09/10/2017 - 22:02

Bệnh tật, nghèo vì lạm dụng rượu bia 

Theo Hiệp hội rượu bia (RB), nước giải khát năm 2016, cả nước tiêu thụ khoảng 3,8 tỉ lít bia, tăng 10 % so với năm 2015 và tăng 52 % so với năm 2010. Lượng RB tiêu thụ của năm 2016 tương đương gần 3,8 tỉ USD, chiếm khoảng 7,7% tổng số thu ngân sách của cả nước trong năm. Trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất RB, nước giải khát trong năm 2016 là 1,8 tỉ USD.  Đó là chưa kể khoảng 300 triệu lít rượu được tiêu thụ hằng năm…

Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 bệnh. Ảnh minh họa trên Internet

Trực tiếp gây ra 30 bệnh

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh,  Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, những ước tính trên chưa kể đến những chi phí gián tiếp để giải quyết những hậu quả do lạm dụng RB. Theo một nghiên cứu, có 90.568 hộ gia đình (4,5%) bị nghèo hóa do chi cho mua RB (năm 2010).

Lạm dụng RB gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. RB là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và  trực tiếp gây ra ít nhất 30 bệnh. RB gây rối loạn tâm thần kinh, ung thư, tim mạch, đái tháo đường; tác động tới bào thai làm trẻ sinh ra bị dị dạng, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh; gây các bệnh tiêu hóa như tổn thương gan, xơ gan; làm nặng thêm các tổn thương do vi-rút viêm gan C, viêm tụy cấp tính/mãn tính; tổn thương hệ miễn dịch làm suy giảm miễn dịch; làm tăng nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn thương tích bạo lực, tự tử.

Tổ chức nghuên cứu ung thư quốc tế (IARC) khuyến cáo RB là chất gây ung thư ở khoang miệng, họng, thực quản, thanh quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Uống ở mức độ nào cũng có nguy cơ gây ung thư. Uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng. Sự phát triển ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả sau khi đã cai RB.       

Trẻ em Việt Nam cũng đang là nạn nhân trong việc lạm dụng đồ uống có cồn của người lớn. Qua nghiên cứu, 3,2%  trẻ em bị đánh đập, gây đau đớn về thể xác, 6,1% chứng kiến bạo lực gia đình nghiêm trọng, 6,2% bị bỏ mặc, không có người chăm sóc, 11,4% bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi. Tỷ lệ trẻ em  chịu ít nhất 1 trong 4 vấn đề trên chiếm 13,7%.

Phụ nữ Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ người uống RB là người thân trong gia đình, cao gấp 7 lần so với nam giới. Trong khi đó, 33% phụ nữ có chồng/bạn tình uống nhiều RB.

Theo thạc sĩ Trần Quốc Bảo, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Y tế trường học, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, nghiên cứu năm 2015 có tới 77 % nam giới và 11 % nữ giới có uống RB trong 30 ngày qua. Tuổi càng cao, tần suất uống  RB càng tăng. Đáng lưu ý một nửa  nam giới trưởng thành uống RB ở mức nguy hại. Trong số người có uống rượu bia 45 % đã từng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trong vòng 2 giờ sau khi uống.

Hành vi uống RB đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên và tuổi bắt đầu uống RB  đang ngày càng trẻ hóa. Điều tra 3.465 học sinh ở 50 trường ở 13 tỉnh, thành trên toàn quốc 2013, trẻ từ 13 đến 17 tuổi đã từng uống ít nhất một đơn vị cồn trong 30 ngày vừa qua chiếm gần 25 %. Trong đó gần một nửa uống cốc đầu tiên trước 14 tuổi.

Những khoảng trống pháp lý

Việc lạm dụng RB tại Việt Nam đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác.  Hiện nay, trong các văn bản chưa có nội dung về phòng, chống tác hại RB; thiếu các quy định về hạn chế tuổi sử dụng, ngày giờ bán, mật độ điểm bán lẻ; in cảnh báo sức khỏe trên bao bì, trưng bày rượu, bia và trên nhãn sản phẩm RB;  kiểm soát hoạt động tài trợ nhằm tiếp thị RB; quy định về việc cấm bán RB cho một số đối tượng như người say rượu, phụ nữ có thai…

Sản xuất kinh doanh bia vẫn quản lý như thực phẩm thông thường, chưa được kiểm soát, trong khi nếu tính về lượng rượu nguyên chất tiêu thụ bình quân đầu người/năm (quy đổi) thì lượng rượu  nguyên chất người Việt Nam dung nạp từ bia cao hơn từ các sản phẩm rượu và RB đều tác hại như nhau; chưa có quy định về đảm bảo tài chính cho giảm thiểu tác hại của lạm dụng RB; trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc tham gia giải quyết, khắc phục các hậu quả liên quan đến làm dụng RB; chưa có quy định liên quan đến can thiệp y tế đối với các tác hại của lạm dụng RB...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có mức độ uống RB nào là an toàn. Mức nguy cơ thấp để giảm thiểu nguy cơ, người bình thường không nên uống quá 2 đơn vị /1 ngày đối với nam và 1 đơn vị với nữ và không uống quá 5 ngày trong tuần. Không uống khi không biết đó là rượu gì, không uống rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Một đơn vị cồn tương đương với 10mg cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức là tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml; một cốc bia hơi 330ml; một ly rượu vang 100ml hoặc một chén nhỏ rượu mạnh 30ml.

 

Tại hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng RB tại Việt Nam và dự thảo Luật Phòng, chống  tác hại của RB vừa diễn ra tại tỉnh Cà Mau vào đầu tháng 10-2017, các đại biểu cho rằng gánh nặng sẽ ngày càng tăng nếu Nhà nước không đáp ứng kịp thời về chính sách, pháp luật và đặc biệt là pháp luật về phòng chống tác hại của RB, những tồn tại hạn chế của hệ thống pháp luật về RB cần phải được sửa đổi, bổ sung và tăng cường hiệu lực. Các đại biểu tham dự thống nhất quan điểm của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại RB: Luật không cấm sử dụng RB mà chỉ hạn chế sử dụng ở mức độ có hại; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với RB; giảm tác hại và đảm bảo nguồn lực để phòng chống tác hại của RB…

H.HOA 

Chia sẻ bài viết