02/10/2016 - 16:46

Biến đổi khí hậu nhanh hơn, sẽ thiếu nước ở vùng sông nước Cửu Long

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn biến phức tạp tác động trực diện đến vùng ĐBSCL. Trước thực trạng này, nhiều dự báo cho rằng, có khả năng ĐBSCL sẽ không còn là vùng đất trù phú và rất cần tư duy mới của cộng đồng để tìm phương cách sống chung và thích ứng…

Biến đổi khí hậu nhanh hơn

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói: "Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện hữu rõ rệt. Trong đó, ĐBSCL bị cạn kiệt tài nguyên nước và không còn là vùng đất trù phú. Do đó vùng cần tư duy để thích ứng, cần thay đổi sản xuất và sinh kế cho hơn 20 triệu người trong vùng". Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật biến đổi khí hậu từ các năm: 2009, 2012, 2016… Qua đó cho thấy nhiệt độ tăng trung bình gần 20C; nước biển dâng, sụp lún đất làm cho ĐBSCL có nguy cơ ngập hơn 39%.

Các tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nóng lên của trái đất đã và đang gây nhiều tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thực hiện giải pháp dùng đất sình bồi đắp cho vườn cây trong mùa nắng nóng để bảo vệ cây trồng. Ảnh: VĂN CÔNG

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Với chiều dài hơn 254km ven biển nên vấn đề sạt lở ven biển, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp, khó lường, cần giải pháp công trình, phi công trình để bảo vệ". Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng: "Đợt hạn, xâm nhập mặn vừa qua làm cho người nghèo, cận nghèo tăng và bỏ xứ đi nơi khác. Người dân ly hương khỏi ĐBSCL khi sản xuất nông nghiệp nhiều tháng không thu hoạch được. Tôi đề nghị Thủ tướng có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp xây dựng khu công nghiệp như may mặc để tạo công ăn việc làm tại chỗ, giải quyết việc làm, ổn định kinh tế- xã hội".

Với vị trí quan trọng, tiềm năng lợi thế đã giúp ĐBSCL góp phần cùng cả nước cải thiện đời sống người dân. Trong khi đó, thách thức ĐBSCL là lượng nước và chất lượng nước phụ thuộc rất lớn vào lượng nước thượng nguồn sông Mêkong và cấu tạo địa chất.

Nguồn nước bị đe dọa và lãng phí

Theo Tổng cục Thủy lợi, việc tích nước ở các nước thượng nguồn khiến lượng phù sa hạ nguồn sông Mêkong giảm đáng kể, chỉ còn 25% so với trước đây. Nước ngọt không về, nước mặn xâm nhập sâu khiến hơn 2 triệu héc- ta đất trong vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn. Không chỉ vậy, việc xây dựng đập thủy điện dọc thượng nguồn sông Mêkong ở các quốc gia: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia làm lũ về ĐBSCL giảm, lũ lớn hiếm xảy ra và khả năng mất lũ là rất lớn.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng: "Các công trình thủy điện dòng chính sông Mêkong làm cán cân trầm tích chảy về ĐBSCL gần bằng âm thì diện mạo sông ngòi, bờ biển vùng ĐBSCL sẽ thay đổi ghê gớm. Hiện tượng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông; rồi xói lở ven biển vì rừng phòng hộ không còn bảo vệ được nữa… sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng".

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí tỉnh Tỉnh ủy Sóc Trăng nói: "Tình trạng khai thác nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất tràn lan, không kiểm soát đã dẫn đến sụp lún đất. Chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng có 150.000 cây nước ngầm còn rải khắp nơi vùng ĐBSCL là bao nhiêu thì không tính hết được, nhất là bán đảo Cà Mau. Việc qui hoạch, quản lý, khai thác nước ngầm cần được quan tâm để sử dụng hiệu quả cho đời sống người dân". Mực nước ngầm cần được quan tâm sụt giảm từ 30- 70cm do khai thác bừa bãi, đê bao tuyệt đối vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười để nâng diện tích, năng xuất, xuất khẩu đều tăng. Nhưng để sản xuất khẩu 1 kg gạo phải cần 30m3 là lãng phí rất lớn tài nguyên nước.

Sống chung và thích ứng

Tại hội nghị "Thích ứng với BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL" vừa diễn ra ở Cà Mau, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: "BĐKH, sụp lún đất, nước biển dâng cạn kiệt nguồn nước sông Mêkong không còn trông chờ kịch bản mà đang hiện hữu trước mắt, đến rất nhanh như là một thách thức với hơn 20 triệu người dân trong vùng. Mục tiêu là giữ ĐBSCL, ở ĐBSCL, đưa ĐBSCL phát triển đi lên. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý". Theo ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, 30 năm ĐBSCL kiểm soát lũ đã phát triển sản xuất, phát triển đời sống, chất lượng sống. Tư tưởng sống chung với lũ, giành quyền lợi cho người dân từ kiểm soát lũ nên chuyển sang giai đoạn kiểm soát lũ, sống chung với lũ và nối tiếp giai đoạn thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL.

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng ĐBSCL có diện tích giáp biển rất lớn. Nhưng bờ biển dài thì xem nước biển là tai họa hay cơ may? "BĐKH, nước biển dâng…cần khai thác lợi thế các vùng mặn, lợ, ngọt để bố trí sản xuất, sinh kế người dân" - GS.TS Nguyễn Ngọc Trân đề xuất. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia môi trường ĐBSCL, kiến nghị: "Không lấy tình hình thời tiết cực đoan năm nay để xây dựng chiến lược lâu dài. Cần phục hồi không gian trữ lũ ĐBSCL ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Chỉ làm những công trình nhỏ, không nên làm công trình lớn. Lấy thủy triều biển Đông, biển Tây làm động lực để nước theo hàng ngàn sông rạch như mạch máu nuôi sống vùng ĐBSCL".

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, về nhận thức thách thức cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL trong thời gian tới đến từ dòng chảy sông Mêkong, nước biển dâng và kể cả thách thức đến từ việc sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên đất… Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Căn cứ vào những kiến nghị, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường… rà soát, điều chỉnh qui hoạch cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn cho các công trình cấp bách thích ứng với BĐKH. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cập nhật kịch bản BĐKH để tìm giải pháp thích ứng có hiệu quả. Việc dự báo phải tính đến tình huống xấu nhất vì chủ quan sẽ xóa bỏ tất cả dự định, công sức và khó tránh hậu quả.

Nguyễn Hưng

Chia sẻ bài viết