13/06/2008 - 20:43

Tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL:

"Bệnh" một đường, "trị" một nẻo

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay “bơm” vốn cho người nuôi cá mới là giải pháp cấp bách để cứu thị trường cá tra nguyên liệu. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Từ đầu tháng 6 đến nay, câu chuyện về cá tra nguyên liệu tồn đọng ở ĐBSCL là một “điểm nóng”. Để cứu vãn tình hình đã có nhiều giải pháp cấp bách can thiệp từ phía Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan được đưa ra. Một trong số đó chính là việc “bơm” vốn cho các doanh nghiệp để thu mua lượng cá nguyên liệu, nhất là cá quá lứa của nông dân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng, giải pháp này là hệ quả từ việc “chẩn chưa đúng bệnh”. Từ đây, nhiều vấn đề khác tiếp tục được đặt ra...

CHƯA CHẨN ĐÚNG “BỆNH”!

Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cho rằng sẽ tiến hành thu mua hết 20.000 tấn cá nguyên liệu quá lứa trên tổng số khoảng 50.000 tấn cá tồn đọng trong dân trong vòng tháng 6 hoặc tháng 7 này. Điều đáng nói ở đây, nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” với nguồn vốn “bơm” từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam.

Vì sao có tình trạng này? Ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), giải thích: Mức lãi suất từ Ngân hàng NN&PTNT đưa ra (1,67%/tháng) cao hơn so với lãi suất doanh nghiệp vay hiện tại (1,5%/tháng). Doanh nghiệp nào cũng phải “liệu cơm, gắp mắm” nên không thể nhận nguồn vốn ưu đãi mà lãi suất quá cao để mua cá tồn trữ được. Vả lại, 10 tỉ đồng vốn được phân bổ theo kế hoạch, cũng không thấm vào đâu so với công suất 150 tấn sản phẩm/ngày như hiện nay của Caseamex”.

Còn ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu thủy sản Thiên Mã, cho rằng, việc “bơm” vốn từ các ngân hàng “chưa đúng nơi cần đến”. Theo ông Tòng, tuy không vay nguồn vốn “bơm” từ phía ngân hàng nhưng Thiên Mã vẫn duy trì công suất sản xuất 150 tấn/ngày. Một số doanh nghiệp khác như: Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, Công ty Caseamex, Công ty TNHH Thuận Hưng... vẫn duy trì tốc độ sản xuất từ 80-300 tấn/ngày. Đặc biệt, theo ông Tòng, hiện nay, chỉ riêng Thiên Mã đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ khoảng 10.000 tấn cá tra nguyên liệu quá lứa (từ 1,2 kg/con trở lên). Do đó, khả năng giải quyết lượng cá tra quá lứa tồn đọng trong dân là hoàn toàn có thể làm được trong tháng 6 hoặc tháng 7 này.

Chính vì thế, ông Võ Đông Đức cho rằng, việc “bơm” vốn cho các doanh nghiệp của các ngân hàng ví như chưa “chẩn đúng bệnh” của thị trường cá tra nguyên liệu. Bởi khó khăn về vốn hiện nay là người nuôi cá chứ không phải doanh nghiệp vì người nuôi không vay được tiền từ các ngân hàng, trong khi đó giá bán cá quá thấp. “Tình thế hiện nay, bơm vốn cho người nông dân để đầu tư vào thức ăn, thuốc thú y... hạn chế mức thiệt hại nặng từ cơn khủng hoảng này mới là giải pháp cấp bách cần thiết” - ông Đức nói.

Về vấn đề này, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ xác nhận: Hàng chục hộ nuôi cá tra đến nhờ Hiệp hội thế chấp tài sản tại một số ngân hàng để được vay vốn đầu tư nuôi cá. Nhưng khi ông cầm các giấy tờ thế chấp này làm việc với các ngân hàng (với tư cách là chủ tịch hiệp hội thủy sản) thì được các ngân hàng trả lời: không còn nguồn vốn để cho vay!

ĐỪNG LẤY CÁI NHỎ BỎ MẤT CÁI LỚN!

Vì sao lại có tình trạng kiến nghị giải ngân nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất? Ông Lương Hoàng Mãnh, Công ty cổ phần Thủy sản Mekong, bày tỏ quan điểm: “Phải nhìn thấy thực trạng của vấn đề sản xuất dư thừa nguyên liệu do việc nuôi cá tra, nhà máy chế biến xuất khẩu nhiều, chào bán giá sản phẩm ra thị trường nước ngoài với giá thấp, khiến giá cá tra nguyên liệu giảm và ứ đọng”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc thiếu vốn sản xuất của các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét kỹ nguyên nhân. Ông Võ Đông Đức, nói: “Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng hiện đang rất bình thường. Doanh nghiệp nào không vay được nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu cần phải xem xét lại thật kỹ khả năng đầu tư, năng lực hoạt động...”. Đồng tình với ý kiến, ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Mekong, phân tích: “Khả năng doanh nghiệp thiếu vốn là hoàn toàn không có. Chỉ trừ trường hợp những doanh nghiệp đầu tư quá mức năng lực tài chính, lượng hàng tồn kho quá lớn, phương án kinh doanh không khả thi, dẫn đến việc mất cân đối nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh”. Nói về mối quan hệ với các ngân hàng, ông Mãnh cho hay, hiện nay Công ty cổ phần Thủy sản Mekong đang giao dịch với Ngân hàng Công thương Chi nhánh Cần Thơ và ngân hàng này đang đề nghị mức cho vay đối với doanh nghiệp thêm 50 tỉ đồng cho sản xuất.

Qua những phân tích trên, ông Mãnh cho rằng, việc yêu cầu nhà nước “bơm” vốn cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi để cứu nguy cho người nuôi là không nên. Ông Mãnh kết luận: “Trong bối cảnh hiện nay, đừng lấy lợi nhỏ trước mắt mà sẽ mất cái lớn hơn. Bởi không chỉ riêng trong nông nghiệp, việc hỗ trợ từ phía nhà nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở tất cả các ngành hàng xuất khẩu sẽ bị các nước khác kiện trong vấn đề chống bán phá giá”.

BÀI HỌC SỰ TỰ ĐIỀU TIẾT CỦA THỊ TRƯỜNG

Nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL và cả nước đã phát triển hơn 13 năm. Nhưng nếu nhìn nhận một cách có hệ thống, tỷ suất lợi nhuận nuôi cá tra của người nuôi cá đang giảm dần. Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, phân tích: “Năm 2003, giá bán cá tra nguyên liệu trung bình là 7.000 đồng/kg, giá thành sản xuất chỉ khoảng 4.500 đồng/kg. Hai mức giá này tương ứng ở năm 2004 là 8.000 đồng/kg và trên 6.000 đồng/kg; năm 2005 là 10.000 đồng/kg và 8.000 đồng/kg, năm 2006 là 13.000 đồng/kg và 10.000-11.000 đồng/kg; năm 2007 là 13.500 - 14.000 đồng/kg và 12.000 - 13.000 đồng/kg”. Đến năm 2008, mức giá bán như hiện nay, cao lắm cũng chỉ đạt 14.500- 15.000 đồng/kg nhưng giá thành sản xuất con cá tra đã lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg. Hơn 5 năm qua, lãi suất ngân hàng đối với người nuôi cá tra từ 0,75%/năm đã tăng lên 17%/năm; thức ăn mỗi năm tăng giá trên 80%; giá một số hàng hóa liên quan tới sản xuất cá tra như: dầu tăng 70%, lao động tăng 20-30%, thuốc thú y thủy sản tăng 40-50%, chi phí khác tăng 60-70%... Trong khi đó, tỷ lệ tiêu hao cá tra cũng tăng từ 5% - 40%...

Điều đáng tiếc là những vấn đề trên đã được cảnh báo từ trước, nhưng thực tế vẫn diễn ra theo hướng xấu. Ông Trí cho rằng: “Mức độ lợi nhuận con cá tra đem lại quá lớn. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đã đạt kim ngạch tương đương năm 2007. Chính vì thế, thời gian qua, sự phát triển nóng của con cá tra đã lấn áp những cảnh báo chưa mạnh của ngành chức năng”.

Ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Mekong, cho rằng: “Chúng ta quên mất sự tự điều tiết của thị trường theo quy luật cung cầu. Khi cung nhiều thì giá giảm, khi cầu nhiều thì giá tăng”. Đối với con cá tra, thực tế xảy ra nhiều năm nay cũng tương tự như vậy: Khi giá cá lên ai cũng ùn ùn kéo nhau nuôi cá dù có trình độ, kỹ thuật nuôi hay không, nhiều lúc còn “neo” cá để chờ giá cao hơn. Khi giá cá giảm thì “bán tháo, bán đổ” làm đảo lộn cả thị trường. Thậm chí, cầu cứu sự can thiệp của nhà nước. Còn các nhà máy thì đua nhau mọc lên, đua nhau chào giá bán sản phẩm ra nước ngoài khiến rối ren cả thị trường trong và ngoài nước rồi lại cầu cứu ngành chức năng, cầu cứu Chính phủ.

Ông Mãnh đề nghị: “Ngành chức năng cần điều tra làm rõ những nguyên nhân dẫn đến lượng tồn đọng cá tra lớn trong dân từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn cấp bách và lâu dài. Tuy nhiên, những giải pháp này rõ ràng là không thể trở về thời kỳ cái gì cũng bao cấp được”.

Hết tháng 6 hoặc tháng 7, chuyện tồn đọng cá tra nguyên liệu trong dân ở ĐBSCL sẽ chấm dứt. Nhưng vấn đề nguyên liệu cá tra cho các nhà máy chế biến mới là vấn đề cần đặt ra trong thời điểm này.

Vì sao như vậy? Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, dự báo: “Sau đợt biến động này, chắc chắn nhiều hộ nuôi sẽ treo hầm vì không còn khả năng đầu tư”. Chính vì thế, ông Trí đề nghị, UBND các địa phương nên tổ chức ngay cuộc họp khẩn để bàn bạc các biện pháp cho vụ nuôi sắp tới. Theo đó, bên cạnh kiểm soát chặt chẽ quy hoạch nuôi, sản xuất chế biến, sản xuất con giống, các địa phương nên mạnh dạn loại bớt những vùng nuôi không hiệu quả, mời gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người nuôi.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

    “Những gì diễn biến trên thị trường cho thấy, hy vọng lời to từ nghề nuôi cá tra sẽ không có. Tôi cho giá bán cá tra nguyên liệu có thể lên 18.000 - 20.000 đồng/kg nhưng không dám đảm bảo giá thành lúc ấy sẽ tăng đến bao nhiêu... Nếu không có các biện pháp kịp thời, hậu quả xảy ra còn nặng nề hơn so với thời điểm hiện nay, không làm ngay bây giờ thì nghề nuôi cá tra ở TP Cần Thơ cũng như ĐBSCL cũng như “gà què ăn quẩn cối xay” mà thôi” - ông Trí dự báo.

Chia sẻ bài viết