10/07/2009 - 20:58

Bí quyết sống thọ từ rapamycin?

Thuốc giúp sống lâu trăm tuổi – ước mơ chưa thành hiện thực của loài người.
 Ảnh: Nature

Một hợp chất được tìm thấy trong đất trên đảo Easter của Chile ở Nam Thái Bình Dương làm gia tăng đáng kể tuổi thọ của loài chuột, cho phép một số con sống tới hơn 100 tuổi nếu tính theo tuổi của người. Hợp chất đó có tên gọi là rapamycin, sản phẩm phụ của vi khuẩn được phát hiện trong một mẫu đất lấy từ đảo Easter hồi thập niên 1970. Nhờ có đặc tính kháng nấm nên rapamycin lọt vào tầm mắt của các nhà khoa học.

Sau đó, rapamycin được dùng để phòng hiện tượng loại thải ở bệnh nhân ghép tạng và kế đó được dùng làm thành phần chế tạo ống nong động mạch. Hợp chất đáng chú ý này hiện đang được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư. Chưa hết, “danh tiếng” của rapamycin ngày càng thăng hoa khi các nhà khoa học phát hiện hợp chất này có khả năng gia tăng đáng kể tuổi thọ ở người.

“Trong 35 năm nghiên cứu về hiện tượng lão hóa ở người, chúng tôi đã thử nghiệm nhiều phương pháp can thiệp nhằm khắc chế lão hóa, nhưng chưa bao giờ thành công. Nhưng rapamycin chứng tỏ có tiềm năng làm được điều đó”, Arlan Richardson, Giám đốc Viện Barshop chuyên nghiên cứu tuổi thọ và lão hóa – một trong ba trung tâm ở Mỹ đang thử nghiệm tiềm năng chống lão hóa của rapamycin - cho biết. Phấn khởi trước các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng rapamycin ức chế được enzyme liên quan với quá trình lão hóa ở các loài động vật có xương sống, các nhà khoa học quyết định bổ sung dược phẩm này vào thức ăn của bầy chuột 20 tháng tuổi – tương đương khoảng 60 tuổi ở người.

Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature (Anh) ngày 8-7 cho thấy: chuột cái khi ăn thức ăn có trộn rapamycin sống trung bình lâu hơn 13% so với đồng loại khác trong khi nhóm chuột đực sống thọ hơn 9% so với bình thường. Đáng chú ý ở nhóm 10% chuột sống lâu nhất, chuột cái và chuột đực dùng rapamycin sống lâu hơn tương ứng 38% và 28% so với những con cùng tuổi “kiêng” rapamycin. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rapamycin có tác dụng đối với tuổi thọ của các loài động vật có vú. Trước đó, khả năng kéo dài tuổi thọ của rapamycin đã được thử nghiệm trên men, giun đất và ruồi giấm. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế kéo dài tuổi thọ của rapamycin cũng tương tự như việc hạn chế calorie – hiện được xem là liệu pháp giúp sống lâu hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, Matt Kaeberlein và Brian Kennedy, chuyên gia hóa sinh của Đại học Washington lưu ý chúng ta không nên quá lạc quan về triển vọng kéo dài tuổi thọ của rapamycin, và khuyến cáo người ở tuổi trung niên không nên vội vã tự ý dùng dược phẩm này, bởi đặc tính của nó là ức chế hệ miễn dịch - có thể khiến cơ thể dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm.

SONG NGỌC (Theo AFP, Nature)

Chia sẻ bài viết