31/03/2008 - 22:36

Biến chất thải thành lợi thế

Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ.

Xử lý chất thải công nghiệp để không gây ảnh hưởng đến môi trường đang là nỗi lo chung của các doanh nghiệp và toàn xã hội. Bước đầu, một số doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã biến chất thải thành lợi thế để phát triển bền vững trong xu thế hội nhập.

CÁI GIÁ XEM NHẸ MÔI TRƯỜNG

Anh Phạm Quang Nghiêm, Trưởng phòng phát triển sản xuất của Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ, cho biết khoảng từ năm 1990 đến năm 2000, doanh nghiệp chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật để góp phần dập tắt các loại sâu bệnh hại lúa trên đồng ruộng. Do đó, nhà máy chưa có hệ thống xử lý chất thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn) nên bị nhiều hộ dân xung quanh phản ứng. Anh Nghiêm kể: “Lúc đầu, bà con chỉ gởi đơn khiếu nại đến công ty. Về sau trực tiếp gởi đơn thưa đến UBND tỉnh và tập hợp đông người kéo đến cổng công ty không cho cán bộ-công nhân ra vào. Chúng tôi phải nhờ đến các cơ quan chức năng của địa phương can thiệp”. Thật ra, trước đây Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ có đắp đê xung quanh nhà máy để không cho nước thải chảy ra ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, do đê bao bằng đất, nên không ngăn được nước thải rò rỉ hoặc tràn đê khi mưa lớn. Anh Dương Tấn Bình có thâm niên mười bốn năm làm việc ở bộ phận phối liệu hóa chất của Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ nhớ lại: “Trong những năm đầu mới vào làm việc tại công ty, anh em chúng tôi rất lo ngại cho sức khỏe, vì phải làm việc trong môi trường đậm đặc mùi hóa chất độc hại. Mặt khác, hàng ngày công nhân chúng tôi còn phải trực tiếp khuân vác các thùng hóa chất nặng nhọc trên lưng”.

Trước khi Công ty liên doanh Xi măng Hà Tiên 2 – Cần Thơ đạt tiêu chuẩn ISO 14000, thì người lao động phải làm việc trong môi trường tiếng ồn rất lớn phát ra từ công đoạn nghiền xi măng; cả khu vực nhập nguyên liệu (từ cầu cảng đến máy nghiền) luôn trong tình trạng khói bụi mịt mù. Anh Nguyễn Văn Liền làm việc suốt mười lăm năm ở khâu nhập nguyên liệu của công ty nhớ lại: “ Trước đây, công nhân chúng tôi phải làm việc trong môi trường bụi bặm cực nhọc lắm, một số anh em bị mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp”.

LỢI ÍCH LỚN!

Năm 2001, Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ và Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 – Cần Thơ là 2 trong số 4 doanh nghiệp đầu tiên ở ĐBSCL cử cán bộ tham dự tập huấn về Chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH). Qua đợt tập huấn đã giúp 2 doanh nghiệp này nhận thức được chính nước thải, khí thải, chất thải rắn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và làm lãng phí cho doanh nghiệp.

Trước đây, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 – Cần Thơ sử dụng băng chuyền hở để đưa nguyên liệu vào sản xuất vừa làm phát sinh bụi, vừa thất thoát nguyên liệu. Giờ đây, nguyên liệu được vận chuyển trong băng chuyền kín kết hợp lắp đặt hệ thống quạt hút để thu hồi bụi (thực chất là nguyên liệu). Trong giải pháp tiết kiệm điện, doanh nghiệp này đã thay đổi các mô- tơ điện được sử dụng thừa công suất; sử dụng đá vôi nguyên liệu có kích thước nhỏ để giảm tiêu thụ điện năng trong khâu nghiền; tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm để sử dụng điện với giá rẻ... Các giải pháp trên đã giúp công ty tiết kiệm được 700 triệu đồng (đã trừ khấu hao vốn đầu tư cải tiến công nghệ) trong năm 2002 khi còn sản xuất với công suất 300.000 tấn/năm. Ngoài tiết kiệm được kinh phí, môi trường (bụi, tiếng ồn) ở công ty được cải thiện rõ nét. Anh Nguyễn Văn Năm, tài xế xe tải của Công ty TNHH Quang Giàu đang nhận xi măng tại Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 – Cần Thơ, nói: “Đi nhận xi măng tại các kho khác bụi khiếp lắm, còn tại công ty này thì không bị bụi, nên cánh tài xế chúng tôi thường giành nhau đi nhận hàng ở đây”. Còn anh Nguyễn Thanh Long, Giám đốc chất lượng của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 – Cần Thơ, cho biết: “Hiệu quả do Chương trình SXSH mang lại nền tảng cơ bản để doanh nghiệp chúng tôi áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 và được công nhận đạt tiêu chuẩn theo phiên bản ISO 14001:1996 vào năm 2002, đến năm 2005 tiếp tục đạt tiêu chuẩn ISO14000 theo phiên bản 14001:2004. Nhờ đạt được tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường, các sản phẩm của công ty được người tiêu dùng ĐBSCL và các công trình xây dựng trọng điểm của quốc gia như cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ tin dùng”.

Khi Chương trình SXSH được áp dụng vào thực tế sản xuất tại Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ đã làm thay đổi rõ nét trong việc bảo vệ môi trường. Hiện nay, xung quanh nhà máy là tường rào bằng bê tông âm sâu dưới lòng đất 2 mét để ngăn không cho nước thẩm thấu ra bên ngoài. Còn nước thải của nhà máy được xử lý bằng phương pháp hóa học kết hợp phương pháp sinh học thông qua 3 hồ chứa lớn. Công ty đã đầu tư lò đốt chất thải rắn để vừa xử lý chất thải rắn tại chỗ với chi phí chỉ bằng ¼ so với giá dịch vụ vừa làm dịch vụ cho các đơn vị khác. Đối với không khí, trong khu vực sản xuất lắp đặt nhiều hệ thống hút lọc khí. Từ năm 2000 trở về trước, hoạt động sản xuất tại công ty gần như bằng thủ công; người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, thì từ năm 2005 đến nay tỷ lệ tự động hóa đạt khoảng 70%. Anh Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc sản xuất của Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ, nói: “Chương trình SXSH đã giúp doanh nghiệp chúng tôi phát triển ổn định. Ngoài việc được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 14000 phiên bản 14001 vào năm 2004, doanh nghiệp chúng tôi đã nhận được giải thưởng về môi trường quốc gia năm 2005 và giải thưởng về môi trường khu vực châu Á Thái Bình Dương vào năm 2007. Những phần thưởng trên đang là giá trị vô hình giúp chúng tôi không ngừng phát triển trong xu thế cạnh tranh hiện nay”.

Lãnh đạo 2 doanh nghiệp này cho biết luôn ủng hộ chương trình SXSH của thành phố và sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết