trồng lúa. Không chỉ có các hộ sản xuất nấm theo mùa vụ, ngày càng có nhiều hộ làm nghề chuyên nghiệp, tham gia sản xuất nấm quanh năm. Nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương cũng có thêm việc làm nhờ tham gia các công đoạn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nấm.
|
Nông dân tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy tận dụng các bờ đất trống để phát triển sản xuất nấm rơm. |
Anh Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, cho biết: "Nếu chất nấm theo mùa vụ lúa gồm 3 vụ chất nấm rơm /năm có thể thu lợi nhuận 20-30 triệu đồng/năm trên diện tích sản xuất chỉ một vài công đất, còn các hộ dân chất quanh năm có thể thu lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/năm trở lên. Sản xuất nấm rơm có hiệu quả nên ngày càng có nhiều hộ dân thu mua rơm từ nơi khác về để có nguồn nguyên liệu phục vụ chất nấm quanh năm". Cũng theo anh Minh, nhận thấy trong quá trình sản xuất hiện nay rất cần liên kết hỗ trợ nhau giữa các hộ sản xuất để giảm chi phí và tạo ra được sản lượng nấm lớn có chất lượng đồng đều dễ tiêu thụ, nên các hộ dân sản xuất nấm rơm ở khu vực Thới Hưng đã liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất. Hiện tại, tổ hợp tác sản xuất nấm rơm khu vực Thới Hưng có 10 hộ dân tham gia.
Thới An Đông có diện tích sản xuất nấm rơm và nấm bào ngư lớn nhất trên địa bàn quận Bình Thủy, với khoảng 107 hộ dân tham gia sản xuất nấm rơm và khoảng trên dưới 10 hộ tham gia sản xuất nấm bào ngư. Theo ông Trần Văn Lập, Chủ tịch Hội nông dân phường Thới An Đông, trên địa bàn phường cũng đã có Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm tại khu vực Thới Long với 13 tổ viên và Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm tại khu vực Thới Thạnh gồm 7 thành viên. Các hộ dân sản xuất nấm rơm có thể cung ứng ra thị trường ít nhất từ 500-1.000 kg nấm rơm/ngày. Phường cũng có một Tổ hợp tác sản xuất nấm bào ngư tại khu vực Thới Hưng với 8 hộ dân tham gia và sản lượng sản xuất nấm bào ngư tại địa phương có thể đạt trên 200 kg/ngày. Đến nay, phường Thới An Đông cũng đã xây dựng được thương hiệu tập thể cho sản phẩm "Nấm bào ngư Thới An Đông" và sản phẩm này đã được ngành nông nghiệp thành phố chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn. Ông Trần Văn Lập cho biết: "Chính quyền phường Thới An Đông đã và đang rất quan tâm hỗ trợ nông dân nhân rộng và phát triển các mô hình trồng nấm vì đã khẳng định hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy nông dân sản xuất nấm tại 8 khu vực của phường liên kết thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã để có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất. Về phía Hội nông dân phường, tới đây cũng tiếp tục quan tâm phối hợp tốt các bên liên quan để có hỗ trợ kịp thời cho nông dân về vốn, kỹ thuật
".
Triển vọng cho nghề làm nấm
Từ đầu năm 2016 đến nay, giá các loại nấm rơm và nấm bào ngư luôn ở mức cao đã giúp nông dân trồng nấm có được nguồn thu nhập khá tốt. Cụ thể, giá nấm rơm thường xuyên ổn định từ 45.000-50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 60.000-70.000 đồng/kg đối với nấm rơm loại 1. Riêng đối với nấm bào ngư xám có giá trên dưới 35.000 đồng/kg và nấm bào ngư Nhật giá khoảng 45.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với các năm trước. Đặc biệt, nông dân trồng nấm cũng có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển nghề do nhu cầu tiêu thụ các loại nấm trên thị trường ngày càng tăng, trong khi nguồn cung nấm tại địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Theo ông Lê Văn Út, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất nấm bào ngư ở khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, 8 tổ viên của tổ hợp tác đang sản xuất nấm với số lượng khoảng 120.000 bịch phôi giống/ vụ sản xuất kéo dài 6 tháng. Hiện bình quân tổ hợp tác cung ứng sản lượng nấm thương phẩm ra thị trường khoảng trên dưới 100 kg/ngày, số lượng nấm như thế này là còn rất khiêm tốn so với nhu cầu nên mới chỉ đáp ứng cho một số chợ, cửa hàng thực phẩm và siêu thị ngay tại địa bàn TP Cần Thơ. Tổ hợp tác cũng đã sản xuất phôi với số lượng khoảng 70.000 bịch/tháng để cung ứng cho người dân tại các tỉnh ĐBSCL tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, nhưng số lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Ông Út cho biết: " Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến các sản phẩm nấm bào ngư được sản xuất trong nước theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Tổ hợp tác chúng tôi dự kiến tới đây sẽ mở rộng tăng diện tích và sản lượng sản xuất nấm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường". Anh Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm khu vực Thới Hưng cũng cho biết: "Có được bao nhiêu nấm rơm là thương lái đến tận nơi để thu mua không chỉ phục vụ tiêu thụ nấm tại Cần Thơ mà còn đem đi TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh ĐBSCL. Tổ hợp tác chúng tôi cũng rất muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng còn gặp khó về vốn, về kỹ thuật và mong được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước". Theo ông Lê Thanh Phong, ngụ tổ 3, khu vực Thới Long, phường Thới An Đông, gia đình ông có 4 công đất sản xuất lúa và làm vườn. Gia đình đã tận dụng rơm rạ chất nấm rơm trên các khu vực đất trống của vườn cây, nhờ vậy mà đã có điều kiện cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, do chưa nắm vững về kỹ thuật nên nhiều lúc sản xuất nấm rơm không đạt năng suất như mong muốn, ông cũng rất cần ngành chức năng hỗ trợ thêm về mặt kỹ thuật để giúp gia đình có điều kiện phát triển nghề.
Theo Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, đầu năm 2016 đến nay, nhiều nông dân trên địa bàn quận, tập trung nhiều các phường Thới An Đông, phường Long Hòa và phường Long Tuyền, đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa và đất sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và sản xuất nấm giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích trồng nấm, nhất là nấm rơm, nấm bào ngư và nấm linh chi đã lên tới khoảng 80 ha, tăng gấp 7-8 lần so với cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: "Quận rất quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng nấm rơm và bước đầu quận cũng hỗ trợ nông dân thành lập được các tổ hợp tác sản xuất, phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tới đây, Phòng kinh tế quận sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ kịp thời cho nông dân về kỹ thuật, vốn, nguồn meo phôi đảm bảo chất lượng phục vụ vụ sản xuất nấm và kết nối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm".
Bài, ảnh: Khánh Trung