19/06/2016 - 07:30

Biên giới ở lại trong ta

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) sông Tiền đóng trên địa bàn xã Vĩnh Xương và phụ trách xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, An Giang- nơi đầu nguồn sông Tiền chảy vào Việt Nam. Bốn mươi năm qua, Đồn Biên phòng CKQT sông Tiền không chỉ là chỗ dựa vững chắc trong thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ sự bình yên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc; mà còn ghi dấu trong lòng nhân dân nơi đây về người lính "Bộ đội Cụ Hồ" mang quân hàm xanh.

Ký ức về người lính biên phòng

Đường lên xã biên giới Phú Lộc, Vĩnh Xương đã khác xưa nhiều. Nay là đường bê tông, tráng nhựa phẳng lỳ, dọc hai bên đường hầu hết là nhà tường, lợp ngói hoặc tôn. Cảnh vật tuy thay đổi, nhưng vẫn không xóa nhòa trong tôi ký ức của gần 20 năm ngụp lặn trong dòng nước sông Tiền và những ngọn gió hoang dại miền biên giới mà lớn lên. Gần mười lăm năm làm người xa xứ, thỉnh thoảng về rồi lại vội vã đi, nhưng lúc nào cũng ăm ắp kỷ niệm và tình người nhân hậu nơi này. Trong đó, có hình ảnh người lính quân hàm xanh đưa đón học sinh đi học trong những ngày lũ lụt.

Những năm 1996- 1997 lũ lên cao, xã Phú Lộc như một biển nước mênh mông, xa xa mới có một "ốc đảo", những ngôi nhà sàn cao hơn 2 mét đều ngập. Những ngày đó, bên cạnh giúp nhân dân di dời, sửa lại nhà xiêu vẹo, sắp sập, bộ đội biên phòng còn tuần tra, cứu những xuồng ghe giăng câu quăng lưới gặp giông bão. Đặc biệt là đưa đón học sinh cấp hai đi học. Lúc đó học sinh tiểu học trong xã được nghỉ học, còn chúng tôi học tại THCS Vĩnh Xương cách nhà khoảng 8km. Mấy ngày đầu chúng tôi bơi xuồng đi học, phải đi từ 4 giờ sáng mới kịp, nhưng thường xuyên bị chìm xuồng mỗi khi giông gió. Thế là, chiến sĩ bộ đội biên phòng tổ chức đưa rước hằng ngày. Học sinh của mỗi ấp tập trung lại một điểm, sáng 5 giờ 30 phút có ghe xuống rước đưa đi, rồi đến giờ lại đón đưa về. Nhờ vậy mà gần 20 học sinh ở xã Phú Lộc mới tiếp tục chuyện học. Bây giờ, thỉnh thoảng bạn bè cũ gặp lại, vẫn kể nhau nghe ân tình của những chiến sĩ biên phòng đã đưa rước.

 Cán bộ chiến sĩ BĐBP giúp dân gặt lúa bị ngập úng.

Với những lão nông như bác Trần Văn Xét, 78 tuổi sống ở ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, thì lại có những ký ức khác. Bác kể: "Mùa lũ năm 1998, nước dâng lên sớm, lé mé đường đi, ngoài đồng thì lúa mới đỏ đuôi, nguyên cánh đồng Phú Lộc, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa rộng mênh mông, nguồn sống của người dân ba xã bị đe dọa. Thế là, bộ đội biên phòng cùng với xã đội và nhân dân ngày đêm túc trực giữ đê. Chặt tre làm cọc, đổ đất vào bao tấn theo chân đê. Còn trên đồng, công lúa nào cắt xong là suốt liền, chở rơm ra be bờ. Thế mà cầm cự được tới thu hoạch gần hết lúa". Bác Trần Văn Xét nói trong hoàn cảnh nào, bác cũng cảm nhận được tình cảm quân với dân như một gia đình, cùng ăn cùng ở và cùng cứu lúa. "Không riêng gì tôi, ở đây bà con luôn quý trọng chiến sĩ biên phòng mấy mươi năm nay đã ở bên cạnh giúp đỡ nhân dân, gắn bó như một gia đình", bác nói. Rồi bác lại lẳng lặng nhìn xa xăm trên con đường tráng nhựa, cao ráo, hai bên rợp bóng cây xanh, nhè nhẹ cất lên tiếng hát, bài "Tiếng hát từ biên cương" (Dân ca Nam bộ, điệu Lý qua cầu): "Cùng em chung sức ca xây đời / Mà lòng anh thấy bao niềm vui / Này em mến yêu ơi / Từ miền xa xôi anh ngày đêm canh giữ đất trời / Ngoài nơi biên giới / lắng nghe tình quê phơi phới / Son sắt niềm tin người ơi / Khúc ca này gởi gắm bao lời…".

Còn anh Trần Văn Tân (xã Tân Thạnh – Tân Châu) nhớ lại: "Hơn mười mấy năm về trước, trong một mùa lũ không nhờ ca nô tuần tra của chiến sĩ Đồn biên phòng kịp thời cứu là tôi đã chết. Đang giăng câu trên đồng nước gần biên giới, có giông gió đến, nhưng tôi ráng móc mồi cho xong. Không ngờ sóng gió mạnh lên, trở tay không kịp, xuồng câu chìm, tôi đu cái can 5 lít mà nương theo lượn sóng thả trôi… Can nhỏ, sóng to, tôi bị ngộp và sặc nước, trong lúc gần đuối thì ca nô tuần tra của biên phòng đã cứu kịp thời". Cứ thế, mỗi người dân sinh sống nơi tuyến đầu này có những ký ức, những tình cảm riêng dành cho người lính quân hàm xanh. Còn với Bộ đội Biên phòng An Giang, "Quân dân như một gia đình" là truyền thống mà nhiều thế hệ chiến sĩ đã tâm niệm và xây dựng trong 40 năm qua. Đại tá Trịnh Ngọc Sơn – Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng An Giang, cho biết thêm: "Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng An Giang luôn coi việc gần dân, hiểu dân và cùng dân tháo gỡ khó khăn trong mọi mặt cuộc sống là phương châm hàng đầu".

Tiếp bước truyền thống cha anh…

Tôi cùng Thượng úy Võ Văn Khu- Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT sông Tiền, đi dọc đường biên giới từ sông Tiền (Vĩnh Xương) đến kênh Năm Xã (Phú Lộc), nếu chạy thẳng theo con đường này thì sẽ tới xã Phú Hữu (huyện An Phú). Lúc trước, nơi đây chỉ là bờ đê, hoang sơ, không có ai sinh sống, chỉ có vài chòi vịt, hoặc lều bạt để ở làm ruộng. Bây giờ là một con đường bề thế, chiều ngang gần 5 mét, nhà cửa đông đúc và khấm khá. Còn kênh đào chạy dọc theo tuyến đường biên giới này là nơi đầu tiên thông nước giữa sông Tiền và sông Hậu, ngoài ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, còn là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Khoảng giữa tuyến đường biên giới, những năm 1980, nhà nước huy động nhân dân đào một con kênh xẻ dọc dài gần 20km, lấy nước từ con kênh đào trên biên giới rồi thông ra con sông Hậu tại xã Châu Phong, chảy qua 5 xã (giờ là 7 xã) là nguồn nước và cũng là phương tiện đường thủy quan trọng của nhân dân trong vùng. Sau khi kênh Năm Xã được thông nước thì xã Phú Lộc cũng được thành lập từ một phần đất của xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa và Tân An, lúc đó đều thuộc huyện Phú Châu (lúc này chưa tách ra thành hai huyện Tân Châu và An Phú). Việc thành lập xã Phú Lộc ngoài mang ý nghĩa quốc phòng, giữ vững chủ quyền biên giới, còn tạo cơ sở để vận động nhân dân về sinh sống lập nên làng xã như ngày nay.

Từ đó có thể thấy nhìn bề ngoài thì khu vực địa bàn biên giới đầu nguồn sông Tiền có vẻ đơn giản (vì không có đồi núi trập trùng, rừng rậm hoang vu, đường giao thông hiểm trở) nhưng thật sự đây là địa bàn vừa có đường bộ, đường thủy huyết mạch, dân cư đông, đường biên giới dài… Từ đó, việc đảm bảo trật tự, bình yên nơi tuyến đầu này là rất cam go, đòi hỏi chỉ huy và chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT sông Tiền đã phải thật sự bản lĩnh và khéo léo trong công tác dân vận để tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Anh Phan Thế Truyền- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Phú Lộc, cho biết công tác phối hợp giữa Đồn biên phòng và địa phương rất chặt chẽ. Lúc nào cán bộ chiến sĩ biên phòng cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân dân trong xã. Như giúp cắt gần 7 héc-ta lúa tại ấp Phú Yên bị ngập úng cục bộ trong năm 2015, đắp đường sạt lở tại ấp Phú Quý, thường xuyên thăm hỏi động viên và tặng quà cho học sinh nghèo, xây dựng và bàn giao nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng và tổ chức sinh hoạt định kỳ "Điểm sáng văn hóa"… Đặc biệt là phối hợp trong công tác tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông đường bộ, phòng chống tội phạm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Thượng úy Vũ Văn Khu tâm sự: "Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT sông Tiền luôn tận tụy, gần gũi, đồng hành với nhân dân trong hoạt động sản xuất cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi luôn khẳng định: Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".

Bác Bảy Hổ- Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương, nói: "Mỗi lần chúng tôi cất nhà cho người nghèo, liên hệ Đồn Biên phòng là Chỉ huy cử anh em chiến sĩ xuống vận chuyển vật liệu và dựng nhà tiếp dân. Cây cầu đúc chỗ bờ kè, toàn bộ vật liệu đều nhờ chiến sĩ Biên phòng vận chuyển, mấy em còn tiếp đổ xi măng móng và sàn cầu. Sau nhiều lần được cán bộ Biên phòng tuyên truyền về pháp luật, bà con hiểu hơn và cảnh giác hơn với tội phạm. Đi làm ruộng, thấy có dấu hiệu gì bất thường nơi mốc biên giới, hoặc gặp buôn lậu đều điện về cho Đồn biên phòng để tuần tra. Mọi hoạt động của Ban Trị sự đều được anh em ở Đồn Biên phòng hỗ trợ hết mình".

"Chiều biên giới em ơi / có nơi nào đẹp hơn"... Tôi chia tay xã vùng biên một buổi chiều, thoáng nghe câu hát đó, chợt thấy sao mà hài hòa với hình ảnh các anh trên đường tuần tra. Những bước đi rắn rỏi và hiên ngang, giữ vững bình yên và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Trần Sang

Chia sẻ bài viết