22/02/2009 - 20:13

Hàng thủ công mỹ nghệ ở Bến Tre

Biến thứ liệu từ dừa thành sản phẩm giá trị

Khách hàng chọn mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng gáo dừa tại Festival dừa tỉnh Bến Tre lần I năm 2009.

Bến Tre đang có diện tích đất trồng dừa khoảng 45.000 ha, với sản lượng trên 311 triệu trái/năm. Khai thác tiềm năng thế mạnh từ cây dừa, người dân địa phương đã cho ra đời nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của tỉnh. Đặc biệt, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) làm từ các thứ liệu của cây dừa như: gỗ, gáo, chà, lá, xơ, vỏ, trái dừa điếc... đã trở thành những sản phẩm giá trị trên thị trường trong và ngoài nước.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 47 doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất hàng TCMN. Trong đó, có khoảng 37 DN và cơ sở có mặt hàng TCMN được làm từ các thứ liệu của cây dừa. Các DN và cơ sở này nằm tập trung nhiều ở thị xã và các huyện như: Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm... Sản phẩm của nhiều DN và cơ sở không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước.

Theo ông Phạm Văn Thành, chủ một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở đường Nguyễn Huệ, thị xã Bến Tre, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề sản xuất TCMN từ dừa phát triển mạnh. Các cơ sở sản xuất hàng TCMN trong tỉnh đã biến những thứ phẩm của cây dừa vốn trước đây chỉ làm củi chụm thành những sản phẩm đặc sắc với gần 1.000 mẫu mã.

Chiếc mo nan dừa, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nó đã trở thành những đồ vật xinh xắn. Còn gáo dừa thường chỉ dùng làm củi, than, làm gáo múc nước, nay cũng được cắt, ghép tạo thành nhiều hình dáng đồ vật, con vật, hình người như: xe, thuyền, bình trà, hình các con thú, cua, ba ba, tôm, cá, cậu bé cưỡi trâu... Gáo dừa còn được các nghệ nhân làm nhiều mặt hàng TCMN khác như: tranh ghép gáo dừa, túi xách, ví, kẹp tóc, nhẫn, dây chuyền, mặt dây chuyền, mặt nạ, đèn ngủ... Trước đây cọng dừa chỉ dùng bó chổi, nay đan thành những chiếc giỏ đựng quà, những chiếc lẵng hoa xinh xắn. Cọng chà dừa được kết thành các lồng đèn và đồ vật trang trí. Trái dừa điếc bỏ phế được các nghệ nhân tận dụng làm các sản phẩm hình thú, hình người, vỏ đồng hồ thật ngộ nghĩnh. Xơ dừa (được tách lọc ra từ vỏ dừa) dùng dệt thảm, chậu trồng hoa kiểng, kết thành hình các con thú... Gỗ dừa, trước đây chủ yếu phục vụ trong xây cất nhà cửa, nay được sử dụng làm nhiều sản phẩm đồ gia dụng và vật trang trí như: chén dĩa, nĩa, đũa, bộ bình trà, bình hoa, bình rượu, hộp nữ trang, gạt tàn thuốc, mô hình các loại xe, tàu, thuyền...

Giá bộ bình bằng gỗ dừa gồm 1 bình và 4-6 cái ly đang ở mức 160.000-170.000 đồng/bộ (giá bán lẻ tại nhiều cửa hàng ở thị xã Bến Tre). Giỏ bằng gáo dừa 50.000-60.000 đồng/cái; bình đựng bình trà dán gáo dừa mặt ngoài: 80.000 đồng/bình; nĩa và muỗng bằng gỗ dừa: 8.000-12.000 đồng/cái, đũa 14.000-21.000 đồng/chục; các sản phẩm hình các con vật (như trâu, chuột, heo...) phổ biến khoảng 18.000-35.000 đồng/sản phẩm; giá các mô hình đồ vật như: xe gắn máy, xe xích lô, thuyền... ở mức 70.000-95.000 đồng/sản phẩm.

PHÁT HUY TIỀM NĂNG

Đầu năm 2009, lần đầu tiên Bến Tre tổ chức lễ hội lớn để giới thiệu riêng về cây dừa và các sản phẩm từ dừa, trong đó tập trung giới thiệu nhiều sản phẩm hàng TCMN từ dừa. Sự kiện này đã giúp cho các cơ sở sản xuất TCMN trong tỉnh có cơ hội giới thiệu đến công chúng về ngành sản xuất TCMN của tỉnh cũng như các tinh hoa và sản phẩm đặc sắc làm từ dừa. Có nhiều sản phẩm đặc sắc được giới thiệu tại lễ hội như: tấm thảm bằng xơ dừa lớn và dài nhất (dài 12 m, ngang 6m) của DNTN Thanh Bình (ở Châu Thành); bình trà bằng miểng gáo dừa cao 3m của DNTN Thanh Liêm (Mỏ Cày); con đồi mồi làm bằng miểng gáo dừa có kích thước 2,3m x1,7m của Cơ sở Trường Ngân (ở thị xã Bến Tre)...

Do ngày càng có nhiều cơ sở cạnh tranh nên hiện giá bán lẻ nhiều sản phẩm TCMN làm từ dừa trong tỉnh giảm 5.000-10.000 đồng/sản phẩm so với các năm trước. Tuy vậy, theo các cơ sở sản xuất, hiện đầu ra của sản phẩm vẫn đang khá tốt. Việc tiêu thụ các sản phẩm hàng TCMN gắn với việc phát triển du lịch đang hứa hẹn nhiều tiềm năng. Vấn đề đặt ra là hiện sản xuất của các DN và cơ sở trong tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún. Hầu hết các DN và cơ sở chưa có hàng xuất khẩu trực tiếp mà chỉ xuất khẩu gián tiếp thông qua các DN ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nên còn bị động. Ông Phạm Văn Thành ở thị xã Bến Tre, cho biết: “Chúng tôi có khoảng 70 mẫu hàng TCMN các loại từ gỗ dừa, trong đó tập trung nhiều ở các mô hình đồ vật như: xe, thuyền.... Trong 4 năm nay thị trường tiêu thụ luôn tốt, doanh thu của cơ sở tăng bình quân 5-6%/năm. Nhưng hiện sản phẩm của cơ sở tôi chỉ bán trong nước hoặc xuất khẩu gián tiếp thông qua các DN ở TP Hồ Chí Minh”. Ông Phạm Vân Thanh, chủ cơ sở Trường Ngân ở thị xã Bến Tre, cho biết: “Hiện cơ sở của tôi có trên 200 lao động đang làm khoảng 500 mẫu sản phẩm từ thứ liệu của dừa như: gỗ, gáo, chà, lá, xơ, vỏ.... Giá bán sản phẩm dao động 3.000-160.000 đồng/sản phẩm. Các sản phẩm của cơ sở làm ra chủ yếu phục vụ xuất khẩu, chỉ có khoảng 30% là tiêu thụ ở nội địa. Kim ngạch xuất khẩu của cơ sở đạt khoảng 200.000 USD/năm”.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu từ dừa như: gáo dừa, cọng dừa, chà cọng dừa, nhen dừa, chỉ xơ dừa, dừa điếc đang rất dồi dào nhưng nguồn nguyên liệu từ gỗ dừa ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, sản phẩm TCMN làm từ gỗ dừa có thể làm được nhiều sản phẩm có giá cao hơn nhiều so với gáo và không bị hạn chế bởi kích cỡ và hình dáng (gáo dừa thường có một hình dáng và kích cỡ sẵn). Những năm gần đây, dừa trái có giá, người dân không còn đốn bỏ dừa. Hơn nữa, chỉ có gỗ những cây dừa có tuổi thọ khoảng 50 năm trở lên mới sử dụng làm hàng TCMN cao cấp. Thông thường một thân cây dừa lão chỉ sử dụng được khoảng 2-3m ở phần gốc để làm hàng TCMN. Cách nay 2-3 năm giá gỗ dừa chỉ ở mức 60.000-70.000 đồng/m thì nay có giá 130.000-150.000 đồng/m nhưng khó mua. Đây cũng là một khó khăn lớn đối với nhiều cơ sở sản xuất hàng TCMN trong tỉnh trong việc mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Anh Hồ Kim Tứ, chủ cơ sở Kim Tú (chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa) ở ấp 2, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, cho biết: “Cơ sở của tôi hoạt động được 9 năm nay, hiện sản phẩm làm ra có trên 100 mẫu mã các loại, chủ yếu được làm từ gỗ dừa. Để sản xuất được khoảng 800 sản phẩm/tháng, hiện mỗi tháng cơ sở của tôi phải sử dụng khoảng 200 cây dừa. Giá bán sản phẩm đầu ra có thấp hơn các năm trước do cạnh tranh nhiều nhưng nhờ bán được số lượng lớn nên tình hình tiêu thụ vẫn khá tốt... Tuy nhiên, mặc dù mức cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, nhưng tôi không dám mở rộng sản xuất và đôi lúc phải từ chối một số đơn đặt hàng, vì sợ làm hàng không đủ số lượng theo hợp đồng do thiếu nguyên liệu gỗ dừa”.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

 

Chia sẻ bài viết